Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thảo luận dự án Luật về hội: Nhận tài trợ nước ngoài nên quy định chặt chẽ để đi vào nề nếp!

Bảo Hân| 25/10/2016 18:02

(HNMO) - Ngày 25/10, thảo luận tại hội trường về dự án Luật về hội, nhiều ĐB đóng góp ý kiến vào Điều 8 (Các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội) với quy định ở  Khoản 5  về

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Định trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật về hội


Luật về hội đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII và sẽ được xem xét và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 2 này. Đây là dự án luật quan trọng để thể chế hóa nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền lập hội của công dân.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật về hội, Ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định cho biết, về phạm vi điều chỉnh, Luật quy định về quyền lập hội của công dân Việt Nam; tổ chức, hoạt động của hội và quản lý nhà nước về hội”. Luật áp dụng đối với hội, công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, hoạt động và quản lý nhà nước về hội

Qua thảo luận, nhiều ĐB đóng góp ý kiến vào khoản 5 Điều 8 về các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội. Khoản này quy định là "Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định"

ĐB Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) cho rằng, vấn đề đặt ra cần phải xem xét để làm sao đối với việc tham gia các tổ chức nước ngoài, cũng như nhận tài trợ phải bảo đảm không phương hại đến an ninh chính trị, trật tự xã hội, kể cả phương hại, ảnh hưởng đến uy tín của con người Việt Nam. Đối với vấn đề này cần có quy định chặt chẽ để làm sao trong thời gian tới hoạt động này đi vào nề nếp.

"Trong Khoản 5, Điều 8 tôi đề xuất chúng ta quy định một cách mềm dẻo hơn để chúng ta có thể vừa quản lý, vừa nắm được những hoạt động này nhưng đồng thời tiếp tục triển khai chủ trương của chúng ta là mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế.


ĐB Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ)


Khoản 5 Điều 8 có thể quy định lại là: Các hội liên kết ra nhập các hội nước ngoài, tiếp nhận tài trợ nước ngoài theo quy định của pháp luật và Chính phủ quy định chi tiết khoản này. Tới đây nếu chúng ta quy định như thế thì Chính phủ sẽ có trách nhiệm cùng nhau rà soát lại xem việc tham gia các tổ chức quốc tế chúng ta làm thế nào cho hiệu quả" - ĐB Quyền đề xuất.

ĐB Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) cho rằng quy định này hơi khiên cưỡng. Vì ở đây là liên kết nhận tài trợ chứ không phải lập hội. Bởi vậy cần xem xét đưa ra thành một điều riêng hoặc chuyển về Điều 5 về Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội.

Về chủ thể không phải chỉ là hội mà còn có thể các cá nhân trong các hội vì trong thực tế đã có rất nhiều nhà khoa học đã tham gia nhiều hiệp hội quốc tế.

Về nội dung cần làm rõ ý trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Như thế nào là đặc biệt, Chính phủ quy định như thế nào và quy định những gì và điều quan trọng là phải quy định luôn, quy định ngay nếu không rất khó thực hiện. Nhất là những hoạt động tài trợ liên quan đến thuốc men hoặc những cứu trợ tức khắc sẽ rất khó thực hiện, vì còn đi xin cơ chế đặc biệt.

"Quy định như vậy làm chúng ta không có điều kiện để thể hiện vai trò của hội, của cá nhân, của đất nước Việt Nam đối với quốc tế. Quy định như vậy làm mất cơ hội để tiếp cận nguồn lực to lớn của quốc tế viện trợ cho các đối tượng yếu thế, các bệnh nhân, nạn nhân, hỗ trợ cho các nhà khoa học, cho các cơ sở nghiên cứu, cho các bệnh viện v.v... Quy định cứng như vậy nếu thông qua được lập tức có mâu thuẫn với những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam, cụ thể như Hội chữ thập đỏ vẫn thường xuyên nhận các hàng cứu trợ, các viện trợ của nước ngoài, cũng đôi khi gửi cứu trợ của chúng ta cho nạn nhân ở nước ngoài.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)


Các hội, bệnh nhân đang nhận thuốc men, vật tư, thiết bị từ các tổ chức quốc tế gửi giúp và tôi có thể nhấn mạnh rằng tuyệt đại đa số là những viện trợ hết sức cần thiết và hữu hiệu. Quy định như vậy thì các nhà khoa học đang nhận tài trợ để đi dự hội nghị, hội thảo để tham gia nghiên cứu đang bị vướng" - ĐB Nguyễn Anh Trí cùng các cử tri là những nhà khoa học ở Liên hiệp khoa học và kỹ thuật Việt Nam như nhiều hội chuyên ngành khác tha thiết kiến nghị Ban soạn thảo lưu ý ý kiến này.

