Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phú Mãn đã đổi thay

Phúc Bản| 28/04/2017 07:04

(HNM) - Phú Mãn là xã miền núi khó khăn nhất của huyện Quốc Oai. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Phú Mãn đã phát huy nội lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, với sự đồng thuận cao của nhân dân.


Phú Mãn là xã có đồng bào dân tộc Mường sinh sống chiếm đa số, thuộc diện cực kỳ khó khăn. Xã nằm cách trung tâm huyện hơn 20km. Theo Chủ tịch UBND xã Phú Mãn Bùi Văn Thảo, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới cách đây 5 năm, xã có xuất phát điểm thấp, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đầy đủ cộng với tập quán canh tác thuần nông độc canh cây lúa nên hiệu quả kinh tế thấp.

Điều đáng nói là gần như toàn bộ các tiêu chí nông thôn mới khi đó không đạt yêu cầu. Đứng trước những khó khăn này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Mãn không chịu lùi bước. Xã đã tập trung chỉ đạo nâng cao kỹ năng canh tác mới cho đồng bào dân tộc, tạo sự chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững song song với phát triển đồng bộ hạ tầng, quy hoạch khu dân cư.

Trước tiên xã Phú Mãn đã tận dụng lợi thế diện tích đất tự nhiên rộng hơn 920ha (bình quân một hộ gia đình có hơn 1.000m2 đất các loại) kết hợp với việc đầu tư, phát triển các dự án xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất nằm trong Chương trình 135 hỗ trợ các xã nghèo, đặc biệt khó khăn. Nhờ vậy, hàng loạt dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được triển khai đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đinh Công Vượng, cán bộ UBND xã Phú Mãn cho biết, đến nay toàn xã có hàng chục trang trại chăn nuôi lợn rừng, quy mô từ 100 đến 1.000 con. Không chỉ vậy, thế mạnh phát triển kinh tế trang trại VAC quy mô hộ gia đình cũng được khơi dậy. Hiện Phú Mãn đã có hơn 20 trang trại chăn nuôi gà, vịt kết hợp trồng cây ăn quả như bưởi Diễn, bưởi da xanh, nhãn, vải… Bà Bùi Thị Đính, thôn Đồng Âm cho biết, các trang trại này đã giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.

Kinh tế phát triển nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân Phú Mãn được cải thiện đáng kể, từng bước giảm khoảng cách với các xã miền xuôi. Hiện toàn xã chỉ còn 10 hộ nghèo, chiếm 1,3% số hộ; 100% đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm được cứng hóa; trường mầm non, tiểu học, THCS được thành phố công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia; 5/6 thôn giữ vững danh hiệu làng văn hóa; 94% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% rác thải sinh hoạt được thu gom, tập kết và vận chuyển; Trạm Y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia…

Chia sẻ niềm vui, Trưởng thôn Đồng Vỡ Đinh Mai Quang bộc bạch: Đời sống người Mường giờ đã thay đổi căn bản, khác xa so với trước. Có được niềm vui này là nhờ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới đã đến được với đồng bào dân tộc một cách hiệu quả nhất. Hiện nay ở thôn Đồng Vỡ có sự chuyển dịch nhanh về cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô sản xuất lớn gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ những nỗ lực, cố gắng và sự giúp đỡ kịp thời của các cấp, các ngành, năm 2016 xã Phú Mãn đã được UBND TP Hà Nội trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương cho rằng: Để đạt được danh hiệu xã đạt chuẩn NTM, có thể khẳng định Phú Mãn đã có những bước tiến vượt bậc so với nhiều xã khác trên địa bàn Thủ đô. Là một xã miền núi khó khăn, nhưng do biết vận dụng sáng tạo, đúng, trúng và được người dân đồng thuận nên quá trình xây dựng nông thôn mới đã có nhiều nhóm tiêu chí đạt chất lượng cao, bền vững như quy hoạch, cơ sở hạ tầng, quy hoạch sản xuất, an ninh trật tự...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Mãn đã đổi thay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.