Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa

Nhật Hạ| 29/09/2016 07:19

(HNM) - Tháng 10 năm 1876 (thời vua Tự Đức năm thứ 27), huyện Đông Anh được thành lập trên cơ sở các làng, xã của 3 huyện: Đông Ngàn (phủ Từ Sơn), Kim Anh (phủ Bắc Hà - tỉnh Bắc Ninh), Yên Lãng (phủ Tam Đới - tỉnh Sơn Tây).


Trải qua 140 năm hình thành phát triển, cán bộ và nhân dân Đông Anh không ngừng phát huy hào khí của Cổ Loa, Mê Linh, Vạn Xuân, Thăng Long… Đặc biệt, từ tháng 5-1961, Đông Anh trở thành đơn vị hành chính của Hà Nội, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô; gìn giữ, phát triển những giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. Huyện cũng luôn chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.


Sông Hoàng Giang (sông Thiếp - sông Ngũ Huyện Khê) - tuyến phòng vệ đường thủy phía Nam Kinh thành Cổ Loa xưa.


Hào khí anh hùng

Gần 20 thế kỷ trước công nguyên, Đông Anh là vùng đất văn hóa nổi tiếng Đông Ngàn. Cách đây hơn 2.300 năm, Thục Phán An Dương Vương thống nhất Âu Việt và Lạc Việt, lập ra nước Âu Lạc, dời đô về Cổ Loa. Nơi đây trở thành tổ hợp Kinh thành - Quân thành - Thị thành đầu tiên của dân tộc ta và là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa đầu tiên của đất nước. Trong buổi đầu phục hưng độc lập dân tộc, Cổ Loa - Đông Anh lại được khôi phục vị trí trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa. Từ đây mở cơ đồ cho Nhà nước Âu Lạc, thức dậy nền Văn hóa Đông Sơn, nền văn minh lúa nước Việt Nam phát triển đến đỉnh cao.

Đến đầu thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đông Anh được chọn là một trong những An toàn khu để cán bộ Trung ương hoạt động, lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ đây, các tổ chức cách mạng được thành lập ở Đông Anh, lãnh đạo giành chính quyền trên quê hương. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đông Anh là “cửa ngõ” hành quân lên Đông Bắc của bộ đội chủ lực, là “tuyến lửa” ngăn chặn địch từ Hà Nội tấn công lên chiến khu kháng chiến. Trong kháng chiến chống Mỹ, Đông Anh với các trận địa tên lửa, pháo cao xạ, trận địa trực chiến của dân quân tự vệ các xã, các nhà máy xí nghiệp tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc, vững chắc bảo vệ an toàn vùng trời phía Bắc Thủ đô.

Hòa bình lập lại, dù còn bộn bề khó khăn sau chiến tranh, tháng 10-1954 Đảng bộ huyện Đông Anh cấp bách đề ra giải pháp cụ thể chỉ đạo nhân dân giúp đỡ nhau làm nhà ở tạm, phục hồi sản xuất, khai hoang phục hóa cấy lúa, trồng hoa màu, xây dựng bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Do vậy, chỉ sau 3 năm (1955-1957) các xã đã hoàn thành phục hồi sản xuất, thực hiện thắng lợi cải cách ruộng đất nên đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể, khí thế cách mạng phát triển mạnh trong toàn Đảng bộ và nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị (12-1957) về cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tháng 4-1958, Đông Anh thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp. Từ đây, huyện xây dựng được 1.370 tổ đổi công với 62% số hộ nông dân tham gia. HTX được xây dựng điểm từ tổ đổi công ở xóm Vệ (xã Nam Hồng). Qua mô hình HTX, các nghề thủ công sơn mài xã Liên Hà, điêu khắc xã Vân Hà, may đo xã Uy Nỗ, Việt Hùng… được tổ chức lại thành tổ, HTX thủ công. Thôn Thụy Lôi (xã Thụy Lâm) có nghề dệt vải khổ hẹp với trên 400 khung cửi được tổ chức lại, làm gia công cho Nhà nước. Các HTX tín dụng, HTX mua bán được xây dựng, hình thành “Ba ngọn cờ hồng” ở nông thôn.

