Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tâm thư của một cựu chiến binh từng được người dân Đồng Tâm đùm bọc

Trần Ngọc Minh| 21/04/2017 16:52

(HNMO) - Mấy ngày nay, dư luận đặc biệt chú ý về vụ việc một số người quá khích ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm cản trở thực hiện dự án A1 tại sân bay Miếu Môn, bắt giữ một số cán bộ huyện Mỹ Đức và Công an thành phố Hà Nội. Trong số những dòng thư gửi về Hànộimới có rất nhiều suy nghĩ, tâm sự của những người thân phương xa từng gắn bó với Đồng Tâm.

Bình Dương ngày 21-4-2017

Anh Ngọc thân mến!

Cứ vào dịp tháng 4 hàng năm, chắc anh cũng như tôi và hàng triệu các cựu chiến binh cùng nhân dân cả nước hân hoan mừng ngày Chiến thắng 30-4, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Ngày non sông đất Việt thu về một mối đã 42 năm! Tôi chưa kịp chia sẻ những câu chuyện vui và hoạt động tình nghĩa của Ban liên lạc Trung đoàn tại Bình Dương với anh thì đã phải nhắc đến chuyện không vui ở quê mình - câu chuyện xảy ra ở Đồng Tâm, “quê hương thứ hai” của chúng ta. Tôi buồn lắm, chắc anh cũng chẳng sung sướng gì, khi đang vật vã chống lại vết thương tái phát, mảnh đạn còn găm trong lồng ngực, nay phải chà xát bởi nỗi đau vết thương lòng với quê hương, phải không anh?

Hồi đó, đã 45 - 46 năm rồi, anh nhỉ? Tôi vừa rời quê mẹ - Thành phố cảng rực màu hoa phượng đỏ lên Thủ đô nhập trường đại học chưa đầy năm, rồi nhập ngũ. Chúng mình gặp nhau cũng tình cờ, xúng xính trong bộ quần áo lính mới rộng thùng thình thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 743, Trung đoàn 12 Hà Tây rồi được chuyển sang Tiểu đoàn huấn luyện đặc công Sư đoàn 305 đóng quân trên đất quê mình - Xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Tôi, anh và Trung “bã” - Tổ ba người, ở nhà mẹ Tư. Mẹ có một anh đi chiến trường B từ năm 1970, chưa nhận được một lá thư nào gửi về.

Tôi nhớ nhà, vào phiên gác đêm, ôm khẩu CKC dài gần bằng người, khóc thút thít xin Đại đội trưởng cho về thăm mẹ! Anh có vẻ rắn rỏi hơn tôi, nhưng đọc thư anh gửi về cho mẹ, tôi biết anh cũng nhớ quê, nhớ mẹ, nhớ em ruột lắm! Anh nhớ không, mỗi buổi tập luyện mệt muốn đứt hơi, từ thao trường về, đã thấy mẹ Tư gọi ba thằng mình vào bếp, dúi cho mỗi đứa một khoanh sắn nóng bở tơi. Anh bảo tôi: “Mẹ Tư có dáng người, tính nết giống hệt mẹ anh.” Mẹ là nông dân thứ thiệt, hiền lành, lam lũ , tốt bụng. Tôi sực tỉnh, quan sát kỹ: Mẹ Tư có vóc người nhỏ thó, lưng hơi còng, quần vải đen, áo gụ bạc màu, khăn đen vấn tóc, cũng giống mẹ tôi đến kỳ lạ. Chỉ khác, mẹ tôi sinh ra ở phố, không nhuộm răng đen.

Trời ơi, làm sao tôi quên được mùi thơm của sắn đồi, chè xanh nấu nước giếng đá ong vàng sánh như mật, trưa hè uống vào đến đâu biết đến đó, mát lòng mát dạ, mát thấm đến tận ruột gan. Trung “bã” có khiếu thơ văn, hay nói chữ: “Chúng mình uống tấm lòng mẹ Tư, uống tấm lòng bà con Đồng Tâm đấy, các cậu ạ!” Chà, cậu Trung “ba toác” mà có lúc cũng nghiêm túc lạ? Ngẫm lại, cậu ta đúng! Một thời chiến tranh gian khổ, lũ tân binh chúng tôi, cả các tiểu đội khác, Tiểu đoàn 743, Trung đoàn 12 sống trong tình thương của các mẹ như mẹ Tư và sự đùm bọc, chở che của bà con, cô bác huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm!

