Theo dõi Báo Hànộimới trên

Y đức là tận tâm với nghề, tận tình với bệnh nhân

Trần Huyền - Lê Ngân| 27/02/2017 18:40

(HNMO) - Dù áp lực công việc rất lớn, cộng thêm những khó khăn về nhân lực và cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sỹ tại Bệnh viện Tim Hà Nội vẫn luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy với công việc, lòng tận tâm với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Có mặt tại cơ sở 1 của Bệnh viện Tim Hà Nội (92 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm) trong ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), chúng tôi mới thấy được sự bận rộn, vất vả của các bác sỹ, y tá và điều dưỡng nơi đây. Dù đúng vào ngày truyền thống của nghề, họ vẫn tất bật với công tác khám chữa bệnh, thăm hỏi và động viên người bệnh.

Cũng như những bệnh viện khác, các bác sỹ và nhân viên tại đây đã quá quen thuộc với hình ảnh bệnh nhân ra vào tấp nập hay ngồi đợi trên những hàng ghế dài. Tuy nhiên, việc bệnh nhân và người nhà phải đứng, hay ngồi la liệt dưới đất hầu như không xảy ra ở Bệnh viện Tim Hà Nội, vì các nhân viên luôn túc trực, kịp thời bổ sung thêm ghế để mọi người được thoải mái trong thời gian chờ khám bệnh, lấy thuốc.

Ngoài việc tạo điều kiện tối đa cho bệnh nhân và người nhà trong quá trình thăm khám, đội ngũ y bác sỹ tại Bệnh viện Tim Hà Nội còn luôn chủ động quan tâm sát sao đến những hoàn cảnh khó khăn. Em Đỗ Thị Hiền (15 tuổi) được phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh từ năm 2014. Quãng thời gian 3 năm điều trị là những tháng ngày em phải ở viện nhiều hơn ở nhà. Em cũng buộc phải bỏ dở việc học vì căn bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

“Biết được hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, bệnh của cháu đòi hỏi phải chữa trị lâu dài nên các bác sĩ đã tạo điều kiện để gia đình có thể yên tâm chữa trị. Trong 5 lần phẫu thuật tại bệnh viện, cháu được may mắn mổ miễn phí 4 lần. Các bác sĩ vẫn luôn liên tục động viên gia đình cố gắng và không cần lo nghĩ về viện phí” - chị Phạm Thị Thảo (mẹ Hiền) bộc bạch.

Là một trong những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại viện, em Đỗ Thị Hiền rất vui vì luôn nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời của các điều dưỡng.


Buộc phải nghỉ học sớm để chữa bệnh nên Hiền rất nhớ sách vở. Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi giữa những lần truyền thuốc, em thường đọc sách. Thấu hiểu lòng hiếu học của Hiền, các điều dưỡng vẫn thường đến chia sẻ, động viên và giảng bài cho em mỗi khi có thời gian rảnh rỗi vào buổi tối.

Chị Thảo cho biết, dịp lễ Tết nào các bác sỹ cũng quan tâm và tới tặng quà. Hai mẹ con chị được tặng phiếu cơm miễn phí hằng ngày.

“Suốt 3 năm ròng rã chữa bệnh, cũng có những lần bản thân mệt mỏi vì cuộc chiến với bệnh tật của cháu. Nhưng mỗi lần nghĩ đến sự giúp đỡ nhiệt tình từ các bác sỹ, điều dưỡng, gia đình tôi lại cảm thấy rất ấm áp, có thêm động lực trong cuộc sống” - chị Thảo rưng rưng.

Quan sát tại khu vực cấp cứu của Bệnh viện, chúng tôi nhận thấy không khí làm việc khẩn trương, đầy trách nhiệm của các bác sỹ và điều dưỡng. Đây là khoa chịu nhiều áp lực nhất vì số lượng bệnh nhân đông, lại phần lớn là những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khẩn cấp nên đội ngũ y bác sỹ tại đây luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, cũng như sự chuyên nghiệp.

Chia sẻ về áp lực trong công tác chăm sóc bệnh nhân, điều dưỡng Nguyễn Thị Mai (phòng hồi sức cấp cứu) chia sẻ: “Dù rất vất vả, nhưng tình trạng người bệnh có chuyển biến tốt chính là niềm vui, động lực cho chúng tôi. Chỉ cần có lòng nhiệt huyết, quan niệm sống vì bệnh nhân thì áp lực nào cũng có thể vượt qua được”.

Dù công việc rất vất vả và áp lực, đội ngũ y bác sĩ tại viện Tim Hà Nội chưa bao giờ vì thế mà lơi lỏng trách nhiệm với nghề, sự tận tụy vì người bệnh


Về khối lượng công việc tại Bệnh viện, bác sỹ Lâm Thị Hoài Thu, Phó Đơn nguyên Khám bệnh - Phòng khám bệnh theo yêu cầu cho biết: “Khối lượng công việc của các bác sỹ tại Bệnh viện Tim Hà Nội lớn hơn so với những bệnh viện khác. Do số lượng bác sỹ còn chưa đáp ứng kịp số lượng bệnh nhân nên chúng tôi ngoài khám bệnh tại phòng khám, còn khám cả cho các bệnh nhân nội trú. Ở thời kỳ cao điểm, một bác sỹ ngoài phụ trách Phòng khám còn theo dõi, kiêm nhiệm khám cho từ 10-15 bệnh nhân ở các phòng, khoa khác”.

Lịch làm việc thường ngày của mỗi bác sĩ bắt đầu ngay từ sáng sớm. Sau khi khám bệnh trên khoa điều trị, bác sỹ bắt đầu nhận sổ khám bệnh tại phòng khám tự nguyện. Đến trưa, bác sỹ lại lên khoa điều trị để kiểm tra việc uống thuốc và tiến triển của các bệnh nhân. Lịch khám buổi chiều cũng lặp lại như buổi sáng nên lượng công việc trong ngày không lúc nào giảm đi.

“Cường độ công việc cao nhưng bệnh nhân đã vào chờ khám thì bác sỹ không thể để bệnh nhân về mà không được khám; càng không được có thái độ cáu gắt hay vòi vĩnh bệnh nhân và gia đình. Bệnh nhân cũng hiểu được áp lực công việc của bác sỹ nên rất hợp tác trong khám, chữa bệnh” - bác sỹ Thu cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Y đức là tận tâm với nghề, tận tình với bệnh nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.