Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng về người lao động

Miên Hạo| 04/05/2017 06:18

(HNM) - Năm 2017, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động diễn ra từ ngày 1 đến 31-5, với nhiều việc làm thiết thực hướng về người lao động.


Công tác huấn luyện an toàn lao động được triển khai thường xuyên giúp người lao động nâng cao khả năng phòng vệ trước nguy cơ tai nạn. Ảnh: Anh Tuấn


Coi thường một phút, hệ lụy lâu dài

Thống kê từ ngành LĐ-TB&XH những năm gần đây cho thấy, tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) luôn ở mức báo động khi số vụ và số người chết do TNLĐ không ngừng tăng. Chỉ riêng năm 2016, cả nước đã xảy ra gần 8.000 vụ với 8.251 người bị nạn. Điển hình là vụ ngạt khí tại lò vôi khu vực núi đá Yên Thái (Thanh Hóa) làm 9 người thương vong; vụ sập mái công trường xây dựng tại công trình thi công Nhà văn hóa Vĩnh Long (Hải Phòng) làm 9 người bị thương; vụ nổ nồi hơi tại cơ sở chế biến Quan Lang Đoài (Thái Bình) làm 4 người chết, 11 người bị thương…

Mới đây, trên địa bàn Hà Nội, tại công trình xây dựng ở phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), đã xảy ra tai nạn lao động, cướp đi mạng sống của một công nhân. Nguyên nhân được xác định là do người bị nạn không sử dụng trang bị thiết bị bảo hộ lao động. Trước đó, tại công trường xây dựng thuộc Dự án Sunshine Garden (quận Hai Bà Trưng) cũng xảy ra TNLĐ khiến 2 người tử vong.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, riêng trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, đã có 138 trường hợp TNLĐ được cấp cứu tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Bác sĩ Phạm Hiếu Tâm, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, hầu hết các trường hợp TNLĐ, dù được cứu chữa vẫn để lại di chứng cho sức khỏe. Còn theo Trưởng phòng An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Bách Quốc Việt, TNLĐ thường tập trung ở đối tượng lao động thời vụ, chưa qua đào tạo tay nghề, không có ý thức về nguy cơ TNLĐ. Hầu hết các vụ tai nạn này đều có thể phòng tránh, nếu người lao động sử dụng phương tiện bảo hộ cần thiết cũng như tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn lao động.

Không chỉ gây tổn thất về con người, sức khỏe, kinh tế…, TNLĐ còn để lại hậu quả to lớn cho xã hội. Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, thiệt hại về vật chất do TNLĐ trong năm 2016 là hơn 170 tỷ đồng và tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là hơn 98.000 ngày. Nghiêm trọng là vậy, song công tác thanh tra, kiểm soát, xử lý các vụ vi phạm Bộ luật Lao động nói chung, an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn.

Cụ thể là trung bình mỗi năm, tỷ lệ doanh nghiệp được thanh tra cũng như thực hiện báo cáo tình hình TNLĐ chưa tới 10%, trong khi phần lớn nguyên nhân đến từ lỗi của người sử dụng lao động. Ngoài một số vụ TNLĐ làm chết nhiều người đang trong quá trình điều tra, đến nay, mới có 5 vụ của năm 2016 được xem xét, khởi tố. Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính, khi xảy ra TNLĐ, các chủ sử dụng lao động thường chủ động thỏa thuận với nạn nhân để “ém” thông tin. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho công tác tổng hợp, đánh giá tình hình cũng như xử lý vi phạm...

Chủ động phòng ngừa

Chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2017 được xác định là: “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các TNLĐ và bệnh nghề nghiệp”. Theo đó, sẽ tập trung vào các nhóm hoạt động lớn như sau: Cổ động, truyền thông nâng cao nhận thức về ATVSLĐ; các hoạt động thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ; tổ chức các hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ. Đáng chú ý là các hoạt động thanh tra, kiểm tra được tăng cường triển khai ngay từ tháng 4 tại tất cả các địa phương trên cả nước.

Bộ LĐ-TB&XH đã và đang tổ chức 3 đoàn thanh tra tại 69 doanh nghiệp và một số công trình xây dựng về ATVSLĐ. Các bộ, ngành như Công Thương, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo tự kiểm tra tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ rủi ro cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp...

Ngoài ra, để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp “ém” thông tin tai nạn, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) Hà Tất Thắng khẳng định, sắp tới Cục sẽ phối hợp với Vụ Pháp chế đề xuất sửa Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, trong đó chú trọng xử phạt những hành vi che giấu hoặc khai báo sai các vụ TNLĐ.

Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng cho biết: Cùng với việc triển khai công tác huấn luyện về an toàn lao động cho người lao động, sẽ yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường hơn nữa công tác ATVSLĐ, chú trọng tự kiểm tra, kiểm soát, phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại ở chính doanh nghiệp. Từng bước cải thiện điều kiện làm việc, chủ động phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp…

Các địa phương xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người nhất trong thời gian qua là: TP Hồ Chí Minh (106 vụ); Hà Nội (76 vụ); Bình Dương (61 vụ); Thanh Hóa (44 vụ); Quảng Ninh (43 vụ)... Những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ gồm: Xây dựng (23,8%); khai thác khoáng sản (11,4%); sản xuất nguyên vật liệu (7,5%); cơ khí chế tạo (5,9%)...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng về người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.