Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn, xử lý xe quá khổ, quá tải đi trên đê: Giải pháp nào hiệu quả?

Kim Văn| 28/11/2016 07:14

(HNM) - Xe quá khổ, quá tải lưu thông không chỉ làm các tuyến đê hư hỏng, xuống cấp, giảm khả năng phòng, chống lũ mà còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông. Nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng TP Hà Nội xử lý nhưng tình trạng này lại tái diễn.


Rõ thủ phạm vẫn khó xử lý

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mặt đê bị hư hỏng như: Cấu tạo nền đê không đồng nhất; đê cũ, không được duy tu, sửa chữa thường xuyên; mật độ phương tiện tham gia giao thông cao… Tuy nhiên, ở đâu có nhiều lò gạch, bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, điểm mỏ khai thác cát (bãi chứa) thì chất lượng tuyến đê ở đó hư hỏng nặng, xuống cấp nhanh hơn.

Hiện trên địa bàn thành phố có 208 bãi chứa hoạt động, trong đó 101 bãi chứa có xe quá tải ra vào, đi trên đê… Tuyến đê có nhiều bãi chứa là hữu Hồng, với 113 bãi, tả Hồng 29, tả Đuống 24, tả Đáy 21, hữu Đuống 13, Vân Cốc 8 bãi… Theo đơn vị quản lý đê điều, địa phương có nhiều tuyến đê bề mặt bị hư hỏng, xuống cấp là Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thường Tín, Đông Anh…

Khảo sát tuyến đê hữu Hồng, đoạn qua huyện Ba Vì, hiện có 34 điểm mặt đê thảm nhựa đường sụt lún, rạn nứt, với tổng diện tích hơn 15.000m2. Xã có nhiều điểm mặt đê bị hư hỏng, xuống cấp là Chu Minh, với 12 điểm, Đông Quang 11, Cam Thượng 6, Tản Hồng 3, Phú Phương 2 điểm. Trong khi đó, mặt đê Vân Cốc, đoạn thuộc địa bàn xã Vân Nam, Vân Phúc, Hát Môn, Cẩm Đình (Phúc Thọ)… xuất hiện dày đặc điểm lồi lõm đe dọa an toàn thân đê, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông…

Theo quy định, chỉ xe vận tải dưới 10 tấn mới được phép lưu thông trên đê. Nhưng thực tế có rất nhiều xe chở vật liệu xây dựng chạy trên đê, ước khối lượng gấp 3 - 4 lần cho phép. Đây chính là thủ phạm phá nát mặt đê. Làm việc với cơ quan chức năng các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Phú Xuyên… tất cả đều khẳng định đã vào cuộc quyết liệt xử lý vi phạm và chưa phát hiện đối tượng bảo kê xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đê.

Nguyên nhân chưa xử lý triệt để tình trạng xe quá tải trọng đi trên đê là vì lực lượng công an, thanh tra giao thông cấp huyện quá mỏng so với địa bàn, nhiệm vụ được giao; trong khi đó, các đối tượng vi phạm luôn tìm cách đối phó: Lén lút chạy xe ngoài khung giờ tuần tra, thông báo cho nhau để tránh né các chốt trực, kiểm soát của cơ quan chức năng…

Kiên quyết xử lý vi phạm

Theo Thượng tá Hoàng Hải, Phó Trưởng Công an huyện Phúc Thọ, thời điểm này đơn vị đang phối hợp với Thanh tra giao thông huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp vận tải, kinh doanh vật liệu xây dựng để kịp thời phát hiện, xử lý phương tiện lưu thông vượt tải trọng xe, không được phép lưu thông trên đê. Từ đầu năm đến nay, huyện Phúc Thọ đã xử lý 118 trường hợp vi phạm, phạt gần 458 triệu đồng, tạm giữ 8 xe ô tô, tước giấy phép lái xe có thời hạn hơn 70 trường hợp… Trung tá Phùng Văn Tiến - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (Công an huyện Ba Vì) cho biết, đơn vị đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý 60 trường hợp vi phạm, phạt 120 triệu đồng…

Để xử lý triệt để, bảo đảm hiệu quả lâu dài thì không có cách nào khác là cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi, giao thông tới mọi tầng lớp nhân dân. Khi cán bộ và nhân dân nhận thức đúng sẽ tự giác thực hiện hoặc chủ động phối hợp cơ quan chức năng đấu tranh xử lý. Cùng với đó, các quận, huyện có nhiều đê như Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Phúc Thọ, Phú Xuyên… cần xây dựng và triển khai kế hoạch xóa bỏ các bãi chứa, triệt tiêu yếu tố cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường kinh doanh cát sỏi.

Đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà xe, chủ bãi chứa sử dụng phương tiện vận chuyển quá tải trọng cho phép lưu thông trên đê nhằm giảm chi phí vận chuyển. Đối với các bãi chứa được phép hoạt động, các địa phương cần yêu cầu chủ bãi, chủ phương tiện cam kết không chất tải lên xe vượt tải trọng được phép. Nếu nhà xe, chủ bến bãi nào vi phạm thì kiên quyết rút giấy phép…

Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, giải pháp hiệu quả cao là cắm các mố hạn chế tải trọng. Tuy nhiên, khi triển khai giải pháp này có địa phương lại cho rằng làm như vậy là “ngăn sông cấm chợ”, ảnh hưởng việc phát triển kinh tế của địa phương, cản trở hoạt động của xe hộ đê, cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tình huống thiên tai, hỏa hoạn...

Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, mỗi năm, ngân sách nhà nước đã phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để duy tu, sửa chữa, kiên cố hóa các tuyến đê. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, chưa thể đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các tuyến đường gom dưới đê, tách chức năng phát triển kinh tế với phòng chống lũ lụt thì giải pháp cắm mố hạn chế tải trọng trên đê được coi là giải pháp cưỡng bức phù hợp, hiệu quả cần thiết phải ủng hộ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn, xử lý xe quá khổ, quá tải đi trên đê: Giải pháp nào hiệu quả?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.