Anh Ngọc thân!

Tôi nhớ như in lần về thăm quê hương Đồng Tâm nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng miền Nam 30 - 4. Mẹ Tư già quá rồi, mắt không nhìn rõ con cháu. Mẹ hỏi: “Thằng Ngọc, thằng Minh về thăm u đây à? Còn thằng Trung đâu?” Chúng mình nghẹn giọng, không dám trả lời. Trung “bã” và con trai mẹ đã hy sinh ở Mặt trận B2 miền Đông Nam bộ.

Đêm trăng hôm đó, chúng mình dự buổi giao lưu lớp tuổi trẻ giữa Đoàn thanh niên xã và Đoàn thanh niên Quân đội đóng quân trên địa bàn, quân - dân đoàn kết. Anh còn đưa anh em chúng tôi về Ngọc Hồi, Đông Mỹ, Thanh Trì thăm Sư đoàn 305; đi thăm Khu du lịch Quan Sơn, chùa Hương, chùa Thầy, làng dệt Phùng Xá, trận địa phòng không “Cô gái Tuy Lai, chàng trai Cồn Cỏ”… Ôi, thật tự hào không khí hòa hùng, vùng đất đá ong và tấm lòng thơm thảo của quê hương ta một thời đánh Mỹ và thắng Mỹ cũng bởi sức dân như nước, tận trung với cách mạng!

Tôi không tin ở mắt mình khi đọc những dòng chữ của báo chí và mạng xã hội về chuyện xảy ra ở quê nhà: Người dân khiếu kiện tranh chấp đất đai kéo dài? Một số người quá khích bắt giữ cán bộ, chiến sĩ công an? Dùng vật cản ngăn đường làng, ngõ xóm? Ngăn cản con em đến trường lớp? vv…

Anh Ngọc ạ!

Thế là cuộc sống bình yên của cư dân Đồng Tâm bị xáo trộn, ngăn đường cấm chợ, người nọ nghi ngờ người kia, lòng dân không yên thì làm sao yên ổn làm ăn? Con trẻ có tội tình gì mà bắt chúng phải lao vào vòng xoáy những toan tính của người lớn, nếu học hành sa sút, chúng sẽ làm sao để bằng chị, bằng em? Anh em công an kia cũng chỉ trạc tuổi anh em mình thuở cầm súng đánh Mỹ, họ đang thực thi nhiệm vụ, sao lại vô cớ bắt giữ họ? Nếu mẹ Tư còn sống, chắc mẹ chẳng vui lòng đâu, anh nhỉ? Và liệu có ai, là một hay vài người đang có những hành động quá khích đã một thời là đồng đội của tôi và anh?

Tôi rất mừng trước thái độ thẳng thắn nhìn thẳng vào sự việc, kiên trì thuyết phục, mềm mỏng đối thoại với người dân Đồng Tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Ông Chủ tịch UBND thành phố đã hứa “sẽ đối thoại và trực tiếp lắng nghe nguyện vọng của người dân”; ban hành Quyết định thành lập Đoàn Thanh tra toàn diện việc quản lý diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới xã Đồng Tâm hoàn thành trong vòng 45 ngày. Đó là dấu hiệu đáng mừng! Chúng ta hãy tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương và Thủ đô Hà Nội!

Hẹn gặp anh hôm tới, anh em mình về với Đồng Tâm, thắp hương cho mẹ Tư nhân Ngày Chiến thắng 30-4. Hẳn các mẹ và các Anh hùng liệt sĩ vui lòng nơi chín suối khi thấy quê hương mình lại yên ấm như thuở nào, phải không anh?

Chào thân ái!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tâm thư của một cựu chiến binh từng được người dân Đồng Tâm đùm bọc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.