Từ các lớp bình dân học vụ được mở ở các thôn, xóm đến cuối năm 1958, toàn huyện cơ bản hoàn thành xóa nạn mù chữ. Công tác vệ sinh, phòng và chữa bệnh được quan tâm, bảo đảm sức khỏe nhân dân. Kết thúc kế hoạch 3 năm (1958-1960) cải tạo xã hội chủ nghĩa, toàn huyện hoàn thành cơ bản hợp tác hóa nông nghiệp với 86,5% hộ nông dân, 13.500ha ruộng đất và 6.541 trâu bò được công hữu. Kế hoạch nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, ngân hàng, tài chính, văn hóa, giáo dục, y tế đều hoàn thành, vượt kế hoạch.

Tích cực thi đua làm theo lời Bác

Trong vòng 8 năm (1957-1965), Đông Anh vinh dự được 6 lần đón Bác Hồ về thăm. Tình cảm của Bác sau mỗi lần về thăm đã động viên đã cổ vũ nhân dân Đông Anh thi đua, vượt qua mọi khó khăn hăng hái tăng gia sản xuất. Cây đa Bác trồng tại vườn cây Thống Nhất (Cầu Đôi) và thôn Tiên Hội (xã Đông Hội) đã tạo cho Đảng bộ, nhân dân Đông Anh một luồng sinh khí mới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào lao động xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", Đông Anh góp phần không nhỏ cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Khắc sâu lời dạy của Bác, toàn huyện dấy lên phong trào học tập, làm theo lời Bác. Nhiều xã phấn đấu đạt kết quả trên lĩnh vực sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Tháng 5-1961, Đông Anh trở thành huyện của Thủ đô Hà Nội, tiếp nhận thêm 5 xã của huyện Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh), 1 xã của huyện Từ Liêm, 1 xã của huyện Yên Lãng (tỉnh Vĩnh Phúc) đưa tổng số xã của huyện lên 23 xã. Thông qua phát động phong trào thi đua làm theo lời Bác, ngày 14-2-1963, Đảng bộ, nhân dân Đông Anh gửi quyết tâm thư lên Bác: “Biến Đông Anh thành vựa thóc, rừng cây, biển cá và có bầy gia súc sung túc”. Với quyết tâm đó, toàn huyện tập trung sức làm thủy lợi, đắp đập, khoanh vùng giữ nước, mở mang hệ thống kênh mương nội đồng. Sau 2 năm thi công đã hoàn thành đưa nước sông Hồng phù sa màu mỡ tưới cho 9.136ha lúa, hoa màu, góp phần cải tạo đất bạc màu, biến đồng ruộng cấy 1 vụ thành 2 vụ.

Cũng thời điểm này, Đông Anh được chọn làm điểm thực hiện “Điện khí hóa” nông thôn đầu tiên ở miền Bắc, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Tại địa phương dấy lên phong trào vận động tiết kiệm góp vốn, nhân lực thông qua các đoàn thể nhân dân đóng góp 950.000 đồng, chiếm gần 50% số vốn đầu tư cho công trình điện của huyện. Đoàn thanh niên đứng ra đảm nhận hầu hết các công trình điện, cùng với nỗ lực của các tầng lớp nhân dân nên chỉ sau 17 tháng thi công, công trình “Điện khí hóa” toàn huyện cơ bản hoàn thành ở 22/23 xã. 76/88 HTX có điện phục vụ sản xuất và một phần phục vụ sinh hoạt. Do làm tốt công tác thủy lợi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, có điện phục vụ sản xuất nên tổng diện tích gieo trồng tăng mạnh từ 21.550ha (năm 1961) lên 24.625ha (năm 1965), năng suất lúa tăng từ 36 tạ//ha (năm 1961) lên 45 tạ/ha (năm 1965) và 25 HTX đạt 5 tấn/ha. Từ năm 1961 đến năm 1965, Đông Anh luôn hoàn thành nộp thuế, nghĩa vụ lương thực nhanh gọn nhất, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba...

Ông Nguyễn Văn Quang, Bí thư Huyện ủy Đông Anh, khẳng định: Theo dòng chảy của lịch sử, những giá trị lịch sử văn hóa của Đông Anh là bộ phận của những giá trị lịch sử văn hóa của Cổ Loa, Mê Linh, Thăng Long, Hà Nội được các thế hệ nhân dân trong huyện kế thừa những giá trị văn hiến, truyền thống Anh hùng. Khí phách Cổ Loa và tinh hoa Văn hóa Đông Sơn sẽ trường tồn cùng năm tháng, cùng công cuộc đổi mới, CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn, góp phần đẩy mạnh tiến trình đô thị hóa của Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.