Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chiến đấu với "giặc lửa" tại quán Karaoke 68 qua lời kể của người chỉ huy

Theo Bá Đô (VNE)| 04/11/2016 19:46

Trực tiếp chỉ huy khống chế đám cháy quán karaoke số 68 phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy), Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó trưởng phòng Hướng dẫn phòng cháy chữa cháy, thuộc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Cứu hộ cứu nạn Hà Nội, đã có cuộc trao đổi với PV chiều 3-11.

- Ông đánh giá thế nào về vụ cháy khiến 13 người chết tại quán karaoke ở Cầu Giấy?

- Đây có lẽ là vụ cháy thương tâm nhất nhiều năm qua tại Hà Nội. Không chỉ những người trực tiếp cứu hỏa cảm thấy bàng hoàng, đau xót mà đó cũng là tâm trạng chung của nhiều người dân. Chúng tôi xin chia buồn với các gia đình nạn nhân, cầu mong cho nạn nhân sớm siêu thoát.

Trong vụ việc này, lực lượng chức năng tiếp nhận được thông tin khi đám cháy đã xảy ra được khoảng 14 phút. Chừng 15 phút sau, chúng tôi đến nơi đám cháy đã bùng phát lớn, bao trùm toàn bộ mặt tiền 4 ngôi nhà. Khí độc đã lan rộng vào phòng hát.

Quán karaoke rộng 90 m2, mặt tiền 6 m, dài 16 m. Các phòng hát không được ngăn bằng tường gạch mà bằng khung thép, nhồi bông thủy tinh và hai vách gỗ cách âm, mút xốp, tất cả đều bằng vật liệu dễ cháy nên lửa bùng nhanh và mạnh.

Mỗi tầng của quán karaoke bị cháy được bố trí 2 phòng hát, một phòng lớn và một phòng bé, tổng diện tích 2 phòng này trên 70 m2, còn lại là thang máy, thang bộ và nhà vệ sinh. Khi lực lượng cứu hỏa đến, toàn bộ diện tích phòng hát từ tầng 2 đến tầng 6 đã bốc cháy, gây khó khăn cho việc tiếp cận.

Việc chữa cháy 3 ngôi nhà bên cạnh rất dễ dàng, chỉ chưa đầy một giờ chúng tôi đã khống chế được, riêng quán karaoke 68 do lửa lan rộng vào bên trong. Bên ngoài tấm biển quảng cáo bằng 2 lớp tôn ngăn cách, không thể phá nhanh được để tiếp cận vào trong.

- Tại sao lực lượng cứu hỏa không giật toàn bộ biển quảng cáo để có khoảng trống tiếp cận bên trong?

- Chúng tôi đã tính đến phương án đó. Tôi trực tiếp trèo lên rọ xe thang, tiến sát vào khung thép trên tầng 6, tìm cách đánh bật khung thép ra và huy động các mũi dùng vòi rồng tấn công trực diện vào bên trong. Tuy nhiên, khi thử thì không thể kéo khung thép ra được, bởi nó bám vào một tấm thép nữa (tấm thép bên trong có chức năng làm giá đỡ, bám vào tường). Khi kéo, rọ thang rất rung. Khói đen bủa vây kín người nên không thể áp dụng cách này.

Sau đó chúng tôi thử kéo từng tấm tôn ra một, nhưng nó được gắn chặt vào khung thép bên trong, nếu kéo ra sẽ rất nguy hiểm.

Khung thép có 2 lớp và được gắn trong giá treo nên lực lượng cứu hộ không thể kéo toàn bộ ra mà phải phá dần từng miếng nhỏ. Ảnh: Bá Đô



- Mặt trước bị án ngữ bởi biển quảng cáo với hai tấm tôn, vậy lực lượng cứu hộ đã làm cách nào?

- Phương án tối ưu trên không được, buộc xe thang chỉ làm nhiệm vụ phun nước vào bên trong, hỗ trợ các chiến sĩ dùng búa đập phá tường gạch ngăn cách của các tầng trên rồi tiếp cận dần xuống tầng phía dưới.

Một mũi tiếp cận từ chân tòa nhà phun nước liên tục lên trên. Một mũi tiếp cận trên nóc nhà bị cháy và nóc khách sạn bên cạnh phun xuống dưới. Một mũi leo bằng thang bộ, thang thoát hiểm sau tòa nhà lên tầng 4, phá cửa thoát hiểm, phá cửa kính chắn để khói thoát ra phía sau rồi dùng ống nước phun vào.

