Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lấn chiếm hành lang cầu Thăng Long: Vì sao khó xử lý?

Dạ Khánh| 13/10/2016 07:03

(HNM) - Giấy phép được tổ chức kinh doanh trông giữ phương tiện đã hết hạn từ cuối năm 2013 và đến nay vẫn không được gia hạn. Song 3 năm qua, bất chấp hàng chục lần bị kiểm tra, yêu cầu đình chỉ, việc tổ chức trông giữ xe dưới gầm cầu Thăng Long (đoạn thuộc địa phận phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) vẫn diễn ra.



Tình trạng trông giữ xe dưới gầm cầu Thăng Long (địa phận phường Đông Ngạc) vẫn diễn biến phức tạp.


Theo Thỏa thuận đủ điều kiện trông giữ phương tiện giao thông số 3169/SGTVT-QLVT do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (Sở GT-VT) cấp ngày 21-12-2012, Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Hà Thái (gọi tắt là Công ty Hà Thái) được Sở GT-VT đồng ý cho phép tạm thời trông giữ xe ô tô, xe máy từ trụ N4 đến trụ N9 gầm cầu Thăng Long với quy mô không quá 150 xe ô tô và 200 xe máy. Được biết, Công ty Hà Thái là đơn vị thi công xây cầu Thăng Long và hiện đảm nhận công tác duy tu, bảo dưỡng cầu. Đáng chú ý, thời hạn hiệu lực của giấy phép này là từ ngày 28-12-2012 đến hết 27-12-2013. Tuy nhiên, từ sau thời điểm giấy phép hết hiệu lực cho đến nay, việc tổ chức trông giữ phương tiện tại đây vẫn được thực hiện.

Cung cấp cho phóng viên tập hồ sơ lưu các biên bản kiểm tra, xử lý về sai phạm liên quan đến hoạt động trông giữ xe tại đây, Thiếu tá Bùi Mạnh Hà - Phó trưởng Công an phường Đông Ngạc cho biết: Trong 3 năm qua (từ 2014 đến nay), Công an phường thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí là xử phạt song chưa xử lý được triệt để. Từ chỗ công khai, họ dần chuyển sang lén lút, trông giữ vào buổi tối, ngày nghỉ với số lượng ít hơn, khoảng 10 ô tô, 20 xe máy. Năm 2014, dù hết phép và chưa được xét gia hạn song biển báo “Điểm trông giữ ô tô, xe máy ngày và đêm” vẫn được “trưng” rõ. Thời điểm này, có khá nhiều ô tô khách, xe tải, ô tô con và xe máy được mang đến đây gửi. Sang năm 2015-2016, biển báo điểm trông giữ xe được tháo dỡ. Hoạt động trông giữ không còn công khai như trên nhưng vẫn thực hiện tiếp nhận xe vào gửi dưới gầm cầu, số lượng xe gửi có giảm. Công an phường Đông Ngạc nhiều lần kiểm tra, yêu cầu công ty đình chỉ mọi việc liên quan đến trông giữ phương tiện ở đây. Ngày 22-6-2016, Công an phường Đông Ngạc cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 12 triệu đồng.

Bà Phạm Thị Diễm Hằng - Phó Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc cho biết: “Vi phạm trông giữ xe ở đây tái diễn do đơn vị đứng ra tổ chức là doanh nghiệp. Chính quyền địa phương quản lý trên phương diện hành chính nên chủ yếu thực hiện tuyên truyền, vận động, nhắc nhở và xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Còn muốn xử lý triệt để cần áp dụng biện pháp mạnh hơn đó là tạm giữ, cưỡng chế đưa các xe đang gửi tại đây đi… lại cần phải có sự phối hợp của liên ngành: Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải, Quản lý đô thị quận… Mới đây UBND phường Đông Ngạc đã có văn bản báo cáo UBND, Công an quận Bắc Từ Liêm về vấn đề này".

Điều đáng chú ý, sau khi bị chính quyền, công an địa phương nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt thì mới đây, chính Công ty Hà Thái lại có văn bản đề nghị UBND phường phối hợp giải tỏa các trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn cầu Thăng Long trái phép. Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc cho biết: Chúng tôi đã tiến hành rà soát, ghi nhận tại khu vực do Công ty Hà Thái được giao quản lý hiện có một trường hợp bán hàng nước, một đơn vị tổ chức trông xe và một địa điểm là điểm tập kết vật liệu của xí nghiệp sản xuất bánh kẹo gần đó. Theo quy định, là đơn vị được giao quản lý đất tại khu vực gầm cầu này, Công ty Hà Thái phải chịu trách nhiệm, phối hợp với chính quyền địa phương để giải tỏa. Tuy nhiên, sau khi có văn bản gửi phường, UBND phường đã nhiều lần tổ chức họp, mời lãnh đạo công ty đến cùng họp bàn, xong đơn vị này đều vắng mặt.

Ô tô, xe máy gửi ở các bãi trông giữ chứa nhiều chất gây cháy như xăng, dầu. Khi cháy rất dễ lây lan và gây nổ. Việc tận dụng gầm cầu làm dịch vụ trông giữ xe rất nguy hiểm, là mối lo ngại lớn với nhiều người.
Điều 10 Thông tư 39/2011/TT-BGTVT ngày 18-5-2011 của Bộ GT-VT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24-2-2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng có quy định: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường”. Mong muốn của người dân là các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay, kiên quyết giải tỏa, tránh để xảy ra tình trạng “nhờn” luật, xử phạt song vẫn tái phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấn chiếm hành lang cầu Thăng Long: Vì sao khó xử lý?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.