Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Cần tạo đột phá mới trong phòng chống tham nhũng

Nhóm phóng viên| 25/03/2017 08:10

(HNM) - Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng của Chính phủ chỉ rõ, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, ngành, lĩnh vực. Tại nhiều cuộc tiếp xúc, cử tri bày tỏ lo ngại, việc chưa có cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn một cách hiệu quả không khác gì “ra trận mà không có súng”. Cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó thể chế phải là khâu đột phá, mới nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng.


Lấp những “kẽ hở”

“Nếu là bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy hoặc chủ tịch tỉnh, tôi không dại gì để tài sản đứng tên mình” - TS Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu tại một hội thảo về thể chế chống tham nhũng. Theo TS Nguyễn Đình Quyền, cơ chế, pháp luật hiện nay không thể kiểm soát được “đường đi” của các khối tài sản “khủng”, được che giấu tinh vi. Việc thiếu chế tài giám sát các khoản thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn dẫn đến nhiều vấn đề nảy sinh. Nhiều địa phương không phát hiện ra trường hợp nào sai phạm về tặng quà và quà tặng, không phát hiện trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực và có nhiều địa phương không xử lý trường hợp nào về tham nhũng nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Đáng quan tâm hơn, kết quả thu hồi tài sản của Nhà nước sau khi xét xử các vụ án chưa nhiều. Điển hình như vụ Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cho thuê tài chính II, cùng 10 đồng phạm gây thiệt hại hơn 531 tỷ đồng, mới chỉ thu hồi được 5,8 tỷ đồng. Đối với vụ án tham ô, cố ý làm trái tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines mới chỉ thu hồi được 1/5 số tiền phải thi hành.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, để phát hiện và phòng ngừa tham nhũng, trước hết phải phòng ngừa tham nhũng chính sách. Ngay trong các đạo luật, các biện pháp, giải pháp phải hạn chế thấp nhất kẽ hở và khả năng tạo ra cơ chế “xin - cho”. “Muốn kiểm soát được tài sản, phải đưa vào thiết chế tất cả những giao dịch của mọi chủ thể trong xã hội có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên nếu không qua ngân hàng thì được coi là bất hợp pháp…” - ông Nguyễn Đình Quyền đề xuất.

Từ vụ việc của Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin, cử tri đặt câu hỏi, tại sao một cán bộ chức vụ không cao, chỉ trong một thời gian ngắn (tháng 5-2006 đến 6-2008) lại dễ dàng tham nhũng một số lượng tài sản "khổng lồ" đến thế? Có lợi ích “nhóm” dẫn đến buông lỏng quản lý hay không? Thủ đoạn Giang Kim Đạt sử dụng để đối phó với cơ quan chức năng là chuyển hóa khối tài sản khổng lồ cho người thân, nhưng các cơ quan chức năng lại không dễ “điểm mặt, chỉ tên, thu hồi”. Do đó, cử tri đề nghị cần mở rộng đối tượng kê khai và công khai tài sản của người thuộc diện kê khai trước cơ quan, đơn vị, nhất là ở khu dân cư thay vì chỉ công khai trong nội bộ cơ quan, không gắn với trách nhiệm giải trình như hiện nay.

Để huy động được tai mắt của nhân dân, luật sư Cao Minh Vượng, Đoàn luật sư Hà Nội đề nghị, Thanh tra Chính phủ xây dựng cơ chế bảo vệ người tố cáo cụ thể, chặt chẽ. Còn như hiện nay, đầu mối tiếp nhận thông tin lỏng lẻo, không có quy trình nào bắt buộc phải trả lời các kiến nghị, phản ánh công khai, minh bạch nên người dân có cảm giác đơn độc trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Cả hệ thống chính trị cùng hành động

Việc chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) là rất cần thiết để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật PCTN (sửa đổi). Chính phủ khẳng định, Luật sửa đổi sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về công khai, minh bạch theo hướng làm rõ loại thông tin phải chủ động công bố, công khai; phương thức, phạm vi, thời gian công bố, công khai; mở rộng nội dung thông tin cung cấp theo yêu cầu, theo hướng tăng cường tính tự giác và chế tài nghiêm khắc. Luật sẽ hoàn thiện và quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN theo hướng rõ ràng, cụ thể hơn nhằm đề cao ý thức trách nhiệm, tăng cường khả năng tự quản lý, tự phát hiện, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong đấu tranh với loại tội phạm này.

Cùng với sửa đổi luật, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao trong công tác PCTN, nhất là từ đầu nhiệm kỳ đến nay: Kiên quyết không khoan nhượng, không chùn bước và tấn công quyết liệt vào tội phạm tham nhũng, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã và đang chỉ đạo cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm những giải pháp PCTN, nhất là xây dựng thể chế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải phát huy vai trò của cơ quan điều tra, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ sai phạm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; trước mắt tập trung xử lý dứt điểm các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội và nhân dân quan tâm…

Cùng với những giải pháp và tinh thần vào cuộc quyết liệt của Trung ương, các địa phương đang huy động cả hệ thống chính trị, cơ quan báo chí, đặc biệt là nhân dân tham gia PCTN. Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Huy cho biết, ngay trong năm nay, Ban Nội chính Thành ủy sẽ tham mưu xây dựng và ban hành quy chế quy định người đứng đầu cấp ủy các cấp thực hiện việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin; đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là các vụ việc nổi cộm, bức xúc tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Cũng trong năm 2017, phấn đấu hoàn thành cơ chế, hướng dẫn bảo vệ người phản ánh, tố giác, đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Chỉ khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, thể chế có những đột phá, công tác PCTN mới mang lại kết quả như mong muốn, góp phần làm triệt tiêu nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Cần tạo đột phá mới trong phòng chống tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.