Ngoài ra, một mũi khác đu dây từ trên tầng thượng xuống các tầng để tìm nạn nhân. Tuy nhiên, khi anh em dùng bình ôxy tiến vào trong, tầm quan sát gần như bằng không, phải bò và xoa bằng tay. Lúc này, nhiệt độ bên trong phòng quá lớn và ngọn lửa chưa thể khống chế nên anh em phải quay ra.

Chúng tôi cũng dùng phương tiện phá mái tôn trên tầng tum để tăng tốc độ thoát khói và để các mũi tiếp cận cho dễ hơn.

Việc tiếp cận muộn vào tầng 5 - nơi có 13 người tử vong - để cứu người là do sự chỉ dẫn nhầm lẫn của nhân chứng thoát khỏi đám cháy. Và nguyên nhân chính là toàn bộ phòng hát được thiết kế bằng vật liệu cách âm dễ cháy như gỗ, mút xốp, bông thủy tinh... nên cháy rất dữ dội. Có thời điểm anh em dập tắt rồi, chuẩn bị vào trong tìm kiếm thì đám cháy lại bùng phát và phải tập trung khống chế.

- Tại sao 13 nạn nhân không thể thoát ra ngoài, trong khi người bạn hát cùng phòng lại thoát an toàn?

- Theo người bạn của các nạn nhân cùng phòng hát, khi mở cửa ra thấy khói lan đến phòng nên 2 người đã dùng khăn ướt bịt mũi chạy ra hành lang rồi cầu thang thoát hiểm phía sau. Còn các nạn nhân bên trong phòng không đủ can đảm lao ra ngoài nên cố thủ bên trong và bị ngạt khói trước khi lửa lan vào. Hoặc một số người đã quyết định quá muộn.

Khi chúng tôi tiếp cận phòng hát lớn tầng 5 giáp với mặt đường Trần Thái Tông, nạn nhân nằm rải rác khắp phòng. Đặc biệt có người đàn ông nằm úp sát mép cửa, một  tay chống đất, một tay với cửa.

Khói độc tỏa ra từ mút xốp khiến nạn nhân ngất xỉu trong vài chục giây và tử vong trong vòng 2 phút. Sự sống lúc này chỉ trong gang tấc, kỹ năng thoát hiểm và thời khắc quyết định rất quan trọng để bảo toàn sự sống trong những vụ việc như thế này.

Việc khám nghiệm hiện trường đã kết thúc, một số hộ bị thiệt hại bắt đầu công tác khắc phục vào sáng 3/11. Ảnh: Bá Đô.



- Một số ống chữa cháy bị thủng, cảnh sát trong quá trình dập lửa còn phải đi bịt ống, ông nói gì về việc này?

- Với 26 xe cứu hỏa, xe thang, xe chỉ huy các loại cùng cả trăm lính cứu hỏa, thậm chí chúng tôi có thể huy động được thêm nữa, nên có thể đánh giá các phương tiện tương đối đáp ứng đủ để chữa cháy. Nếu có huy động thêm cũng không thể tiếp cận được hiện trường vì địa hình chật hẹp, mỗi một lần chỉ được vài ba chiến sĩ tiếp cận bên trong, bên ngoài và từ tầng tum rồi lại thay phiên nhau, chứ không thể cùng lúc huy động hết được nhân lực.

Còn về trang thiết bị, như ống bơm dẫn nước bị bục, thủng, đúng là lỗi của đơn vị chữa cháy cơ sở không kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên, nên công tác chữa cháy gặp khó khăn nhất định.

- Sau vụ việc này, lực lượng chữa cháy rút ra kinh nghiệm gì trong việc chữa cháy, cứu hộ cứu nạn?

- Ngay sau vụ cháy, chúng tôi đã họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm về công tác phòng cháy chữa cháy, phải tìm ra những phương án tối ưu hơn để hạn chế nhất thiệt hại về người và tài sản.

Chúng tôi tiếp tục họp với các đơn vị để chỉ ra những hạn chế trong công tác chữa cháy, cứu hộ, hay cả việc bảo dưỡng, bảo trì, kiểm tra thiết bị phòng cháy chữa cháy để quán triệt với các đơn vị.

Gần 14h ngày 1-11, đám cháy khởi phát từ quán karaoke số 68 nhanh chóng lan ra 3 nhà lân cận trên phố Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội. Sau hơn 6 tiếng chữa cháy, lực lượng chức năng mới dập tắt hoàn toàn, phát hiện 13 nạn nhân tử vong.

Mặt tiền 4 căn nhà cao 9 tầng bị thiêu rụi hoàn toàn. Nhiều xe máy và ôtô hư hỏng. Sáng 2-11, Công an Hà Nội khởi tố vụ án để điều tra nguyên nhân và xử lý trách nhiệm người liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến đấu với "giặc lửa" tại quán Karaoke 68 qua lời kể của người chỉ huy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.