Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải phân định rõ trách nhiệm

Hà Phong| 11/03/2017 08:18

(HNM) - Sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, sáp nhập những đơn vị trùng về chức năng hoặc nhiệm vụ là biện pháp được các bộ đã và đang triển khai nhằm ngăn chặn tình trạng “phình” biên chế, giảm đầu mối quản lý. Quá trình thực hiện có bộ làm khá tốt, có nơi còn gặp khó khăn. Mấu chốt ở đây là phải phân định rõ trách nhiệm, chức năng, thẩm quyền của từng bộ...


Nơi hiệu quả, nơi chưa khả thi

Trong quá trình khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) được Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá là “điểm sáng” trong tinh giản biên chế. Trong khi với nhiều bộ, ngành, địa phương, việc thực hiện tinh giản biên chế gặp khó khăn thì từ năm 2011 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện rà soát, phân bổ biên chế được giao cho các đơn vị hành chính, đồng thời sắp xếp, phân bổ biên chế công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu giảm mỗi năm 1,5% tổng biên chế. Số lượng đầu mối đơn vị quản lý nhà nước của Bộ đã giảm 1 cơ quan; số lượng vụ, cục, thanh tra, văn phòng, tổng cục không tăng thêm.

Ngành Giáo dục đã thực hiện giảm biên chế, song chưa nhiều. Ảnh: Nhật Nam



Vì sao là một bộ đa ngành, đa lĩnh vực, khối lượng công việc được giao ngày càng nhiều, nhưng tổ chức bộ máy và biên chế vẫn cơ bản ổn định như vậy? Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, lý do quan trọng là Bộ đã xây dựng vị trí việc làm để tính toán biên chế. Trong 45 đơn vị sự nghiệp đã có 7 đơn vị tự chủ 100%; 28 đơn vị tự chủ một phần và tiến tới sẽ tự chủ hoàn toàn. Với chủ trương rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến sẽ giảm tối thiểu 10% biên chế giai đoạn 2016-2021 (74 công chức).

Trong khi đó, theo kết quả rà soát biên chế công chức, số lượng viên chức và người làm việc của Bộ Giáo dục - Đào tạo: Biên chế công chức hành chính năm 2011 được giao 609 người, thực hiện 546 người; tháng 12-2016 được giao 605 người, thực hiện 504 người. Số lượng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc năm 2011 là 35.077 người, đến tháng 12-2016 là 32.900 người. Số liệu trên cho thấy, việc giảm biên chế viên chức trong ngành Giáo dục đã thực hiện, song chưa được nhiều. Chưa kể, tại một số đơn vị, tỷ lệ lãnh đạo so với chuyên viên, người lao động còn cao. Mặc dù biên chế công chức hiện có là 504 người/605 biên chế được giao, nhưng tại các đơn vị hành chính thuộc Bộ này có đến 136 lao động hợp đồng, trong đó có 40 hợp đồng làm công tác chuyên môn. Điều này không phù hợp với quy định của pháp luật, dẫn đến có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu tinh giản 10% biên chế công chức của Bộ từ nay đến năm 2021.

Còn tại Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù đã triển khai sắp xếp, kiện toàn bộ máy bảo đảm theo các quy định hiện hành, song việc phân cấp quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ chưa chặt chẽ, đồng bộ với việc đổi mới nội dung, phương thức quản lý. Đáng quan tâm, trong bối cảnh nhiều bộ, ngành thực hiện sáp nhập đơn vị sự nghiệp về cơ quan quản lý (tổng cục, cục) để tránh cắt khúc, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại chuyển 4 viện từ các tổng cục về Bộ.

Cần rõ chức năng, thẩm quyền, mối quan hệ

Ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ cho biết, đến ngày 22-2-2017, đã có 20 bộ gửi hồ sơ về Bộ Nội vụ “xin” thẩm định, trong đó chủ yếu đề xuất cho tăng biên chế và đội ngũ. Chỉ có 2 bộ xin giảm biên chế là Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ. Trong đó, Bộ Công Thương đề xuất giảm một tổng cục xuống thành cục. Thực tế cho thấy, không ít bộ, việc tinh giản biên chế mới nhằm đến những trường hợp chỉ còn 1-2 năm là nghỉ hưu; chưa “chạm đến” những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ. Điều này khiến dư luận băn khoăn về quyết tâm tinh giản biên chế ở nhiều bộ, ngành.

Dẫn chứng ở nhiều nước trong khối ASEAN chỉ có 15 bộ, các nước tiên tiến là 12-13 bộ…, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng nên sắp xếp còn 16 bộ. “Trên cơ sở làm rõ việc nào của Nhà nước, việc nào chuyển cho xã hội và doanh nghiệp; Nhà nước không phải làm kinh tế mà chỉ làm chính sách, pháp luật và kiểm soát việc vận hành. Như vậy, chúng ta mới tinh giản được” - ông Thang Văn Phúc nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, PGS.TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, việc sắp xếp lại các bộ thành các bộ đa ngành, đa lĩnh vực vẫn còn tính chất lắp ghép cơ học, chưa đi liền với việc điều chỉnh chức năng, cắt giảm nhiệm vụ. Những hạn chế này dẫn đến tình trạng “Bộ nhỏ trong bộ to” và việc tinh giản biên chế rất khó khăn. Vì vậy, không chỉ đề nghị rà soát, sắp xếp, xác định chính xác, đủ chức năng, thẩm quyền của từng bộ, PGS.TS Lê Minh Thông đề nghị cần xác định rõ mối quan hệ giữa các bộ đa ngành và bộ đơn ngành. Thực hiện được điều này mới mang lại hiệu quả, tránh được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, có những việc các bộ đua nhau quản lý, có những việc không bộ nào quản lý.

Rõ ràng, còn nhiều việc phải làm nhằm xây dựng một nền hành chính tinh gọn, minh bạch, năng động, hiệu quả. Trong đó, nên tổng kết hoạt động của bộ đa ngành một cách căn cơ để từ đó sắp xếp, tái cấu trúc lại chức năng nhiệm vụ của các bộ, bảo đảm đúng nguyên tắc việc chỉ do một bộ chủ trì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải phân định rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.