Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo chuyển biến tích cực về kỷ cương hành chính

Phong Thu| 09/02/2017 06:48

(HNM) - Thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017”, ngay từ những ngày làm việc đầu năm Đinh Dậu, hầu hết các đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội đã chấp hành tốt chỉ đạo của UBND thành phố.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” huyện Phúc Thọ (Hà Nội) sáng 7-2. Ảnh: Nhật Nam


Cùng với việc thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2017", các đơn vị đã đồng loạt triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội vừa được ban hành nhằm tạo chuyển biến tích cực trong phục vụ người dân.

Bắt tay ngay vào công việc

Ngay trong tuần làm việc đầu tiên sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, không khí làm việc tại bộ phận “một cửa” của UBND phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) rất nghiêm túc, khẩn trương. Bà Trần Thị Quỳnh (ở ngõ 15 An Dương Vương, Phú Thượng, Tây Hồ) đến chứng thực hồ sơ vào ngày 7-2 cho biết: “Tôi lần đầu đi chứng thực giấy tờ nên lúng túng, nhưng được cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo từng khâu một. Hơn nữa, tôi đến khi cuối giờ chiều, tưởng là ngày khác mới nhận được kết quả nhưng không ngờ chỉ chờ một lúc đã có kết quả ngay”.


Được biết, ngay từ đầu năm, UBND phường Phú Thượng đã tổ chức quán triệt tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức phải chấm dứt vui xuân, bắt tay ngay vào công việc, chấp hành nghiêm túc giờ giấc và không tham gia lễ hội trong giờ hành chính. Nhờ đó, 100% hồ sơ được trả đúng hạn. UBND quận Tây Hồ cũng rất quyết liệt trong việc duy trì trật tự kỷ cương hành chính những ngày sau Tết. Quận đã thành lập các đoàn kiểm tra để giám sát tình hình thực hiện của các đơn vị. Thậm chí trong cùng một ngày, sáng quận đã kiểm tra, đầu giờ chiều lại kiểm tra đơn vị đó.

Tại huyện Thanh Trì, lượng công dân giao dịch khá ít, bộ phận “một cửa” của huyện tiếp nhận 36 hồ sơ trong 4 ngày làm việc sau Tết, nhưng các cán bộ vẫn làm việc nghiêm túc. Tương tự, ngay sau Tết, ngày 3-2 (mùng 7 Tết), UBND quận Hai Bà Trưng đã có văn bản đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong văn bản nêu rõ, CBCCVC, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết.

Phó Chánh Văn phòng UBND quận Hai Bà Trưng Lê Hoàng Đức cho biết: “Quán triệt tinh thần đó, toàn thể CBCCVC quận đã thực hiện nghiêm túc, tuyệt đối không có ai đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội và không tổ chức liên hoan gây ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Từ ngày 2-2 (mùng 6 Tết), quận đã có 4 đoàn kiểm tra do Chủ tịch UBND quận và các Phó Chủ tịch UBND quận làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra toàn bộ 20 phường trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, chưa có đơn vị nào để xảy ra vi phạm”.

Từ ngày 2-2 (mùng 6 Tết) đến ngày 8-2, Đoàn kiểm tra công vụ của Sở Nội vụ Hà Nội đã thực hiện kiểm tra đột xuất 16 đơn vị. Qua kiểm tra cho thấy dù một số nơi vẫn còn có khiếm khuyết, nhưng nhìn chung các đơn vị đã nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về tập trung chỉ đạo, điều hành sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Các đơn vị đã phân công, bố trí CBCCVC làm nhiệm vụ trực tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ hành chính của công dân, tổ chức.

Khẩn trương đưa Quy tắc ứng xử vào cuộc sống

Đến thời điểm này, các đơn vị đều đã nhận được Quyết định số 522/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc ban hành Quy tắc ứng xử của CBCCVC, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội. Chủ tịch UBND phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) Bùi Tuấn Dương cho biết: “Tôi đã nghiên cứu kỹ Quy tắc ứng xử và thấy các nội dung, đặc biệt là phần quy tắc ứng xử chung và ứng xử với người dân đều rất phù hợp, cần thiết đối với CBCCVC của Thủ đô.

