Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở

Hiền Thu| 14/02/2017 07:57

(HNM) - Dù vẫn cần quyết liệt hơn nữa, song rõ ràng chất lượng giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo (KNTC) thời gian qua đã được nâng lên rõ rệt. Đó là do các đơn vị đã chủ động thực hiện tiếp công dân, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ KNTC từ cơ sở...

Tăng cường đối thoại

Năm 2016, các vụ KNTC phát sinh chủ yếu trong quá trình thực hiện các dự án chuyển đổi mô hình một số chợ; công tác dồn điền, đổi thửa; các dự án đô thị, nhà ở… Trước tình hình đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo chính quyền các cấp và ngành chức năng tăng cường tiếp, đối thoại với công dân, nhất là chủ động theo dõi, nắm tình hình KNTC ngay từ khi phát sinh tại cơ sở. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, nhiều đơn vị đã thực hiện nghiêm việc bố trí phòng tiếp công dân và lịch trực tiếp công dân, trong đó thủ trưởng đơn vị tiếp công dân 1-2 lần/tuần.

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn khu dân cư. Ảnh: Bá Hoạt



Tại Long Biên, UBND quận thường xuyên tổ chức giao ban đánh giá, chỉ rõ bất cập trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC và vụ việc có hiệu lực pháp luật. Qua đó, Chủ tịch UBND quận nắm bắt tình hình và đôn đốc các đơn vị giải quyết dứt điểm đơn, thư tồn đọng, kéo dài. Từ cuối năm 2016, huyện Thạch Thất chủ động tổ chức hội nghị đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện với đại diện nhân dân để tiếp thu các phản ánh, kiến nghị, trao đổi của người dân trên nhiều lĩnh vực.

Còn tại huyện Chương Mỹ, nhờ đẩy mạnh công tác tiếp dân và quyết tâm của các cấp, ngành mà chính quyền địa phương đã giải quyết, có kết luận 221/226 vụ việc thuộc thẩm quyền. Đáng chú ý, lãnh đạo huyện đã quan tâm chỉ đạo giải quyết triệt để nhiều vụ việc, trong đó có vụ việc kéo dài 8-10 năm như các đơn, thư liên quan đến dự án cầu Văn Phương, cầu Hòa Viên. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chương Mỹ Tạ Quang Được đánh giá: Để tạo chuyển biến trong công tác này, các đơn vị cần thực hiện tốt việc tiếp dân, phân công rõ cán bộ phụ trách, tăng cường công tác giám sát của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể...

Theo đánh giá của Thanh tra thành phố, qua việc giải quyết KNTC, các cơ quan hành chính đã kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, góp phần ổn định tình hình và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố.

Theo dõi, đánh giá chất lượng giải quyết lần đầu


Dù đạt được kết quả tích cực, song thực tế tại các địa phương vẫn cho thấy còn một số hạn chế phải sớm khắc phục. Đó là việc phân loại, xử lý đơn của một số đơn vị chưa chính xác, nhất là ở cấp cơ sở; việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, quyết định xử lý tố cáo ở một số nơi chưa kịp thời. Chưa kể, một số vụ KNTC để quá hạn, tồn đọng gây bức xúc trong nhân dân. Ngay trong những ngày đầu năm 2017, Đoàn kiểm tra công vụ của Sở Nội vụ đã phát hiện phòng tiếp công dân của một số đơn vị còn đóng cửa trong giờ hành chính; sổ nhật ký tiếp công dân ghi thiếu thông tin, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về Luật Tiếp công dân…
Trước những bất cập này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu các đơn vị phải theo dõi chất lượng trong giải quyết lần đầu, đồng thời cần thực hiện đúng các kết luận của thành phố đối với các vụ việc. Đồng thời, các đơn vị cần thống kê tỷ lệ đạt yêu cầu trong giải quyết lần đầu của các cơ sở, qua đó đánh giá chất lượng giải quyết cũng như trách nhiệm của người phụ trách địa bàn.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch, Thanh tra TP Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các đơn vị trong việc tiếp dân, xử lý đơn và giải quyết KNTC để chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, yếu kém, phấn đấu đạt tỷ lệ giải quyết trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh. Như vậy, để làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, theo yêu cầu của lãnh đạo thành phố, các đơn vị cần thực hiện nghiêm túc ngay từ việc bố trí địa điểm, lịch tiếp công dân. Đặc biệt, thủ trưởng các đơn vị phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với công tác này để tập trung chỉ đạo, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền từ cơ sở, không đùn đẩy, né tránh.

Năm 2016, toàn thành phố đã tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 2.193 vụ khiếu nại, đã giải quyết 1.986 vụ (đạt 90,5%); tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 985 vụ tố cáo, đã giải quyết 832 vụ (đạt 85%). Qua giải quyết KNTC kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 2.855 triệu đồng, 24.162m2 đất; thu hồi 27 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trả lại quyền lợi cho công dân 2.770 triệu đồng và 373m2 đất; kiểm điểm trách nhiệm 38 tập thể và 130 cá nhân để xảy ra sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 6 vụ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.