Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm mới trong giải quyết nhiệm vụ cũ

Long Hà| 06/03/2017 06:47

(HNM) - 1. Nhiệm vụ cũ ấy là quản lý lòng đường, vỉa hè. Xa hơn là việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và trật tự đô thị.

Lực lượng chức năng tháo dỡ biển quảng cáo vi phạm trên phố Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm).Ảnh: Tùng Lâm


Nói không mới bởi nhiệm vụ ấy, từ lâu, đã được nhắc, được nhấn mạnh trong rất nhiều văn bản của Trung ương cũng như thành phố. Đơn cử như: Đó là các Chỉ thị số 22-CT/TƯ (ngày 24-2-2003), sau đó là Chỉ thị số 18-CT/TƯ (ngày 4-9-2012) của Ban Bí thư Trung ương “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông trong tình hình mới”. Đó còn là những nội dung quy định chi tiết lại Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành...

Với thành phố, có thể kể đến các văn bản: Chỉ thị số 18-CT/TU (ngày 16-8-2007) và gần đây nhất là Chỉ thị số 14-CT/TU (ngày 12-12-2012) của Thành ủy Hà Nội “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và giảm ùn tắc giao thông; quản lý lòng đường, vỉa hè và bán hàng rong trên địa bàn TP Hà Nội". Bên cạnh đó là những chỉ thị của các cấp ủy, là kế hoạch triển khai thực hiện của chính quyền từ thành phố tới xã, phường, thị trấn...

Ngần ấy năm, ngần ấy văn bản; đã nhiều đợt "ra quân" và "cao điểm"; định kỳ có sơ kết, tổng kết, đánh giá; các sở, ban, ngành và các địa phương cũng đã có nhiều cố gắng thực hiện; đặc biệt là 3 năm liền (2014, 2015, 2016) thành phố lấy chủ đề là "Năm trật tự và văn minh đô thị" - kết quả thu về là không hề nhỏ với nhiều mô hình, cách làm hay. Nhưng như đánh giá của Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Đào Thanh Hải (kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo 197 thành phố) tại hội nghị sáng 4-3 vừa qua, một sự thật vẫn rất đáng suy nghĩ: Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp; tình trạng lấn chiếm hè phố, lòng đường làm nơi trông giữ phương tiện, kinh doanh buôn bán gây mất mỹ quan đô thị vẫn còn xảy ra trên nhiều tuyến phố, nhiều địa bàn.

Về nguyên nhân của sự thật nhức nhối này, không gì khác, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 197 thành phố là: "Do công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị của các cấp còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn kém. Trong khi đó, các cấp ủy đảng lại chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng trong lĩnh vực công tác này".

Có thể nói, chính sự chưa quyết tâm của nhiều cấp ủy, cộng với những bất cập trong công tác quy hoạch, đầu tư quản lý... càng khiến cho việc quản lý lòng đường, vỉa hè nói riêng, kết quả bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị nói chung chưa được như mong muốn và không bền vững. Thực tế ấy gây bức xúc cho người dân cũng là tất yếu. Bởi thế, kiên quyết trả lại sự thông thoáng cho lòng đường, vỉa hè để góp phần cải thiện trật tự, an toàn giao thông cũng như tạo nét đẹp văn minh mới cho đô thị không chỉ là "ý Đảng" yêu cầu mà còn là "lòng dân" ngóng đợi.

2. Việc Ban Chỉ đạo 197 thành phố vừa triển khai kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trong năm 2017 là một việc làm thể hiện sự đồng thuận cao của "ý Đảng" với "lòng dân". Những quyết tâm mới trong giải quyết một nhiệm vụ cũ cũng được thành phố xác lập rất mạnh mẽ.

Trước hết, mục tiêu đặt ra cho việc lập lại trật tự đô thị lần này là rất rõ nét: Kiên quyết xử lý khu vực phức tạp gây bức xúc dư luận; các tuyến xuyên trục; các địa bàn giáp ranh... kết hợp với duy trì không để vi phạm tái diễn, qua đó làm chuyển biến rõ nét và bảo đảm tính ổn định, lâu dài.

