Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng mức cảnh báo với dịch cúm gia cầm độc lực cao

Thu Trang| 04/03/2017 07:04

(HNM) - “Nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm A(H7N9) từ Trung Quốc vào Việt Nam trên người rất cao. Do đó, cần nâng mức cảnh báo dịch cúm A(H7N9) lên mức như đã có ca bệnh xâm nhập”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhấn mạnh và đề nghị  tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống các chủng vi rút cúm gia cầm độc lực cao trên người diễn ra sáng 3-3.

Cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma (Lộc Bình, Lạng Sơn) bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới.


Tiềm ẩn nguy cơ lây sang người

Theo Cục Thú y (Bộ NN& PTNT), từ đầu năm đến nay, dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm vẫn diễn ra rải rác ở các địa phương và có xu hướng tăng so với năm ngoái. Hiện cả nước còn 14 ổ dịch cúm A(H5N1) trên đàn gia cầm tại 10 xã của 6 tỉnh: Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An chưa qua 21 ngày, chưa kể ổ dịch cúm A(H5N6) trên đàn gia cầm ở Quảng Ngãi. Trong khi đó, dịch cúm A(H7N9) trên người và gia cầm đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: "Chúng tôi cập nhật thông tin và thấy rằng, cúm A(H7N9) được phát hiện ở gia cầm và môi trường tại Trung Quốc, gồm các tỉnh giáp đường biên giới với Việt Nam. Cơ quan chức năng ước tính mỗi ngày có khoảng 1.000 - 10.000 lượt người và 100 - 200 lượt phương tiện xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu giáp với Trung Quốc. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã bắt giữ hơn 356 nghìn con gia cầm giống, gần 2.400 con gia cầm thịt, hơn 62 nghìn kilôgam thịt gia cầm và hơn 212 nghìn quả trứng nhập lậu...".

Còn theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 2 tháng đầu năm, tại 29 cửa khẩu quốc tế của Việt Nam đã giám sát trên 90.000 lượt hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc và Campuchia, không ghi nhận trường hợp nào nghi mắc cúm gia cầm ở người. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, điều lo ngại nhất hiện nay là việc gia cầm mắc vi rút cúm A(H7N9) sẽ không có biểu hiện bệnh nên dễ gây tâm lý chủ quan. Bên cạnh đó, dịch cúm A(H7N9) đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, nên giá gia cầm ở nước này sẽ giảm, dẫn đến nguy cơ nhập lậu vào Việt Nam cao. Do đó, đề nghị người dân mua gia cầm ở những nơi rõ nguồn gốc, các hộ buôn bán gia cầm ở đường biên cần tiêu độc, khử trùng để hạn chế dịch xâm nhập.

Bộ Y tế cũng đề nghị TP Hà Nội và tỉnh Lạng Sơn tổ chức diễn tập phòng, chống dịch cúm gia cầm trên người. Ngoài ra, từ đầu tháng 3-2017, Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ Việt Nam triển khai thí điểm test nhanh (xét nghiệm nhanh) vi rút cúm trên gia cầm đối với những người nghi mắc bệnh hoặc những người thường xuyên tiếp xúc với gia cầm tại cửa khẩu Lạng Sơn và chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín). Ngoài ra, Bộ Y tế đã tổ chức đoàn công tác đến các tỉnh biên giới: Lào Cai, Lạng Sơn… để lấy mẫu những người tiếp xúc với gia cầm, lấy mẫu môi trường để xét nghiệm.

Sẵn sàng phương án chống dịch

Ngay trong chiều 3-3, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các đơn vị y tế về công tác giám sát phát hiện, xử lý dịch cúm A(H7N9) cũng như công tác khám và điều trị nếu có trường hợp mắc bệnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, hiện dịch cúm A(H7N9) đã lan ra khỏi biên giới Trung Quốc. Ngày 4-2, Đài Loan (Trung Quốc) đã công bố ca tử vong do nhiễm cúm A(H7N9) đầu tiên sau khi người này trở về từ Quảng Đông. Ngoài ra, trước đó còn có 1 trường hợp người Malaysia và 2 trường hợp người Canada nhiễm cúm A(H7N9), nhưng đều có tiền sử đi về từ các vùng có dịch. Với một địa phương có sự giao lưu lớn, gia cầm nhập lậu khó kiểm soát như Hà Nội, thì nguy cơ dịch xâm nhập là hoàn toàn có thể. Tới đây, Hà Nội sẽ tổ chức diễn tập phòng chống cúm A(H7N9) tại xã Lê Lợi, huyện Thường Tín.

TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị rà soát, điều chỉnh lại kế hoạch phòng chống dịch. Căn cứ vào điều kiện thực tế và đặc điểm của từng địa phương để đưa ra kế hoạch cụ thể, chính xác nhất. Ngoài ra, phía dự phòng phải nâng cao năng lực xét nghiệm, chủ động tiếp nhận, chuyển giao và xét nghiệm xác định cúm A(H7N9).

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Hiền, tại mỗi địa phương cần phải phân công cán bộ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát dịch bệnh và chịu trách nhiệm khi chủ quan để xảy ra ca mắc. Các cơ sở y tế phải xây dựng kế hoạch tiếp nhận điều trị bệnh nhân cúm A(H7N9), từ hướng dẫn quy trình tiếp nhận, cách ly, điều trị đến dự phòng thuốc, hóa chất… Sở Y tế sẽ tiến hành kiểm tra việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện của các đơn vị được giao nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng mức cảnh báo với dịch cúm gia cầm độc lực cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.