Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án lớn, trọng điểm

Theo baochinhphu| 20/09/2016 16:24

10 tháng năm 2016, công tác xét xử các loại án tiếp tục có những chuyển biến, tiến bộ: Hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các vụ án để quá hạn luật định do lỗi chủ quan; đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm.


TANDTC giới thiệu mẫu trong phục xét xử của thẩm phán các cấp, gồm: Thẩm phán TANDTC, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp (từ phải qua trái). Ảnh: VGP/Lê Sơn


Sáng 20/9, tại Hà Nội, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Sơn chủ trì họp báo về tình hình hoạt động của các tòa án trong 10 tháng năm 2016.

Báo cáo của ngành tòa án cho biết: Theo quy định của Hiến pháp và các bộ luật mới được Quốc hội thông qua, vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân được đề cao, do đó, hoạt động của các cơ quan tố tụng, trong đó hoạt động xét xử của tòa án phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của tố tụng được quy định theo hướng chặt chẽ hơn.

Cụ thể, công tác xét xử các loại án tiếp tục có những chuyển biến, tiến bộ, thể hiện một số điểm sau: Hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các vụ án để quá hạn luật định do lỗi chủ quan; đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm.

Việc tranh tụng tại phiên tòa được đẩy mạnh, tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan giảm so với cùng kỳ 2015. Đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội; các vụ án tham nhũng đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh; tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo giảm so với cùng kỳ năm 2015.

Chánh án TANDTC đã ban hành 2 thông tư, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 4 nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật (đang nghiên cứu, xây dựng 22 nghị quyết); đã xem xét lựa chọn một số nội dung trong 6 quyết định giám đốc thẩm để phát triển thành án lệ.

Đặc biệt, TANDTC đã ban hành văn bản thống kê về các quy định có lợi cho người phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 để yêu cầu các tòa án thực hiện và nhiều công văn trao đổi nghiệp vụ tới tòa án địa phương về quy định của pháp luật trong giải quyết các vụ án. Đồng thời, cũng đã phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và ban hành 4 thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng pháp luật.

Xác định công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động xét xử của tòa án, thời gian qua lãnh đạo TANDTC đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác này với những giải pháp rất cụ thể như: Sửa đổi quy chế làm việc của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, với quy định cụ thể thời gian dành cho công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, ban hành các nghị quyết hướng dẫn với các giải pháp để các tòa án tham khảo, vận dụng; yêu cầu các đơn vị chức năng phân loại những vấn đề còn vướng mắc, nhưng đã được hướng dẫn thì nghiên cứu đề xuất… Do vậy, công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của TANDTC đã có chuyển biến rõ rệt, mang tính thiết thực, qua đó tháo gỡ nhiều khó khăn về áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ án.

Thành lập tòa án chuyên trách về gia đình và người chưa thành niên

Trả lời câu hỏi về áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự 2015 trên tinh thần không được bỏ lọt tội phạm, TANDTC cho biết, đã ban hành công văn hướng dẫn về vấn đề này để các tòa án áp dụng trong quá trình giải quyết, xét xử của tòa án.

Việc thành lập tòa án chuyên trách về gia đình và người chưa thành niên tại cấp tòa án cấp tỉnh, hoặc có thể có ở tòa án cấp quận, huyện… thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế, cũng như thực hiện quy định tại Điều 45 của Luật Tổ chức tòa án.

Tòa án chuyên trách gia đình và người chưa thành niên mới được thành lập ở TPHCM, thể hiện sự thân thiện trong xét xử, không gian phòng xử án thân thiện trong việc bố trí chỗ ngồi của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, bị cáo và gia đình… rất khác so với các phiên tòa thông thường hiện nay (ví dụ bị cáo và người nhà có thể ngồi cạnh nhau). Điều này có tác động tâm lý tốt để bị cáo vị thành niên không bị hoảng sợ, mà có nhận thức tốt, từ đó nhận ra được sai lầm của mình để sửa chữa lỗi lầm trong quá trình phát triển nhân cách và trưởng thành sau này.

Về vụ án hai người chưa thành niên phạm tội cướp bánh mỳ tại TPHCM được dư luận quan tâm vừa qua, ông Nguyễn Sơn cho biết, căn cứ vào tất cả các tình tiết của vụ án, TANDTC cho rằng có đủ căn cứ để áp dụng biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với hai bị cáo chưa thành niên phạm tội, vì đây là hành vi ít nghiêm trọng, không gây hậu quả lớn, người phạm tội chưa thành niên… nên TAND TPHCM đã miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với hai bị cáo này là thoả đáng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án lớn, trọng điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.