Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý an toàn thực phẩm: Tăng cường thanh tra chuyên ngành, quản lí chuỗi

Nhóm PV HNMO| 07/12/2016 15:19

(HNMO) - Nội dung lớn thứ hai được các đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội chất vấn trong phiên làm việc chiều 7/12 là về vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân.


Báo cáo về tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, với dân số 7,5 triệu người, Hà Nội hiện có 20 trung tâm thương mại, 12 siêu thị, 460 chợ, 454 chợ dân sinh và mỗi ngày cần 800-1.000 tấn thịt, 350-400 tấn thủy hải sản, 2.500 tấn rau quả... Tuy nhiên, sản xuất của Hà Nội mới đáp ứng được 60% nhu cầu, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.

Thời gian qua, Thành phố đã triển khai đồng bộ, bài bản các quy định của pháp luật, xây dựng quy trình quản lý sản xuất, lưu thông thực phẩm bảo đảm an toàn, trong đó quy định rõ trách nhiệm từng cấp, ngành, người đứng đầu. UBND Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm (ATTP) do Chủ tịch UBND Thành phố làm trưởng ban, 30/30 quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn được kiện toàn Ban chỉ đạo ATTP, tiến hành kiểm tra ATTP trên địa bàn quản lí hàng tuần...

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền


Để tăng cường vai trò của các cấp chính quyền trong bảo đảm ATTP, Thành phố đã xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ngành liên quan; thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra đột xuất; đổi mới công tác tuyên truyền về ATTP; phát động thi đua, ký cam kết cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm, giới thiệu mô hình điểm về ATTP, tổ chức hội thảo về ATTP; tổ chức quản lý sản phẩm theo chuỗi (đã xây dựng, duy trì được 60 chuỗi, gồm 27 chuỗi chăn nuôi, 33 chuỗi trồng trọt); tổ chức liên kết, hỗ trợ các hộ kinh doanh, chế biến thực phẩm bảo đảm an toàn...

Theo Giám đốc Sở Y tế, nhìn chung, công tác ATTP năm qua đã được các cấp quan tâm đặc biệt, có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp, các ngành, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, không bỏ sót trong quản lý ATTP, thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP ở 5 quận, huyện và 10 xã, phường; thực hiện tốt công tác quản lý ATTP vào những dịp lễ, tết, không để xảy ra những vụ ngộ độc lớn trên địa bàn...

Tuy nhiên, Giám đốc Sở cũng cho biết, hệ thống văn bản quản lý ATTP đến nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu quản lý nhưng việc phân công trách nhiệm đôi chỗ còn chồng chéo, chế tài xử lý vi phạm ATTP chưa đủ mạnh, có nơi còn thiếu biên chế cán bộ làm công tác này...

Đại biểu Trần Thị Vân Hoa chất vấn UBND TP về bảo đảm ATTP



Để đẩy mạnh công tác bảo đảm ATTP thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, kiện toàn bộ máy bảo đảm ATTP tại các phường, xã, thị trấn; tăng cường việc chứng nhận thực phẩm an toàn, các cơ sở bảo đảm ATTP; Tăng cường quản lý các chợ đầu mối, dân sinh, kiểm soát chặt các chợ tạm, chợ cóc; Nâng cao vai trò của 5 đoàn kiểm tra liên ngành, bảo đảm ATTP ở các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, cung cấp nông-lâm-thủy sản an toàn, sử dụng hiệu quả 3 xe chuyên dụng về ATPP; Tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm, tăng các hoạt động chuyên đề về ATTP; Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, nhất là thanh tra đột xuất về ATTP, đánh giá mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP và nhân rộng mô hình này; Đổi mới tuyên truyền ATTP nhằm tạo sự chuyển biến về ý thức người dân, người sản xuất, kinh doanh, tăng cường đưa tin về ATTP, kết quả thanh, kiểm tra thực phẩm, trong đó công khai các cơ sở bảo đảm và không bảo đảm ATTP cho người dân biết; Nhân rộng mô hình liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm, trao đổi kinh nghiệm bảo đảm ATTP với các đơn vị trong và ngoài nước...

Đến 2017, tất cả các cơ sở phải ký cam kết sản xuất an toàn

Trả lời câu hỏi của các đại biểuĐoàn Việt Cường, Hoàng Thị Tú Anh, Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Chu Phú Mỹ cho biết, hiện nay, trên địa bàn TP có 1.074 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 15 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp, 4 cơ sở giết mổ thủ công chăn nuôi và 1.050 điểm giết mổ nhỏ lẻ - trong khi chỉ có 76 điểm giết mổ nhỏ lẻ được kiểm soát, còn lại nằm trong các khu dân cư chưa được kiểm soát, giết mổ không bảo đảm quy định về thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trên địa bàn TP có 7.042 trang trại chăn nuôi tập trung (trong đó 533 trang trại của doanh nghiệp). Tất cả các doanh nghiệp và trang trại đều đã ký cam kết không sử dụng chất cấm trong sản xuất.  Sở NN&PTNT thường xuyên phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi và quản lý vật tư, thuốc thú y trên địa bàn.

Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ



Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông của TP nhằm tuyên truyền, hướng dẫn phổ biến kiến thức về chăn nuôi, sử dụng các vật tư trong chăn nuôi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người chăn nuôi về sử dụng vật tư chăn nuôi, thuốc thú y theo quy định, bảo đảm ATTP.

Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thú y và các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, sản xuất, buôn bán vật tư chăn nuôi thực hiện việc ký cam kết không kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Hiện đã có 108.039/122.926 hộ chăn nuôi lợn và gia cầm (87%), 762/786 hộ kinh doanh thuốc thú y (96%), 1.396/1.409 cửa hàng thức ăn chăn nuôi ký cam kết không kinh doanh sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (97%).

Trong năm 2016, toàn TP đã xây dựng và duy trì 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, gồm 27 chuỗi chăn nuôi, 33 chuỗi trồng trọt. Có 311 cơ sở kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn tại 21 quận, huyện, thị xã được công khai trên website của UBND Thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội.

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Đỗ Thùy Dương băn khoăn về con số 45% thực phẩm được kiểm soát, nghĩa là có tới 55% thực phẩm chưa được kiểm soát. “Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết lộ trình để kiểm soát lượng thực phẩm còn lại trong thời gian tới”, đại biểu nói.

Các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn



Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết Sở đã tiếp tục yêu cầu các cơ sở sản xuất thực hiện cam kết không sử dụng chất cấm. Hiện các cơ sở chăn nuôi đã ký xong và nộp cam kết, còn các cơ sở trồng trọt sẽ phải ký tiếp và từng bước thực hiện. Dự kiến năm 2017 tất cả các cơ sở sản xuất trồng trọt, chăn nuôi phải ký xong cam kết sản xuất an toàn và không sử dụng chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi.

Siết chặt quản lý thực phẩm nhập khẩu 

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng
cho biết, theo tính toán của Sở Công Thương, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nhập khẩu của người dân Thủ đô rất lớn. Ví dụ như mặt hàng thịt bò, nhu cầu tiêu thụ của Hà Nội vào khoảng 4.000 tấn/tháng, trong khi khả năng cung cấp tại chỗ chỉ đạt 17-19% nên Thành phố phải nhập khẩu khoảng 40% từ các tỉnh và 40% từ nước ngoài. Thịt bò nhập nguyên con từ nước ngoài về và giết mổ trên địa bàn Thành phố chiếm 60%, 40% còn lại là thịt bò đông lạnh.

Đối với mặt hàng hải sản tươi sống, Hà Nội tiêu thụ 5.000 tấn/tháng nhưng khả năng đáp ứng tại chỗ chỉ đạt 3,4%. Lượng hải sản nhập từ các tỉnh chiếm 93,6% và nhập từ các nước khác chiếm 2,8%, chủ yếu là hải sản nước biển sâu có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, cá hồi.

Về mặt hàng thực phẩm chế biến, nhu cầu của Hà Nội đạt khoảng 5.000 tấn/tháng. Tuy nhiên, khả năng cung ứng của Thành phố chỉ đạt 30%. Hà Nội phải nhập từ các tỉnh khoảng 55% tổng lượng thực phẩm chế biến và nhập khẩu 15% từ các nước khác.

Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng



Trước những mối lo ngại về chất lượng thực phẩm nhập khẩu, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh, tất cả các cơ sở kinh doanh trên địa bàn Thành phố đều phải xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Cơ sở nào kinh doanh mà không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm là trái pháp luật.

Thực phẩm được nhập khẩu đi qua cơ quan Hải quan vào các tổng kho và từ kho tỏa đi mạng lưới phân phối tại siêu thị và chợ. Luật cho phép kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thông qua chứng từ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hiện tượng nhập khẩu sản phẩm hết hạn sử dụng về Việt Nam. Để ngăn chặn hiện tượng dán lại hạn sử dụng, lực lượng chức năng phải tăng cường đấu tranh, lấy mẫu đưa đi xét nghiệm.

Sở Công thương cũng đã tham mưu cho UBND TP tạo nguồn hàng có chất lượng, rõ nguồn gốc, xuất xứ của các tỉnh đưa về Hà Nội, đưa đặc sản vùng miền về thủ đô thông qua các hội chợ, các buổi giao thương để người dân Thủ đô được sử dụng các sản phẩm chất lượng tốt và an toàn.

Năm 2016, toàn Thành phố đã thành lập 1.440 đoàn kiểm tra liên ngành, 05 tổ phản ứng nhanh, đã kiểm tra 92.488 lượt cơ sở, xử lý vi phạm 15.571 cơ sở, phạt tiền 4.400 cơ sở với số tiền trên 24,6 triệu đồng, chuyển xử lý hình sự 03 cơ sở và tiêu hủy nhiều tấn sản phẩm không đảm bảo ATTP. Thanh tra chuyên ngành tại 5 quận, huyện, xã, phường thí điểm đã thanh tra, 786/3.536 cơ sở, phạt tiền 371 cơ sở với số tiền 1 tỷ 161 triệu đồng (năm 2015 phạt tiền 156 cơ sở, số tiền phạt trên 483 triệu đồng)

Thành phố đã cấp GCN/ký cam kết ATTP cho 47.153/59.109 cơ sở (79,7%), xác nhận kiến thức ATTP cho 65.000 người.

Về xét nghiệm ATTP: Đã lấy 157.714 mẫu xét nghiệm, kết quả phát hiện 15.318 mẫu không đạt (9,71%). Từ tháng 11/2016 triển khai xe kiểm nghiệm ATTP, kết quả: Số lượt xe đi (47), trung bình 2,2 lượt xe/ngày; số cơ sở được kiểm tra (39); số mẫu xét nghiệm (196); số mẫu Dương tính (18).


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý an toàn thực phẩm: Tăng cường thanh tra chuyên ngành, quản lí chuỗi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.