Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy: Phải thật đồng bộ

Việt Tuấn| 29/11/2016 06:52

(HNM) - Dù có nhiều cố gắng, song công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy chưa đáp ứng yêu cầu do lực lượng thiếu chuyên nghiệp; việc thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên; xử lý vi phạm còn nhẹ…


Các lực lượng tham gia Hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ TP Hà Nội năm 2016. Ảnh: Anh Tuấn


Nhiều bất cập

Những vụ cháy, nổ thường gây thiệt hại về tài sản cũng như tính mạng con người, để lại hậu quả và gánh nặng cho xã hội. Năm 2016, toàn thành phố xảy ra 831 vụ cháy (tăng 55 vụ so với năm 2015) cướp đi sinh mạng 19 người, làm bị thương 18 người, thiệt hại tài sản khoảng trên 80 tỷ đồng và 7ha rừng. Những vụ cháy xảy ra có nguyên nhân do ý thức chủ quan, thiếu cẩn trọng của chính các tổ chức, cá nhân, nhưng cũng nhiều trường hợp là do cố tình không chấp hành các quy định về PCCC mà vụ cháy quán karaoke 68 phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy), làm 13 người thiệt mạng mới đây là một ví dụ.

Đối với công tác PCCC, Đại tá, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC thành phố Tô Xuân Thiều cho biết, trong năm nay, ngoài huy động lực lượng ứng cứu chữa cháy, Cảnh sát PC&CC thành phố đã phối hợp kiểm tra 5.230 lượt cơ sở công trình nhà cao tầng, hơn 12.000 cơ sở kinh doanh nhạy cảm (karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, massage), hơn 5.000 lượt tại khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại… Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, lịch kiểm tra đa số báo trước nên cơ sở bị kiểm tra tìm cách đối phó; việc tái kiểm tra chưa thường xuyên, nên nhiều cơ sở tái phạm hoặc không khắc phục theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.

Ngoài bất cập trên, các thành viên Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội bày tỏ băn khoăn vì công tác quản lý nhà nước về PCCC còn hạn chế, nhất là công tác tham mưu, chỉ đạo chữa cháy của lực lượng PCCC. Ngay trong vụ cháy quán karaoke ở 68 Trần Thái Tông, từ tiếp nhận thông tin đến khi xe cứu hỏa đến hiện trường mất nhiều thời gian, trong khi vật liệu dễ cháy, lửa bùng lan nhanh, việc tiếp cận hiện trường gặp khó khăn. Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC thành phố: 5 phút đầu xảy ra cháy, nếu xử lý kịp thời sẽ giảm thiểu được thiệt hại, nhất là về người. Vì thế, rất cần trang bị kiến thức PCCC cho mỗi người dân để có thể ứng cứu ngay khi xảy cháy.

Cần giải pháp mạnh

Hà Nội có 1.077 nhà, công trình cao tầng (921 công trình đưa vào hoạt động, 146 công trình đang thi công, 10 công trình đang tạm dừng hoạt động), trong đó có 81 nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng (2 công trình đang thi công chưa thẩm duyệt quy định về PCCC, 79 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC). Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố, nếu xảy ra hỏa hoạn ở các nhà cao tầng, nhất là chung cư tái định cư của thành phố thì thiệt hại có thể là rất lớn bởi hệ thống thoát hiểm, chống cháy lan được trang bị còn hạn chế, nhiều nơi thiếu thiết bị PCCC hoặc có nhưng không hoạt động được. Không chỉ các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm, mà ngay lực lượng PCCC cơ sở hiện vẫn thiếu trang thiết bị, nên phương châm “4 tại chỗ” chưa phát huy được hiệu quả.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PC&CC thành phố cũng thừa nhận, công tác dự báo, phân tích tình hình về PCCC, cứu hộ cứu nạn chưa sát; tính chuyên nghiệp trong thao tác PCCC của cán bộ, chiến sĩ chưa cao. Đây là những vấn đề Cảnh sát PC&CC cần sớm khắc phục. Ngoài siết chặt kỷ luật, kỷ cương và luyện tập nâng cao kỹ năng, thao tác chuyên nghiệp cho cán bộ, chiến sĩ, Cảnh sát PC&CC sẽ rà soát, kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm về an toàn PCCC đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện; trường hợp phát hiện vi phạm nghiêm trọng sẽ tham mưu UBND thành phố đình chỉ hoạt động và giám sát thường xuyên, tránh tái phạm.

Đối với công trình nhà chung cư, Cảnh sát PC&CC thành phố sẽ tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị bố trí kinh phí để khắc phục ngay hệ thống phương tiện PCCC đã hư hỏng, xuống cấp hoặc hoạt động không hiệu quả. Việc xử lý tồn tại phải xong trước ngày 30-12. Bên cạnh đó, với mức xử phạt vi phạm hành chính về PCCC trong đầu tư xây dựng (100 triệu đồng đối với tổ chức, 50 triệu đồng đối với cá nhân) hiện vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên UBND thành phố kiến nghị Chính phủ tăng mức phạt tiền, quy định rõ các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đặc biệt, thành phố kiên quyết không cấp phép đầu tư các dự án, công trình xây dựng mới đối với các chủ đầu tư có công trình tồn tại về PCCC, nhưng chưa được khắc phục triệt để. Đây là những biện pháp mạnh nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư trong công tác PCCC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy: Phải thật đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.