Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Quá tải" thi hành án dân sự

Hà Phong| 04/03/2017 07:19

(HNM) - Từ ngày 15-7-2016, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), Bộ Tư pháp, đã triển khai thí điểm hỗ trợ cơ chế “một cửa” yêu cầu thi hành án (THA) trực tuyến, tại 12 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội. Tuy nhiên, số người sử dụng dịch vụ này còn rất khiêm tốn trong khi hầu hết các địa phương đều quá tải về số việc, số tiền phải THA.

Thí điểm cơ chế “một cửa” và hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án tại Cục Thi hành án dân sự Hà Nội. Ảnh: Tuấn Phong


Giảm phiền hà

Để triển khai dịch vụ, Tổng cục THADS cho biết: 100% cơ quan THADS thực hiện thí điểm đã có giao diện, phần mềm hỗ trợ yêu cầu THA trực tuyến trên Trang thông tin điện tử của Cục; phân công cán bộ phụ trách và phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) thực hiện cấp và sử dụng địa chỉ email tiếp nhận hỗ trợ trực tuyến.

Quy trình hỗ trợ trực tuyến yêu cầu THA gồm 7 bước khá đơn giản, gồm: Tiếp nhận yêu cầu THA qua thư điện tử; kiểm tra tính hợp lệ của yêu cầu THA; xác nhận việc nhận yêu cầu THA và đặt lịch hẹn đương sự đến yêu cầu THA trực tiếp (nộp đơn/yêu cầu THA trực tiếp/gửi đơn yêu cầu THA qua đường bưu điện); dự thảo quyết định THA; tiếp nhận yêu cầu THA trực tiếp; ra quyết định THA; phát hành quyết định THA. Như vậy, khi đã được hướng dẫn, hỗ trợ trực tuyến thì đương sự chỉ phải đến cơ quan THADS một lần là có thể nhận được quyết định THA liên quan đến vụ việc của họ. Ngoài ra, quy trình hỗ trợ được thiết kế mở, đương sự có thể lựa chọn chờ để nhận ngay quyết định THA hoặc đăng ký địa chỉ nhận quyết định THA.

Quá trình triển khai, nhiều đơn vị đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thông qua các hình thức như: Gửi thông báo tới các tổ chức tín dụng, ngân hàng (Cục THADS TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng); tuyên truyền nội dung thí điểm thông qua hệ thống loa phát thanh xã, phường, thị trấn (Cục THADS tỉnh Bắc Giang)... Từ việc thí điểm cũng xuất hiện nhiều điểm sáng. Đơn cử tại TP Hồ Chí Minh, ngoài thực hiện thí điểm hỗ trợ trực tuyến, Cục THADS và các Chi cục THADS trên địa bàn cũng tiếp nhận phản ánh những thắc mắc, khiếu nại của đương sự, thông qua hình thức trực tuyến.

Song, dù mô hình được người dân và Tổng cục THADS đánh giá là đã làm giảm phiền hà, thời gian, chi phí cho người có quyền yêu cầu THA, bảo đảm tính minh bạch, đẩy nhanh tiến độ THA nhưng lượng khách hàng sử dụng dịch vụ chưa nhiều. Sau hơn 6 tháng triển khai, 12 địa phương thực hiện thí điểm có 6.131 hồ sơ thủ tục hành chính trong lĩnh vực THADS được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế này.

Nhiều rào cản cần tháo gỡ

Ông Hoàng Anh Dũng (ở phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) cho rằng, thực tế công tác tuyên truyền đến người dân chưa được chú trọng hoặc mới chỉ tập trung vào một số đối tượng nhất định. Chính vì thế, khá nhiều người dân, tổ chức tín dụng chưa biết đến hình thức hỗ trợ THA trực tuyến, mặc dù các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng đang rất nhiều.

Bên cạnh đó, những hạn chế, tồn tại, yếu kém đặt ra trong công tác THADS cũng là những rào cản cần tháo gỡ. Từ đơn tố cáo và kết quả điều tra, khá nhiều vụ khi Tổng cục THADS rà soát lại, thanh tra phát hiện thấy các chấp hành viên vấp phải những lỗi không đáng có. Riêng trong năm 2016, ngành THADS đã kỷ luật 96 trường hợp, tăng 14 trường hợp so với năm 2015. Ngoài ra còn 14 trường hợp đang trong thời gian xem xét trách nhiệm hình sự. Có thể kể đến các trường hợp vi phạm như do thiếu tinh thần trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, sách nhiễu, gây phiền hà cho người được THA, một chấp hành viên sơ cấp của Chi cục THADS huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã bị kỷ luật; Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã ký xác nhận kết quả THA trái quy định của pháp luật...

Bất cập nữa đặt ra trong quá trình THA được các tỉnh, thành phố phản ánh là tình trạng tài sản thế chấp như nhà xưởng, máy móc, thiết bị… đã kê biên, định giá, giảm giá nhiều lần không bán được. Diện tích đất trên thực tế khác so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức THA. Chưa kể, có nhiều bản án tòa tuyên không rõ, có sai sót địa chỉ, sai tên đương sự, không khớp về số hiệu, chủng loại, đặc điểm của tang vật nên không thi hành được.

Theo Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội Lê Quang Tiến, đối với vụ án tham ô, cố ý làm trái tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên) phải bồi thường thiệt hại hơn 100 tỷ đồng nhưng đến nay mới thu hồi được hơn 20 tỷ đồng. Qua xác minh cho thấy, đương sự không còn tài sản để tiếp tục THA. Vì vậy số tiền còn lại thuộc nhóm nợ khó đòi.

Thực tế trên cho thấy, bên cạnh đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin giảm bớt thời gian, thủ tục, chi phí cho người dân thì công tác THA còn cần được tăng cường tuyên truyền, giám sát, nâng cao hiệu quả hoạt động; nhất là cần có sự phối hợp đồng bộ trong THA ngay từ giai đoạn điều tra, xét xử. Đó mới là cách giảm phiền hà cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu THA, đẩy nhanh tiến độ THA bền vững, hiệu quả.

"Năm 2016, Hà Nội còn 1.352 việc phải THADS nhưng chưa có cơ sở giải quyết. Trong đó, người đi tù không có tài sản thi hành là 950 việc, doanh nghiệp giải thể, bỏ trốn, không rõ địa chỉ người phải THA là 402 việc". 

Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội Lê Quang Tiến

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Quá tải" thi hành án dân sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.