Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm làng nghề

Thanh Hiền| 06/12/2016 07:17

(HNM) - Để giảm ô nhiễm môi trường (ÔNMT) tại làng nghề, Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án xử lý nước thải, đồng thời tập trung quy hoạch không gian làng nghề gắn liền với bảo vệ môi trường, di dời các cơ sở gây ô nhiễm nặng ra khỏi khu vực dân cư...


Thực tế đáng báo động

Theo Sở Công Thương Hà Nội, chất lượng môi trường sống tại các làng nghề đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng bởi ô nhiễm nguồn nước, nước thải, chất thải rắn, không khí, bụi, tiếng ồn… Các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (Hoài Đức), Kỳ Thủy, Thanh Lương, Cự Đà, Bích Hòa (Thanh Oai), Phú Đô (Nam Từ Liêm)… nước thải phát sinh từ quá trình tẩy rửa các nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất, lượng nước sử dụng lớn, có nơi lên tới 7.000m3/ngày, thường không được xử lý đã xả trực tiếp ra môi trường đã gây ô nhiễm và gây hại cho sức khỏe con người.

Huyện Hoài Đức nằm trên lưu vực sông Nhuệ là địa bàn tập trung nhiều làng nghề truyền thống phát thải lưu lượng lớn nước thải, gồm cả nước thải làng nghề sản xuất và nước thải sinh hoạt có nồng độ chất ô nhiễm cao. Đặc biệt, các làng nghề tại khu vực 3 xã Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai chuyên sản xuất các sản phẩm miến, bún, đồng thời tận dụng phế phẩm để chăn nuôi đã gây ÔNMT nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân trong khu vực. Đáng chú ý, do tình trạng ÔNMT đã tồn tại rất nhiều năm, nên nguồn nước ngầm cũng dễ bị ô nhiễm, trong khi đó đây là nguồn nước sử dụng chính của làng nghề.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Nhằm giải quyết vấn đề ÔNMT nghiêm trọng do hoạt động sản xuất làng nghề, TP Hà Nội đã thí điểm hình thức xã hội hóa xây dựng dự án Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức). Toàn bộ vốn đầu tư do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền đảm nhận. Nhà máy xử lý nước thải có công suất thiết kế 20.000m3/ngày - đêm, sử dụng công nghệ xử lý sinh học khép kín, với dây chuyền thiết bị tự động hóa được nhập khẩu từ Châu Âu. Dự án sẽ thu gom và xử lý nước thải khu vực làng nghề Cầu Ngà, mang lại lợi ích về sức khỏe cho người dân địa phương nói riêng và môi trường Thủ đô nói chung.

Để giải quyết tình trạng ÔNMT, trong tháng 12-2016, Hà Nội sẽ lắp đặt 10 trạm quan trắc không khí. Dự kiến trong năm 2017, Hà Nội xây dựng thêm 50 trạm quan trắc và tiến tới lắp các trạm quan trắc tại các hồ. Cùng với đó, Hà Nội đẩy nhanh dự án trồng 1 triệu cây xanh nhằm góp phần giảm ô nhiễm bụi, tiếng ồn. Ngoài ra, để góp phần giải quyết cơ giới hóa việc thu gom rác thải, trong tháng 1-2017, thành phố sẽ khởi công xây dựng nhà máy đốt rác thải bằng nhiệt điện...

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã đưa ra kế hoạch xử lý ÔNMT các làng nghề trên địa bàn thành phố, với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố cần 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020-2030, cần 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.

Trước mắt, thành phố sẽ bố trí, huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án xử lý nước thải làng nghề, xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ để từng bước cải thiện chất lượng môi trường. Thành phố cũng sẽ quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư, triển khai chính sách khuyến khích phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2016-2020, nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình “Hệ thống quản lý môi trường tại làng nghề”, hoàn thành “Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Bên cạnh đó, thành phố coi công tác bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí để đánh giá việc phát triển của làng nghề.

Ngoài ra, thành phố đề ra nhiều biện pháp khác như quản lý việc thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải nông thôn, chất thải phát sinh từ hoạt động của các cơ sở trong làng nghề; kiểm soát chặt việc phát sinh và xử lý chất thải nguy hại từ khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời việc quản lý chất thải nguy hại trái với các quy định của pháp luật.

Những giải pháp cụ thể, thiết thực kể trên của thành phố sẽ mang lại một môi trường sống xanh, sạch cho các làng nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.