Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc làm cho đối tượng sau cai nghiện: Khó khăn từ “rào cản” kỳ thị

Miên Hạo| 07/05/2017 07:28

(HNM) - Học nghề, có việc làm để ổn định cuộc sống là nhu cầu chính đáng và thiết thực của nhiều người sau cai nghiện. Tuy nhiên, do trình độ thấp, tay nghề chưa cao cộng với sự kỳ thị của cộng đồng, họ rất khó tìm được việc làm sau những va vấp cuộc đời.

Một điểm rửa xe máy của CLB B93 phường Thành Công, quận Ba Đình. Ảnh: Trung Kiên


Gập ghềnh đường hòa nhập

Là một trong những biện pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn ma túy, chủ trương tạo việc làm cho người nghiện sau khi đã chữa trị, phục hồi được thể hiện rõ trong nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, được triển khai với sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, công tác này vẫn gặp không ít khó khăn nên chỉ có 20% số người nghiện sau cai (NNSC) trên cả nước có việc làm ổn định.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, việc đào tạo nghề và tạo việc làm cho NNSC còn hạn chế. Hằng năm, số NNSC có việc làm chỉ chiếm khoảng 10% so với số người được chữa trị, phục hồi, và cũng chỉ khoảng 20% trong số đó có việc làm ổn định, đủ nuôi sống bản thân. NNSC chủ yếu làm công nhân ở các cơ sở sản xuất (62%), số còn lại làm công việc tự do. Hầu hết NNSC có công việc ổn định đều thấy tự tin khi hòa nhập, 57% yên tâm với cuộc sống hiện tại và chỉ một số ít (14%) còn chưa tin tưởng vào chính mình cũng như đồng nghiệp.

Việc làm đối với NNSC rất quan trọng. Số liệu thống kê cũng cho thấy, NNSC không có việc làm sẽ rất dễ tái nghiện. Ở Hà Nội, sau 5 năm triển khai công tác quản lý sau cai nghiện ma túy (2010-2015), các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã ra 13.000 quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện cho đối tượng đã hết thời gian cai nghiện bắt buộc tại trung tâm và nơi cư trú; 1.615 NNSC được dạy nghề; 2.431 NNSC được hỗ trợ, tạo việc làm tại địa phương. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với tổng số NNSC tại Hà Nội.

Bà Trần Thị Hoài Hương, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Long Biên cho biết: “Việc tư vấn học nghề, tạo việc làm cho NNSC có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của công tác quản lý sau cai, tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài sự hạn chế về trình độ, sức khỏe của NNSC, khó khăn còn do chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động là NNSC chưa rõ ràng, khó thực hiện. Đó là chưa kể sự nghi ngại của chủ doanh nghiệp đối với người có quá khứ nghiện ngập, không muốn tiếp nhận đối tượng này vào làm việc”.

Cộng đồng mở rộng vòng tay

Có được việc làm ổn định sau khi chữa trị, phục hồi là ước mơ của nhiều NNSC, là “cầu nối” đưa họ trở lại với cuộc sống lành mạnh, là nhân tố giúp giảm nguy cơ tái nghiện đối với NNSC. Tuy nhiên, con đường trở lại sẽ còn nhiều gập ghềnh nếu chỉ trông vào các biện pháp hỗ trợ từ Nhà nước mà không có sự trợ giúp từ cộng đồng xã hội.

Anh Nguyễn Duy Sáng (thị xã Sơn Tây) - một NNSC, cho biết: “Phải ở trong cuộc mới thấy sợ ánh mắt thương hại và sự kỳ thị đối với NNSC. Bản thân tôi, dù đã cai nghiện thành công nhiều năm và có công việc ổn định, song cũng không hoàn toàn rũ bỏ được mặc cảm. Tôi biết nhiều người khác cũng vì bất lợi khi xin việc nên không nỗ lực học nghề”.

Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình điển hình cai nghiện thành công được tổ chức vào tháng 3-2017 vừa qua, nhiều tấm gương NNSC vững vàng vượt qua thử thách đã được giới thiệu, cho thấy vai trò trợ giúp của cộng đồng quan trọng đến thế nào. Không ít NNSC đã trở thành tình nguyện viên của các đội công tác xã hội hay tổ, nhóm hỗ trợ NNSC tái hòa nhập cộng đồng. Như doanh nhân Lê Trung Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội), sau hơn 10 năm rũ bỏ ma túy đã trở thành chủ doanh nghiệp lớn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD). Anh Lê Trung Tuấn đã hỗ trợ việc làm cho nhiều NNSC, giúp họ có thu nhập ổn định.

Làm việc tại cơ sở kinh doanh của anh Lê Trung Tuấn, anh Nguyễn Đăng Nam, một người nghiện ma túy trong suốt 13 năm, hiện đã cai nghiện thành công, cho hay: “Sau nhiều năm vật vã với chất gây nghiện, nhờ anh Tuấn mà tôi có cơ hội làm lại cuộc đời tưởng như bỏ đi của mình. Cùng với tình yêu thương của gia đình, những NNSC như tôi rất cần sự cảm thông, tin tưởng của cộng đồng. Tôi mong xã hội có thêm nhiều người như anh Lê Trung Tuấn”.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công tác xã hội, để đẩy mạnh hiệu quả công tác sau cai thì bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại các trung tâm chữa trị, phục hồi, chúng ta cần có chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp sử dụng NNSC; tạo điều kiện cho các đối tượng sau cai vay vốn để sản xuất, kinh doanh; miễn phí tư vấn giới thiệu việc làm… Các địa phương cần lồng ghép công tác quản lý sau cai với các chương trình xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm; xây dựng quỹ hỗ trợ NNSC; bảo lãnh cho NNSC vào làm việc tại các doanh nghiệp… Những giải pháp tạo nghề cần được thực hiện đồng thời với tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân nhằm xóa bỏ sự kỳ thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc làm cho đối tượng sau cai nghiện: Khó khăn từ “rào cản” kỳ thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.