Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để đường thông, hè thoáng: Quyết tâm tạo chuyển biến

Kim Nhuệ thực hiện| 19/03/2017 07:43

(HNM) - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ 197, ngày 3-3-2017, của Ban Chỉ đạo 197 thành phố là dịp để huyện đánh giá năng lực, trách nhiệm cán bộ về quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, bảo đảm an toàn giao thông...

Đường Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm) tập trung khá nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng. Sắt thép được người kinh doanh bày tràn lan trên vỉa hè gây không ít trở ngại cho người đi bộ (ảnh chụp hồi 11h ngày 18-3-2017) - Ảnh: Bùi Tuấn


- Năm nào huyện Chương Mỹ cũng tổ chức các đợt ra quân kiểm tra, xử lý, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị nhưng kết quả chưa mong muốn. Sau những đợt ra quân, vẫn xảy ra tình trạng tái lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng, đỗ phương tiện... Nguyên nhân là một số đơn vị, địa phương chưa chủ động xây dựng kế hoạch xử lý, giải tỏa gắn với chống lấn chiếm, có nơi thực hiện mang tính hình thức; trong quá trình xử lý vi phạm còn nể nang, chưa nghiêm minh… Điều này không chỉ gây lãng phí, giảm hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước mà còn dẫn đến tình trạng “nhờn” luật.

- Vậy, lần ra quân này có gì khác biệt, thưa ông?

- Khắc phục hạn chế của những lần ra quân trước đây, huyện yêu cầu 32 xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giải tỏa phải gắn với việc xây dựng phương án duy trì, chống tái lấn chiếm, trong đó chú trọng tuyên truyền, kiên trì vận động nhân dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Sau bước tuyên truyền, vận động lực lượng liên ngành của huyện mới tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, xử lý giải tỏa vi phạm (bắt đầu từ ngày
25-3). Đối với địa bàn trọng điểm như tuyến quốc lộ 6, đoạn qua chợ Đông Phương Yên, chợ Gốt, chợ Chúc Sơn… huyện sẽ hỗ trợ các xã, thị trấn kinh phí, lực lượng, phương tiện để quản lý, xử lý vi phạm trong thời gian 30 ngày. Sau khi được bàn giao, nếu xã, thị trấn nào để xảy ra tái lấn chiếm thì chủ tịch, trưởng công an đơn vị đó chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định.

- Xin ông cho biết những kết quả ban đầu?

- Hiện nay, 32 xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch; các ngành, đoàn thể đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng; tự giác tháo dỡ công trình vi phạm… Qua công tác nắm tình hình dư luận, phần lớn nhân dân trên địa bàn huyện ủng hộ chủ trương giành lại vỉa hè cho người đi bộ. 100% hộ có nhà ở dọc các trục đường lớn, kinh doanh tại khu vực các chợ: Đông Phương Yên, Gốt, Cống, Chúc Sơn, Thượng Vực… đã ký cam kết không lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, xả rác ra nơi công cộng…

Tuy nhiên, còn một số trường hợp cố tình không chấp hành. Lực lượng liên ngành của huyện đã xử lý 111 hộ vi phạm, tháo dỡ, giải tỏa 22 lều quán tạm, 150m2 mái che, mái vẩy, thu giữ 40 biển quảng cáo vi phạm hành lang an toàn giao thông, lập biên bản xử lý 202 phương tiện dừng đỗ sai quy định… Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết tâm duy trì kết quả lập lại trật tự đô thị.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để đường thông, hè thoáng: Quyết tâm tạo chuyển biến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.