Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm tựa của trách nhiệm

Long Hà| 27/02/2017 06:50

(HNM) - Tuần qua, dư luận cả nước hết sức hoan nghênh việc TP Hồ Chí Minh tăng cường những hoạt động nhằm lập lại trật tự giao thông đô thị...

Tuần qua, dư luận cả nước hết sức hoan nghênh việc TP Hồ Chí Minh tăng cường những hoạt động nhằm lập lại trật tự giao thông đô thị. Nổi bật nhất là việc Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải đã trực tiếp 4 lần xuống hiện trường chỉ đạo xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, đỗ xe sai quy định cho dù đó là của cá nhân hay cơ quan nhà nước. “Tất cả đều phải công bằng hết" và "Nếu không làm được tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa, chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi, để nổi tiếng" - những câu nói cùng hành động chỉ đạo quyết liệt trên thực tế của ông Hải đã thể hiện cao độ trách nhiệm của một công bộc, khiến đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ.

Việc một phó chủ tịch quận trực tiếp xuống cơ sở lập lại trật tự lòng lề đường, đương nhiên đồng nghĩa với lãnh đạo các phường tại quận này đã chưa hoàn thành trách nhiệm của mình trước dân. Nhưng thực tế này cũng đặt ra nhiều câu hỏi khác: Vì sao ông phó chủ tịch quận làm được, mà chủ tịch phường thì không? Phải chăng vì ông Hải có "ô dù" to nên dám làm mà không sợ ai đó trả thù và trù dập?

Như bao công chức khác, chức trách hàng đầu của ông Đoàn Ngọc Hải là thi hành công vụ. Nhưng khác với nhiều "công bộc" khác - ông Hải xác định trách nhiệm của mình rõ hơn, nên tự tìm cho mình những "điểm tựa" để vượt qua những trở ngại khi thực thi nhiệm vụ.

Điểm tựa đó trước hết xuất phát từ hệ thống các văn bản pháp quy của các cấp về xử lý vi phạm trật tự giao thông và quản lý đô thị. Cùng hợp lực thêm là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp triển khai kế hoạch an toàn giao thông vào chiều 17-2: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đang tràn lan các tuyến đường khiến người dân rất bức xúc. "Lãnh đạo 24 quận, huyện phải quyết liệt "trả lại" vỉa hè cho người đi bộ. Phải xuống hiện trường làm mới có hiệu quả. Không chỉ ra chỉ thị, phương hướng rồi sau đó tổng kết chung chung thì đâu lại vào đấy". Điểm tựa đó được tạo dựng trên thực tế kết quả hơn một tháng rưỡi lãnh đạo quận 1 đã quyết liệt trực tiếp xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè và đạt những kết quả bước đầu, được người dân rất hoan nghênh.

Chính quyết tâm tìm cách giải tỏa bức xúc, mang lại niềm vui cho người dân - nên ông phó chủ tịch quận 1 mới tự tin và mạnh mẽ đặt cược chức vụ và uy tín cá nhân mình trong khi thi hành công vụ như vậy.

Dựa vào dân, làm hết sức mình vì hạnh phúc của dân là một thái độ mẫu mực của công chức và rất đáng ghi nhận!

2. Hơn một năm qua, các cấp chính quyền của Thủ đô thực hiện tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính theo tinh thần 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Thành phố cũng đã và đang quyết tâm đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính theo hướng lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ.

Những kết quả đạt được trong năm qua bước đầu đã khá rõ nét. Nhưng cũng còn không ít chuyện đáng buồn về công chức ở nhiều nơi: Làm việc riêng trong giờ hành chính trong khi dân đang chờ, là việc đáng lý giải quyết chỉ 10 phút nhưng kéo dài tới 30 phút...

"Lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ" - đồng nghĩa nền hành chính phải chuyển từ "duyệt, cho" sang "phục vụ"; mỗi công chức, viên chức phải chuyển vai trò, vị trí từ "người ban phát" sang thành "người công bộc" phục vụ tốt mọi nhu cầu của cá nhân và tổ chức.

Năm 2017 là "Năm kỷ cương hành chính" - đồng nghĩa kỷ cương, trật tự hành chính sẽ phải thực hiện tốt hơn; nguyên tắc "5 rõ" và "1 đầu mối" phải tiếp tục thấm sâu hơn, trách nhiệm thực thi công vụ phải được nâng cao hơn. Việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội cũng như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng hứa hẹn tạo thêm động lực và quyết tâm mới để vượt lên hạn chế nội tại, nêu cao trách nhiệm. Việc UBND thành phố quyết định tổ chức làm việc vào sáng thứ bảy hằng tuần để giải quyết thủ tục hành chính cũng là một minh chứng rõ nét về sự chuyển biến trong mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Nhưng nếu chỉ dừng ở các quy định với những sức ép như vậy thì chưa đủ, chưa bền. Rất cần phải có những điểm tựa để trách nhiệm công chức luôn tỏa sáng đến cùng và mang lại hiệu quả vững bền. Điểm tựa đó, không gì khác - chính là niềm vinh dự được phục vụ dân và niềm tin nhận về từ người dân. Điểm tựa vững chắc sẽ tạo ra niềm tin mạnh mẽ, sâu sắc vào hiệu quả như Ácsimét, nhà bác học vĩ đại của Hy Lạp từng nói: "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả trái đất lên".

Dựa vào dân, mang lại niềm vui cho dân - luôn là phương châm hành động, là trách nhiệm của mỗi công bộc và cả bộ máy chính quyền!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm tựa của trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.