Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp của biên tập viên

Mai Hoa| 19/11/2016 07:30

(HNM) - Ngày 18-11, tại Hà Nội, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông) tổ chức Hội thảo công tác biên tập xuất bản trong tình hình mới. Một trong những nội dung được đặc biệt lưu tâm là vấn đề nâng cao bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm thực tiễn đối với các biên tập viên (BTV) trong xu hướng trẻ hóa đội ngũ thời gian qua.

Chất lượng xuất bản phẩm chỉ được bảo đảm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả khi có đội ngũ biên tập viên giỏi. Ảnh: Thái Hiền



Thiếu biên tập viên lành nghề

Công tác đào tạo nguồn nhân lực BTV nói chung và BTV xuất bản nói riêng ngày càng được chú trọng, đáp ứng sự gia tăng về số lượng của các NXB và chất lượng của xuất bản phẩm. Tuy nhiên, đội ngũ BTV vẫn còn hạn chế cả về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt đội ngũ BTV chuyên sâu, lành nghề đặt ra cho Ngành Xuất bản phải có giải pháp cấp bách và lâu dài. Đó là vừa phải đào tạo nhân lực chất lượng cao, lại vừa có những cơ chế phù hợp để giữ chân và thu hút những người có tâm huyết, năng lực, kinh nghiệm để gắn bó với sự nghiệp xuất bản.

Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Tùng cho rằng: Kiến thức xã hội, chuyên ngành của nhiều BTV còn mỏng, chưa được trau dồi nhiều dù đã được đào tạo chính quy, bài bản. Do phải làm nhiều việc nhằm nâng cao thu nhập, việc tự học, tự đọc để mở rộng, nâng cao kiến thức xã hội, kiến thức chuyên ngành chưa được BTV đầu tư thỏa đáng. Nhiều BTV vẫn có tư duy xa rời thực tiễn, ngại tiếp xúc với thị trường xuất bản, chưa nắm bắt được nhu cầu của xã hội, chưa đề xuất được các đề tài và tổ chức được các bản thảo có chất lượng, phù hợp với nhu cầu xã hội. Việc vận dụng hiểu biết về chính trị, xã hội, thuần phong mỹ tục... vào việc biên tập xuất bản của nhiều BTV chưa tốt.

Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa, BTV là mắt xích quyết định chất lượng xuất bản. Nói cách khác, người làm công tác biên tập là nhân tố quyết định sự thành bại cho sự đón nhận của xã hội đối với xuất bản phẩm. Vì vậy, rất cần đặt vị trí BTV tương xứng với tầm quan trọng của nghề...

Qua khảo sát thực tiễn ở 60 NXB, số lượng BTV là 1.159 người trên tổng số 5.601 lao động, chiếm 20,7%. Về trình độ, 100% BTV của các NXB có trình độ đại học trở lên, trong đó có 215 người có trình độ trên đại học.



Cần chuyên môn hóa cao

TS Đỗ Quang Dũng, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia - Sự thật đã chỉ ra 2 nhóm giải pháp cần thiết để rèn nghề và nâng cao chất lượng biên tập. Thứ nhất, đối với các cơ quan quản lý xuất bản, phải coi xuất bản là "nghề đặc biệt", cần có sự chuyên môn hóa, chuyên nghiệp cao, nên rất cần tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo theo định kỳ để BTV cập nhật kiến thức, nhất là kiến thức pháp luật trong xuất bản. Thứ hai, đối với NXB, rất cần thực hiện nghiêm túc quy trình làm bản thảo theo các bước tối thiểu như thẩm định, biên tập, đọc duyệt qua các cấp, xây dựng được phần trách nhiệm của từng bước trong quy trình.

Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Tùng nêu thực tế: Do đãi ngộ còn hạn chế nên BTV giỏi không yên tâm gắn bó lâu dài với nghề. Vấn đề đặt ra là, làm sao để BTV thực sự là trung tâm, linh hồn của NXB, trong đó, không thể không chú trọng nâng cao đời sống cho BTV. Đối với sách chuyên ngành, rất cần có BTV đúng chuyên ngành, kết hợp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ xuất bản.

Đại diện NXB Trẻ, Phó Giám đốc Nguyễn Thành Nam đặc biệt lưu ý năng lực tổ chức bản thảo, xây dựng đội ngũ cộng tác viên, coi đây là yêu cầu sống còn đối với một BTV của NXB. Và trên hết, người phụ trách, quản lý xuất bản cũng như đội ngũ BTV phải có lập trường chính trị vững vàng, giỏi chuyên môn, có hiểu biết sâu sắc về đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhạy cảm về chính trị, nhất là trong bối cảnh hội nhập của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp của biên tập viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.