Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm sạch đồng ruộng: Trả lại màu xanh tự nhiên

Hà Hiền| 17/09/2016 06:48

(HNM) - Nhận thức rõ phong trào “ba sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) ở địa phương là cần thiết nhưng chưa đủ, phụ nữ huyện Gia Lâm chung tay xây dựng và thực hiện nội dung thứ tư là “sạch đồng ruộng”. Nhờ đó, nhiều tấn rác thải độc hại trên đồng ruộng được thu gom, xử lý không chỉ góp phần giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, mà còn thiết thực trả lại màu xanh tự nhiên cho môi trường sống của người dân.


Không đợi đến đợt ra quân

Huyện Gia Lâm có nhiều xã thuần nông với hàng vạn nông dân, kéo theo lượng lớn rác thải tồn đọng trên đồng ruộng. Phần lớn đó là vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) khó phân hủy, nếu lẫn vào đất, thấm vào nước sẽ gây ra những tác hại không nhỏ cho môi trường tự nhiên và sức khỏe con người. Hiểu rõ điều này, năm 2012, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Gia Lâm đã phát động phong trào phụ nữ làm sạch đồng ruộng và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hội viên từ huyện tới cơ sở, cũng như các ngành, đoàn thể liên quan.



Ngay sau khi phát động, Hội Phụ nữ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập “Tổ phụ nữ thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV” và ra quân làm sạch môi trường. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Thị Nguyễn Thị Thành cho biết: Đợt đầu ra quân, phải rất vất vả chị em mới thu gom được hàng tạ vỏ bao bì thuốc BVTV. Có cái vùi sâu dưới mương, cái chui vào cống, cái nổi trên mặt nước, cái vương vãi trên mặt ruộng... Thấy việc ra quân tuy hiệu quả nhưng mất nhiều công sức, Hội đã kiến nghị với UBND xã hỗ trợ xây dựng hệ thống thùng rác ngoài đồng. Đến nay, thùng rác bằng xi măng, có đáy, nắp đậy, có hướng dẫn sử dụng đã được bố trí trên bờ ao - nơi bà con thường lấy nước, pha thuốc BVTV và trên bờ ruộng ở những khu vực trung tâm của cánh đồng, giúp cho việc thu gom rác thuận lợi, hiệu quả hơn.

“Nếu trước đây, ao hồ, kênh mương nổi đầy chai lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV thì nay tình trạng này cơ bản được khắc phục. Trên đồng ruộng, rác thải độc hại vương vãi cũng ít dần” - chị Nguyễn Thị Thành cho biết thêm. Tương tự như xã Phú Thị, tất cả các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện Gia Lâm cũng đã bố trí hệ thống thùng rác ngoài đồng; xã ít cũng có vài thùng, xã nhiều lên đến vài chục thùng.

Không chỉ ra quân trực tiếp, chị em phụ nữ còn vận động các thành viên trong gia đình và cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường; phối hợp với các hội, đoàn thể khác đưa phong trào phát triển theo chiều sâu. Công tác tuyên truyền cũng được các địa phương thực hiện thông qua hệ thống đài truyền thanh, lồng ghép vào các cuộc họp, sinh hoạt của các hội, đoàn thể và các cuộc họp dân. Nhờ đó, ý thức làm sạch đồng ruộng của người dân tăng lên đáng kể. Không chỉ đợi đến đợt ra quân, người dân ra đồng nhìn thấy rác thải đã tự giác nhặt bỏ vào thùng. “Đây là phong trào không dễ thực hiện, song nó rất thiết thực và hiệu quả nên không khó để nhận được sự hưởng ứng của nhân dân, nhất là chị em phụ nữ hằng ngày canh tác trên đồng ruộng” - chị Phạm Thị Hồng Hải, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Gia Lâm nhận định.

Băn khoăn khâu xử lý

Thực tế cho thấy, phong trào làm sạch đồng ruộng ở huyện Gia Lâm đã và đang phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, hiệu quả thấy rõ nhưng chưa triệt để. Bởi lẽ, phần lớn rác thải ngoài đồng là rác độc hại, cần quy trình xử lý riêng, phức tạp, tốn kém, người tham gia phong trào dù nhiệt huyết cũng chỉ có thể thu gom, chứ không thể tự xử lý. Các địa phương dù quan tâm cũng mới hỗ trợ lắp đặt thùng rác, trang bị khẩu trang, găng tay cho người đi thu gom, còn việc vận chuyển, xử lý rác thải độc hại thế nào cho hợp lý lại vượt quá khả năng của chính quyền cơ sở.

Theo tìm hiểu của Báo Hànộimới, Trạm BVTV huyện Gia Lâm đã và đang hỗ trợ các địa phương trên địa bàn thu gom, xử lý rác ngoài đồng, nhưng lượng rác thải được xử lý đúng quy trình mới đáp ứng một phần nhu cầu. Trước lượng rác thải độc hại tồn đọng, các địa phương loay hoay tìm hướng xử lý. Nơi ít thì các địa phương để rác lâu ngày trong thùng, chờ thu gom; nơi nhiều, hệ thống thùng rác trên đồng không thể chứa hết thì buộc các địa phương phải đốt, chôn lấp, hoặc xử lý chung với rác thải sinh hoạt. Để có thể giải quyết tận gốc rác thải độc hại ngoài đồng, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, sức khỏe con người, các cơ quan chức năng cần có thêm những giải pháp hiệu quả.

Chị Phạm Thị Hoa Phượng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Dương Hà kiến nghị các cơ quan chức năng lắp đặt thêm thùng rác; tổ chức vận chuyển, xử lý 100% rác thải độc hại đúng quy trình; đồng thời đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để người người, nhà nhà, ngành ngành nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn việc làm ý nghĩa này.

Với những lợi ích thiết thân, phong trào làm sạch đồng ruộng từ huyện Gia Lâm đang lan tỏa ra nhiều huyện. Phong trào lan rộng đồng nghĩa với việc lượng rác thải độc hại được thu gom, tập kết ngày một nhiều, từ đó đòi hỏi phải có các đơn vị chuyên môn đảm nhiệm khâu vận chuyển và xử lý rác thường xuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm sạch đồng ruộng: Trả lại màu xanh tự nhiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.