Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân

Việt Nga - Phong Thu| 13/02/2017 06:21

(HNM) - Đến nay, tại nhiều quận, huyện, 100% hồ sơ trong lĩnh vực tư pháp đã được thực hiện bằng dịch vụ công trực tuyến, trong đó 50%-80% hồ sơ được công dân khai và nộp tại... nhà.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin là trọng tâm của cải cách hành chính, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thành phố, để phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp…


Mô hình “Khu dân cư, tổ dân phố điện tử” tại phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) phát huy hiệu quả, được nhân dân đánh giá cao.
Trong ảnh: Người dân khu dân cư số 6, phường Hạ Đình làm thủ tục hành chính công trực tuyến tại nhà sinh hoạt cộng đồng.Ảnh: Viết Thành


Tỷ lệ nộp hồ sơ qua mạng ngày càng tăng

Sau một thời gian triển khai, dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp phường, xã trên địa bàn TP Hà Nội đã dần đi vào nền nếp. Tại bộ phận “một cửa” ở hầu hết các đơn vị đều có thông báo, phát tờ rơi hướng dẫn cách sử dụng dịch vụ qua máy tính để nộp hồ sơ trực tuyến. Nếu như những ngày đầu triển khai DVC trực tuyến mức độ 3, đa số người dân và một bộ phận cán bộ còn bỡ ngỡ thì nay đã thuần thục, thậm chí nhiều quận như Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông… tỷ lệ hồ sơ thực hiện DVC trực tuyến mức độ 3 đã đạt 100%; trong đó, tỷ lệ hồ sơ do công dân nộp tại nhà khá cao (từ 50% đến trên 80%).

Phó Chánh Văn phòng UBND quận Hà Đông Thái Thị Thùy Linh cho biết, một số vướng mắc trong những ngày đầu áp dụng như mạng chậm, cán bộ phải ngồi chờ từng thao tác đã được Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) và đơn vị cung cấp phần mềm khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, một số đơn vị đã chủ động xây dựng các khu dân cư, tổ dân phố điện tử, giúp người dân dễ dàng tiếp cận DVC trực tuyến. Hiện nay, quận Hà Đông đã xây dựng được 24 điểm hỗ trợ thực hiện DVC trực tuyến mức độ 3, tại 17 phường.

Tương tự, quận Thanh Xuân có khu dân cư điện tử tại Khu đô thị Hapulico và nhiều khu dân cư trên địa bàn phường Hạ Đình. Quận Long Biên có khu chung cư điện tử trên địa bàn phường Gia Thụy… Nhận xét về DVC trực tuyến, chị Hoàng Thu Thảo (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) nói: “Thủ tục khai sinh qua mạng giúp tiết kiệm thời gian. Các thông tin yêu cầu ngắn gọn, đặc biệt ngồi ở đâu cũng có thể nộp được hồ sơ nên rất thuận tiện”.

Tuy nhiên, quá trình sử dụng ở một số đơn vị vẫn còn tình trạng bị chậm do cập nhật phần mềm mới, khiến hệ thống quá tải. Đáng chú ý, thời gian giải quyết thủ tục liên thông ở một số nơi còn chậm so với quy định. Điển hình như tại thị trấn Đông Anh, việc cấp thẻ bảo hiểm y tế chậm tới 5 ngày, đăng ký thường trú chậm 7 ngày, do việc giao nhận hồ sơ chưa tuân thủ đúng quy trình liên thông. Tương tự, tại xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), việc giải quyết đăng ký thường trú chậm 14 ngày. Theo bà Nguyễn Thanh Nga, Phó Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính (Sở Tư pháp Hà Nội), trách nhiệm của việc chậm trễ này một phần do công chức của xã chậm chuyển hồ sơ đi, một phần do công an xã chậm trả hồ sơ về UBND xã.

Người đứng đầu phải thành thạo công nghệ thông tin

Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội Phan Lan Tú cho biết, xác định công nghệ thông tin (CNTT) là trọng tâm để cải cách hành chính nên thành phố đã xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2017 với các chỉ tiêu chủ yếu: Các cơ quan thành phố phải cung cấp tối thiểu 40% thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 và 4. 100% đơn vị sử dụng phần mềm một cửa điện tử dùng chung kết nối cổng dịch vụ công thống nhất toàn thành phố và kết nối với hệ thống dịch vụ công mức độ 3 và 4. Hà Nội phấn đấu trên 60% hồ sơ đăng ký qua mạng lĩnh vực tư pháp, đăng ký kinh doanh; đạt tối thiểu 30% với các lĩnh vực khác. Theo kế hoạch, trong năm 2017, thành phố cung cấp 120 DVC trực tuyến mức độ 3; trong đó, đợt 1 từ ngày 19-1, đã cung cấp 27 DVC, gồm có 7 DVC cấp phường, 20 DVC cấp sở. Đợt 2, bắt đầu vận hành chính thức vào ngày 1-3, với 10 DVC cấp quận, huyện, thị xã thuộc các lĩnh vực thông tin - truyền thông, giao thông - vận tải, xây dựng, tài nguyên - môi trường và 10 DVC cấp sở. Đợt 3, vận hành chính thức từ ngày 15-3, với 73 DVC.

Cũng theo bà Phan Lan Tú, về hạ tầng, thành phố tiếp tục mở rộng Trung tâm dữ liệu chính tại Viettel và Trung tâm dữ liệu dự phòng tại Sở TT-TT; bảo đảm đường truyền mạng diện rộng ổn định 24/24 giờ, duy trì ổn định đường truyền cáp quang kết nối giữa Trung tâm dữ liệu chính và dự phòng. Đặc biệt, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Hà Nội sẽ xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành tập trung, với 6 công năng: Điều khiển giao thông; phân tích dữ liệu và cung cấp dịch vụ phát triển kinh tế - xã hội; giám sát bảo đảm an toàn, an ninh; xử lý các sự cố; giải đáp phản ánh của người dân, doanh nghiệp; trung tâm thông tin báo chí.

Theo đề nghị của các đơn vị, trong năm 2017, thành phố tiếp tục tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ về chuẩn kỹ năng CNTT cho 7 chức danh cán bộ và lãnh đạo xã, phường, thị trấn cùng đội ngũ giáo viên. Vì vậy, những trường hợp không tham dự khóa học, không đủ điều kiện thi, thành phố yêu cầu học viên phải tự bỏ kinh phí học và thi lại, đồng thời tính đến yếu tố này trong xét thi đua đối với đơn vị và cá nhân.

Cán bộ, công chức trong các cơ quan thành phố sẽ sử dụng hộp thư điện tử để trao đổi thông tin, đồng thời được hướng dẫn, đào tạo sử dụng phần mềm dùng chung... Với quan điểm, người đứng đầu phải sử dụng thành thạo các ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, thành phố đã trang bị máy tính bảng cho một số chức danh lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện trở lên... Sau khi trang bị máy tính bảng, từ ngày 1-3, UBND thành phố sẽ gửi giấy mời họp qua mạng; từ ngày 1-4, toàn bộ văn bản của thành phố sẽ gửi qua mạng và chấm dứt việc gửi văn bản in.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng phục vụ người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.