Nhất trí với ý kiến của ĐB Nguyễn Anh Trí, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho rằng đây là một vấn đề, một quy định, một quan điểm không phù hợp với xu thế hội nhập phát triển hiện nay và cũng không phù hợp với chủ trương đối đẳng trong quan hệ ngoại giao, đặc biệt là nó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với những hội nghề nghiệp chuyên môn nhất là trong lĩnh vực y tế và nhân đạo.

"Quy định mới này cần được cụ thể hơn để việc hiểu nó là thống nhất, nhất là cần phải làm rõ các hội từ trước đến nay được cấp có thẩm quyền cho phép gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng theo quy định tại Khoản 13, Điều 23 của Nghị định 45 sẽ không còn phù hợp theo luật này thì sẽ xử lý như thế nào, có phải thôi tư cách thành viên mà hội đó đã gia nhập hay không" - ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu ý kiến.

Theo ĐB Cương, quy định về không nhận tài trợ của nước ngoài, trường hợp đặc biệt là do Chính phủ quy định cũng chưa được làm rõ. Báo cáo giải trình, tiếp thu cho rằng trong số 63.000 hội có đăng ký thì số hội nhận tài trợ của nước ngoài không nhiều. Không nhiều là bao nhiêu thì không có con số cụ thể. Vài ngàn hội cũng là không nhiều, nhưng nếu chỉ cần vài trăm hội nhận tài trợ thì cũng không thể coi đó là trường hợp đặc biệt được.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)


Khoản 12, Điều 23 của Nghị định 45 quy định: Hội được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Nay luật không cho phép thì xử lý như thế nào? Căn cứ nào để xác định trường hợp đặc biệt được nhận tài trợ của nước ngoài thì cần phải quy định rõ ở trong luật? Thực tế việc tài trợ nói chung là hành động có ý nghĩa không chỉ về vật chất mà còn về mặt tinh thần cho cả bên trao và bên nhận tài trợ. Đa số các hội được lập ra không chủ động được về mặt kinh phí nên nếu không có sự huy động hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài thì việc duy trì hoạt động cũng có thể gặp những khó khăn nhất định.

Đồng tình với phân tích của đại biểu Nguyễn Anh Trí, ĐB Cương cho rằng tài trợ và cứu trợ là khác nhau. Sau luật này nếu hội không cho phép nhận tài trợ thì nhiều hội sẽ nhận cứu trợ. Như vậy, quy định của chúng ta đặt ra không đạt được mục đích.

Góp ý về quyền và nghĩa vụ của hội tại Chương IV, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu: "Vừa qua dư luận ồn ào, nổi sóng khi hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố hàm lượng thạch tím còn gọi là arsen trong nước nắm gây hoang mang cho người tiêu dùng và làm thiệt hại cho sản xuất nước nắm truyền thống trong cả nước. 

Điều quan trọng là việc công bố tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải là thẩm quyền của hội. Nghị định 45 của Chính phủ tại Điều 23 quy định về quyền của hội thì không có bất cứ một điều khoản nào cho phép hội công bố vấn đề này. Trong khi đó Điều 24 của Nghị định 45 cũng quy định không được lợi dụng hoạt động hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân tổ chức.

Hậu quả của việc công bố trái phép trên của Hội bảo vệ người tiêu dùng tới đây sẽ được các cơ quan có thẩm quyền xem xét và xử lý, có thể phải yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Khoản 1, Điều 40 của Nghị định 45. Nhưng qua vụ việc này đặt ra cho Luật về hội một việc cần phải xem xét tiếp tục hoàn thiện quy định của Nghị định 45. 

Hiện nay, quy định này được đưa lên thành quy định cấm tại Khoản 3, Điều 9 của dự thảo nhưng cần quy định rộng hơn là không cho phép các hội làm những việc thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Cần làm rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước của hội được giao cho hội mà nhà nước lại cấp kinh phí theo quy định tại Khoản 2, Điều 26 là nhiệm vụ gì. 
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thảo luận dự án Luật về hội: Nhận tài trợ nước ngoài nên quy định chặt chẽ để đi vào nề nếp!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.