Đặc biệt, phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung gắn liền với những con số mang sức nặng niềm tin của quyết tâm mới.

Theo đó, có 14 "trọng điểm" gắn với lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và gây mất trật tự đô thị - cần phải tập trung giải quyết:

Thứ nhất là tất cả các cửa hàng bán hàng ăn uống.
Thứ hai là các hàng bán hoa.
Thứ ba là hàng bán hoa quả.
Thứ tư là hàng bán điện máy.
Thứ năm là các quán bán giải khát, chè chén, trà chanh...
Thứ sáu là hàng sửa chữa xe đạp, xe máy.
Thứ bảy là bán đồ da, đồ thời trang.
Thứ tám là bán đồ thể thao, khung ảnh.
Thứ chín là trông giữ xe đạp, xe máy trái phép.
Thứ mười là bán hàng rong: hoa quả, rau, thực phẩm...
Mười một là những điểm bán hàng ngô, khoai, sắn nướng, luộc vào buổi tối.
Mười hai là vứt rác ra đường.
Mười ba là đeo bám khách du lịch.
Mười bốn là giả danh xe buýt, xe thương binh, xe 3 bánh, xe quá tải, quá khổ...

Làm thế nào để giải quyết thành công 14 nhiệm vụ khó khăn mang tính "kinh niên" này?

Những con số trong chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chính là câu trả lời rõ nét nhất, thể hiện quyết tâm mới, cách làm mới nhằm tạo ra hiệu quả rõ nét, lâu bền.

Đó là "3 yêu cầu" - "Thứ nhất là làm phải bài bản, không chỉ ồn ào các đợt ra quân. Thứ hai là phải kiên trì. Thứ ba là phải theo đúng “3 bước cụ thể”.

Đó còn là "3 bước cụ thể" - Bước thứ nhất, tuyên truyền nhắc nhở đến từng gia đình, nhất là những hộ mặt đường (bên cạnh tuyên truyền miệng còn thêm việc thông báo bằng văn bản để từng hộ dân hiểu sâu sắc chủ trương của thành phố và không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tự giác tháo dỡ các công trình sai phạm). Bước thứ hai là tiến hành kiểm tra xem các hộ dân thực hiện ra sao và tiếp tục phân tích, tuyên truyền, nhắc nhở. Bước ba là kiên quyết cưỡng chế và xử phạt vi phạm đối với những trường hợp cố tình không chấp hành.

Giải quyết 14 việc "nóng", tiến hành theo đúng "3 yêu cầu" và "quy trình 3 bước" - tất cả phụ thuộc vào quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ thành phố tới mỗi quận, huyện, xã, phường, thị trấn, trong đó vai trò lãnh đạo của mỗi cấp ủy có ý nghĩa quyết định. Bởi thế, quyết tâm mới ở đây còn là sự kiên quyết xử lý đối với những cá nhân, tập thể nào chùng chình, buông lỏng, thậm chí che chắn, thỏa hiệp cho các hành vi sai trái.

"Không thể vì mấy hộ, vì mấy người bán hàng rong từ các tỉnh, từ ngoại thành vào đây mà để Thủ đô nhếch nhác, đường phố bẩn thỉu thế này được"... "Làm được 14 việc này thì tôi tin là thành phố phong quang hết!" - Niềm tin và quyết tâm của người đứng đầu chính quyền thành phố cũng là niềm tin và quyết tâm mới của bất cứ ai yêu Hà Nội.

Quyết tâm ấy không chỉ nhằm hình thành trong mỗi người dân một lòng yêu Thủ đô, một ý thức tự giác xây dựng thành phố văn minh; hơn thế, còn là để gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa của một mảnh đất có truyền thống nghìn năm văn hiến.

Nếu để mất đi văn hóa - đó sẽ là cái mất lớn nhất!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm mới trong giải quyết nhiệm vụ cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.