Phường đang chờ hướng dẫn của quận để niêm yết công khai cho CBCCVC, người dân biết; đồng thời xác định, mỗi CBCCVC phường phải nắm thật chắc các quy tắc để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Sắp tới, phường sẽ lập phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân về thái độ, tác phong làm việc của CBCC ngay tại bộ phận “một cửa” nên Quy tắc ứng xử sẽ như “kim chỉ nam” đối với mỗi CBCC”. Còn UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ) đã yêu cầu Công đoàn, chi đoàn thanh niên phát động phong trào thi đua gắn với các nội dung Quy tắc và đây sẽ được coi là cơ sở để xây dựng đơn vị văn hóa.

Tại nhiều quận, huyện, xã, phường, sở, ngành, lãnh đạo đơn vị đã bắt đầu quán triệt, xây dựng hướng dẫn triển khai, yêu cầu CBCCVC, người lao động trong đơn vị thực hiện nghiêm túc Quy tắc ứng xử. Nhiều CBCCVC đã chủ động nghiên cứu Quy tắc. Theo ông Nguyễn Vinh Chuyển, công chức văn phòng - thống kê xã Văn Bình (huyện Thường Tín): “Các nội dung quy định trong Quy tắc ứng xử về cơ bản không khác so với các quy định trước đây của Bộ Nội vụ, điều đó cho thấy việc áp dụng là rất cần thiết. Tôi nghĩ rằng, muốn nền hành chính hiện đại thì phải có kỷ luật, kỷ cương, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và sẵn sàng thay thế những trường hợp cố tình làm trái”.

Tuy nhiên, bên cạnh việc hầu hết các cơ quan, đơn vị chấp hành chỉ đạo của UBND thành phố, thực hiện Quy tắc ứng xử của CBCCVC, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội thì vẫn còn có đơn vị chưa nghiêm túc. Điển hình như việc nhiều thành viên của Phòng Quản lý hồ sơ thuộc BHXH TP Hà Nội vẫn tổ chức đi lễ tại đền Mẫu, Hưng Yên trong giờ hành chính vào ngày 7-2 đã được phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng… Việc làm này của một số ít người đã làm xấu đi hình ảnh mà đội ngũ CBCCVC, người lao động Thủ đô đang nỗ lực xây dựng.

Để toàn thành phố thực hiện hiệu quả “Năm kỷ cương hành chính 2017”, các đơn vị cần siết chặt hơn nữa việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương. Bên cạnh việc biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt thì cần phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Có như vậy mới tạo ra được chuyển biến rõ nét, đồng thời đạt được mục tiêu mà Quy tắc ứng xử đề ra: Xây dựng đội ngũ CBCCVC, người lao động Thủ đô “Kỷ cương - Trách nhiệm - Tận tình - Thân thiện”.

(HNM) - Ngày 8-2, Đoàn kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 của Sở Nội vụ đã kiểm tra đột xuất tại UBND xã Cổ Bi, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất và nhà Hà Nội huyện Gia Lâm và bộ phận “một cửa” của UBND huyện Gia Lâm.

Đoàn kiểm tra ghi nhận, bộ phận “một cửa” của UBND xã Cổ Bi đã thực hiện các nội dung về cơ chế “một cửa” đúng quy định, nhưng UBND xã chưa niêm yết lịch trực tiếp dân. Đặc biệt, tại thời điểm kiểm tra, phòng tiếp dân không có cán bộ trực. Tại Văn phòng Đăng ký đất và nhà huyện Gia Lâm, bảng niêm yết thời gian nhận - trả hồ sơ hành chính thiếu 30 phút so với quy định. Tại bộ phận “một cửa” của UBND huyện Gia Lâm, Đoàn kiểm tra phát hiện, một số thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp chưa được thực hiện theo quy định.

Hải Vân


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo chuyển biến tích cực về kỷ cương hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.