Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Tạo đột phá trong cải cách hành chính

NGUYỄN LÊ| 06/02/2017 07:08

(HNM) - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho rằng, trong bộ máy công quyền của thành phố còn tồn tại tư tưởng tự mãn, xa rời dân ở một số cán bộ, công chức.

Cải cách hành chính là mục tiêu quan trọng tại các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.


Chuyển biến rõ nét

Sốt ruột vì chờ gần một giờ mà hồ sơ công chứng chưa xong, anh Trần Văn Tuấn (quận 3) đến hỏi nhân viên thì nhận ngay lời “xin lỗi” và được biết do hồ sơ quá đông nên "mong anh thông cảm chờ thêm chút nữa". Anh Tuấn cho biết, giải quyết lâu do hồ sơ nhiều hoàn toàn thông cảm được. Tuy nhiên, điều anh cảm thấy vui là thái độ phục vụ của nhân viên giải quyết hồ sơ, không còn thái độ gắt gỏng hay quát nạt, mà trái lại, rất nhã nhặn và lễ phép.

Đó là cách tiếp dân tại không ít cơ quan công quyền trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay. Ghi nhận tại một số trụ sở tiếp dân trên địa bàn quận 3 cho thấy, không khí làm việc rất khẩn trương nhưng không hề căng thẳng. Người dân thật sự được xem là khách hàng, được phục vụ tận tình, chu đáo.

Trong khi đó, nhiều thủ tục hành chính (TTHC) người dân không cần phải trực tiếp đến cơ quan công quyền mà có thể giải quyết tại nhà. Cụ thể, đối với hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép xây dựng, cấp giấy chủ quyền nhà đất, làm giấy khai sinh... người có nhu cầu chỉ cần vào mạng đăng ký. Mất khoảng 10 phút sẽ hoàn tất các thủ tục. Sau đó, trong vòng 10 ngày làm việc sẽ nhận lại được hồ sơ hoàn tất. Thậm chí có thể đăng ký nhận tại nhà thông qua đường bưu điện. Đây được xem là bước chuyển biến rõ nét trong công tác CCHC của TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Theo đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh” giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025, thành phố xác định phủ sóng ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi và hiệu quả trong mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, đây là cơ sở quan trọng để phục vụ công tác CCHC, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng thành phố thông minh lấy chính quyền điện tử làm trung tâm.

Khắc phục những tồn tại

Có thể thấy, công tác CCHC của TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã đạt được hiệu quả tích cực, nhiều thủ tục được cắt giảm, thời gian giải quyết hồ sơ nhanh hơn. Có được như vậy là nhờ vào nhiều giải pháp được áp dụng, trong đó nổi bật là ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, với quyết tâm không để các TTHC rườm rà cản trở sự phát triển, TP Hồ Chí Minh còn rất nhiều việc để làm.

Trong đó, giải pháp “mềm” được xác định không kém phần quan trọng như lề lối, tác phong làm việc cũng như thái độ phục vụ dân. Là một thành phố đông dân nhất nước, có hoạt động kinh tế diễn ra sôi động, các cơ quan công quyền luôn phải đối mặt với một khối lượng công việc rất lớn, chưa kể từng phút, từng giờ lại phát sinh thêm nhiều vấn đề mới, không thể lường trước.

Tại buổi gặp gỡ giữa Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh với 322 bí thư xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố cuối tuần qua, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng yêu cầu bí thư xã, phường, thị trấn phải trực tiếp xuống xử lý các vấn đề trên địa bàn, tìm đến cùng các địa chỉ mà nhân dân bức xúc để chỉ đạo, đấu tranh giải quyết.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Chỉ cần có chút tư tưởng tự mãn, xa rời nhân dân là chúng ta gánh hậu quả ngay lập tức...". Đây là mặt trái, mặt hạn chế còn tồn tại trong bộ máy công quyền khiến người dân bức xúc. “Khắc phục tư tưởng tự mãn, xa rời dân không chỉ là giải pháp để tiến tới một chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, vì dân, mà đó còn là nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức cán bộ, là danh dự để chúng ta củng cố niềm tin của xã hội và thoát khỏi sự trì trệ”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Để khắc phục những tồn tại này, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh cho rằng, từ khâu tuyển dụng, bố trí cán bộ làm sao cho đúng năng lực, chuyên môn của họ. Làm sao để cán bộ, công chức yêu thích công việc, yêu nghề có như vậy họ mới cống hiến hết mình cho công việc. Bên cạnh đó, cần gắn với việc đánh giá năng lực cán bộ dựa trên cơ sở đánh giá của người dân chứ không đánh giá theo báo cáo, kê khai thành tích của cán bộ.

Năm 2017, TP Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu: Tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 30-40%; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng đạt 15%; 80% các văn bản chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử; 100% thư mời họp điện tử; giảm ít nhất 30% thời gian xử lý TTHC trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, hải quan, thuế, đất đai...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Tạo đột phá trong cải cách hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.