Theo dõi Báo Hànộimới trên

Củng cố vững chắc "một cửa" cấp xã

Phong Thu| 27/09/2016 06:53

(HNM) - Những năm qua, TP Hà Nội đã tổ chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế “một cửa” và đạt kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, hiện bộ phận “một cửa” ở nhiều xã, phường vẫn chưa đạt yêu cầu.



Đầu tháng 3-2016, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc TP Hà Nội trên cơ sở cụ thể hóa các nội dung tại Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này. Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND cũng đã kế thừa những nội dung tích cực tại Quyết định số 84/2009/QĐ-UBND ngày 1-7-2009 của UBND thành phố về thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc TP Hà Nội. Thành phố đã tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên sâu nội dung của Quyết định số 07.

Tuy nhiên, đầu tháng 9-2016, đoàn của Sở Nội vụ kiểm tra đột xuất đã phát hiện xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn) được đầu tư xây dựng mới bộ phận “một cửa” khang trang nhưng chỉ có việc chứng thực (lĩnh vực tư pháp) được thực hiện tại đây. Còn lại, các TTHC lĩnh vực khác vẫn ở phòng chuyên môn. Điều bất ngờ nữa là cán bộ lãnh đạo phụ trách bộ phận “một cửa” của xã cũng không nắm được Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND với lý do “Không thấy anh em tham mưu”. Thậm chí, các nội dung cơ bản về tổ chức thực hiện “một cửa” đã có ở các quyết định trước đây như: Kiện toàn bộ phận “một cửa”, công khai TTHC, chế độ phụ cấp cho cán bộ “một cửa”... lãnh đạo xã cũng không nắm được nên không cung cấp được thông tin cho đoàn kiểm tra.

Tương tự, tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn) các lĩnh vực cũng chưa đưa hết ra bộ phận “một cửa”. Việc không kịp thời cập nhật các quyết định của trung ương và thành phố dẫn tới thiệt thòi cho cán bộ, công chức và người dân. Công chức bộ phận “một cửa” của xã Phù Linh không được hưởng chế độ hỗ trợ thành phố quy định (0,6 lần mức lương tối thiểu/người/tháng), không được phụ cấp trang phục (năm đầu tiên được cấp tối thiểu 2 bộ xuân hè và 2 bộ thu đông/1 người). Cả hai xã trên đều không cập nhật văn bản mới, vẫn niêm yết một số văn bản cũ đã hết hiệu lực, đến cả biển hiệu của bộ phận “một cửa” là “Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả” cũng đều ghi sai.

Một thực trạng nữa là ở không ít phường, xã vẫn không bố trí được bộ phận “một cửa” đủ diện tích 40m2 theo quy định. Tại thị xã Sơn Tây, công tác cải cách hành chính (CCHC) của toàn thị xã khá tốt, song bộ phận “một cửa” nhiều xã còn chật hẹp như: Thanh Mỹ, Xuân Sơn, Kim Sơn... Đây cũng là tình trạng chung ở các huyện: Mê Linh, Thường Tín, Thanh Oai, quận Đống Đa... Khó khăn được các đơn vị nêu ra là thiếu kinh phí và thiếu diện tích đất. Đây là một thực tế tồn tại lâu năm, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức và chất lượng phục vụ tổ chức, công dân.

Theo Quyết định số 07, bộ phận “một cửa” phải bảo đảm trang thiết bị tối thiểu, bao gồm: Máy vi tính cho mỗi vị trí tiếp nhận và trả hồ sơ giải quyết; máy photocopy; máy fax; máy in hai mặt lật giấy tự động; máy scan hai mặt tốc độ cao; điện thoại cố định; bàn làm việc; ghế ngồi làm việc; hệ thống camera giám sát; bàn viết hồ sơ và ghế ngồi chờ dành cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch; nước uống; quạt mát hoặc máy điều hòa nhiệt độ; các bảng, biển thông báo, hòm thư, sổ góp ý và các trang thiết bị cần thiết để đáp ứng nhu cầu làm việc và yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Quyết định cũng nêu rõ phải dành tối thiểu 50% diện tích của bộ phận “một cửa” để bố trí nơi ngồi chờ cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch. Do đó, với những xã, phường có diện tích bộ phận “một cửa” hẹp dưới 30m2 thì rất khó bố trí đầy đủ, hợp lý. Đây cũng là yếu tố làm ảnh hưởng đến sự nghiêm túc, quy chuẩn của cơ quan công quyền cũng như ảnh hưởng tới việc hướng tới xây dựng bộ phận “một cửa” hiện đại.

Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng cho biết: “Cán bộ xã, phường trên địa bàn không yếu về công nghệ thông tin, khó khăn trong việc xây dựng bộ phận “một cửa” hiện đại nằm ở việc thiếu kinh phí đầu tư. Hiện vẫn còn một số xã chưa có đầy đủ thiết bị, chưa nối mạng và một số xã chưa đủ diện tích theo yêu cầu”.

Theo thống kê của Sở Nội vụ, đến nay, toàn thành phố có 387/584 xã, phường, thị trấn đạt điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg; 273/584 xã, phường, thị trấn đạt điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định tại Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND. Kết quả Chỉ số CCHC năm 2015 của TP Hà Nội cũng cho thấy, chỉ số thành phần lĩnh vực cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” của Hà Nội giảm liên tục từ năm 2012 đến năm 2015. Nguyên nhân là do đạt điểm thấp ở 2 tiêu chí thành phần “Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, mức độ hiện đại hóa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp” và “Chất lượng phục vụ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả”. Điều này cho thấy, nếu không quyết liệt khắc phục thì các nội dung này sẽ tiếp tục làm ảnh hưởng đến Chỉ số CCHC năm 2016 của thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Củng cố vững chắc "một cửa" cấp xã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.