Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cây cổ thụ gãy đổ sau cơn dông nhỏ: Loại bỏ mối nguy từ cây xanh

Hương Ly| 01/04/2017 08:20

(HNM) - Sự việc hai cây cổ thụ đổ sau một trận dông, lốc nhỏ sáng 31-3 cho thấy yêu cầu phải rà soát toàn bộ cây xanh trên địa bàn Hà Nội trước mùa mưa bão năm 2017 là hết sức quan trọng.


Chiếc ô tô 4 chỗ bị cây đè trên đường Phan Huy Chú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Minh Dũng


Mối nguy hiểm mang tên: Cây đổ

Sáng 31-3, trận dông, lốc bất ngờ đã khiến một cây to trên vỉa hè phố Phan Huy Chú (quận Hoàn Kiếm) gãy đổ, đè bẹp một chiếc xe ô tô, nhưng rất may không ai bị thương. Cùng thời điểm này, tại Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ), một cây cổ thụ đổ gục trong sân trường làm 4 học sinh bị thương.

Ghi nhận của phóng viên tại Trường THPT Chu Văn An chiều 31-3, cây cổ thụ gãy đổ nhìn bên ngoài vẫn xanh tốt. Và theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, cây xà cừ bị gãy đổ có tuổi thọ trên 100 năm, với chu vi thân khá lớn. Thế nhưng, cây đổ đã để lộ bộ rễ hầu như mục hoàn toàn, vì thế khi gặp trận dông, lốc không mạnh lắm đã bị gãy đổ.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, cô giáo Lê Mai Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho biết, cơn dông xảy ra khoảng 8h sáng và cây đổ đúng giờ học sinh ra chơi đã làm 4 học sinh bị thương, trong đó có em Nguyễn Gia Linh, học lớp 10 tiếng Nhật bị gãy xương tay trái và chân trái phải phẫu thuật khẩn cấp. Các học sinh còn lại sau khi được đưa tới bệnh viện khám đã về nhà nghỉ ngơi do chỉ bị sây sát phần mềm.

Theo cô Mai Anh, vụ tai nạn xảy ra ngoài sức tưởng tượng vì bên ngoài nhìn cây rất bình thường. "Nhà trường mong nhận được sự tư vấn của Công ty Công viên cây xanh trong việc rà soát, chăm sóc các cây cổ thụ còn lại trong khuôn viên trường để phòng ngừa rủi ro đáng tiếc xảy ra", cô Mai Anh chia sẻ.

Ngay khi nhận được thông tin cây đổ, công nhân Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để xử lý. Đến khoảng 10h cùng ngày, cây xà cừ bị đổ trên phố Phan Huy Chú đã được di chuyển, trả lại đường thông, hè thoáng. Tại Trường THPT Chu Văn An, chiều cùng ngày cây gãy đổ cũng được cắt xẻ, vận chuyển về kho lưu giữ của thành phố.


Cơ quan chức năng khắc phục hậu quả vụ cây đổ.


Phải rà soát toàn bộ cây xanh

Sự việc hai cây cổ thụ đổ sau một trận dông, lốc nhỏ cho thấy yêu cầu phải rà soát toàn bộ cây xanh trên địa bàn Hà Nội trước mùa mưa bão năm 2017 là hết sức quan trọng nhằm sớm loại bỏ nguy cơ cây gãy, đổ gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân. Theo ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, hằng năm Sở đều yêu cầu Ban giám hiệu các trường rà soát, kiểm tra cây xanh trước mùa mưa bão nhằm bảo đảm an toàn trường học. Năm học này, Trường THPT Chu Văn An đã thực hiện 2 đợt cắt tỉa cây xanh, song cây xà cừ gãy đổ có phần rễ chìm mục, khó có thể nhận biết bằng mắt thường. Sau sự cố đáng tiếc này, Sở mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Công ty Công viên cây xanh để rà soát, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên tất cả các trường học.

Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, việc rà soát, cắt tỉa và chặt hạ những cây nguy hiểm là việc làm liên tục và thường xuyên của Công ty. Song thực tế có nhiều cây nhìn bên ngoài xanh tốt nhưng phần rễ bên trong đã sâu mục. Trên nhiều tuyến phố hiện nay còn có tình trạng cây do người dân tự trồng nên không ra hàng lối, chiếm dụng vỉa hè, đặc biệt có nhiều cây nghiêng ra đường, cây trồng nông gốc tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ. Trong khi đó, thực tế với công nghệ hiện đại đã cho phép chúng ta thực hiện việc di dời an toàn cây xanh đến nơi phù hợp. Việc này đã được thực tế chứng minh qua hoạt động di chuyển hàng cây trên phố Kim Mã nhằm phục vụ xây dựng tuyến đường sắt nội đô. Vì thế, việc rà soát, kiểm tra "sức khỏe" cây xanh là cần thiết và phải thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời di chuyển, loại bỏ kịp thời các cây không đủ an toàn. Về lâu dài, chúng ta cũng cần có quy hoạch chuẩn hệ thống cây xanh đô thị vừa tạo cảnh quan không gian vừa bảo đảm an toàn.

Trước mắt, các đơn vị liên quan cần khẩn trương có phương án, kế hoạch phòng, chống và xử lý kịp thời ứng phó với bão mạnh, siêu bão, đặc biệt là xử lý các cây xanh nguy hiểm để bảo đảm an toàn giao thông, an toàn cho người dân và giảm thiệt hại từ nguy cơ gãy, đổ của hệ thống cây xanh trong mùa mưa bão sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây cổ thụ gãy đổ sau cơn dông nhỏ: Loại bỏ mối nguy từ cây xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.