Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Giao quyền tự chủ toàn diện về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập

Bảo Hân| 27/05/2017 14:29

(HNMO) - Chiều 27-5, Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dẫn đầu đã có buổi làm việc với TP Hà Nội để khảo sát về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản báo cáo đoàn công tác về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và hệ thống tổ chức các đơn vị thuộc thành phố giai đoạn 2011-2016.


Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, năm 2016, số đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố là 2.596 đơn vị với 145.892 người làm việc

Trong giai đoạn 2011-2016, thành phố đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quan điểm chỉ đạo tại các Nghị quyết, Kết luận của Bộ chính trị, Ban Chấp hành TW Đảng, các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của các Bộ chuyên ngành về cơ chế và đổi mới cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập trong phạm vi địa phương quản lý. 

Việc phân cấp, giao quyền và trách nhiệm cho các thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập được đẩy mạnh đã tạo điều kiện để các đơn vị có động lực và chủ động đề xuất cơ chế quản lý hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị sự nghiệp công lập.

Thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, tính đến thời điểm hiện nay, thành phố đã sắp xếp, kiện toàn các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị; các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm từ 206 xuống 96 đơn vị. 

Tồn tại, hạn chế được chỉ ra là việc ban hành một số cơ chế, chính sách triển khai thực hiện còn chậm, thiếu đồng bộ như quy định về việc xác định, phê duyệt vị trí viẹc làm, định mức viên chức, hợp đồng lao động....

Nguyên nhân do một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa nhận thức được xu hướng đổi mới cơ chế quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập, còn ngại thay đổi. Văn bản của trung ương hướng đẫn về tổ chức quản lý, xây dựng hệ thống đánh giá kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp, cổ phần hoá đơn vị sự nghiệp chưa được ban hành đầy đủ, đồng bộ và kịp thời...

Đối với các đơn vị ngoài công lập, thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở ngoài công lập được hình thành và phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từ đó góp phần giảm áp lực đối với các cơ sở công lập. Nhiều cơ sở ngoài công lập hoạt động theo mô hình chất lượng cao, đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Tuy nhiên, hoạt động ở một số cơ sở ngoài công lập còn hạn chế, chất lượng cung cấp dịch vụ còn yếu và thiếu; có trường hợp để xảy ra rủi ro trong chuyên môn, gây bức xúc dư luận do nguồn nhân lực trình độ chưa cao, thiếu đồng đều, cơ sở vật chất còn thiếu hoặc luôn đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu...

Đánh giá về cơ chế tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản nêu, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ, Hà Nội đã nâng cao tính tự chủ tài chính trong hoạt động của các đơn vị; tiết kiệm ngân sách nhà nước; tăng thu nhập cho người lao động; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội; đổi mới cơ cấu đầu tư và phương thức đầu tư từ ngân sách nhà nước. 

Tuy nhiên, việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên trên cơ sở nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và khả năng ngân sách nhà nước chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí nên còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước. 

Báo cáo cũng nêu rõ mục tiêu, quan điểm của thành phố là tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giao quyền tự chủ toàn diện, phát huy tính năng động, sáng tạo của các đơn vị sự nghiệp công lập để cng ứng dịch vụ với số lượng ngày càng tăng, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của nhân dân. 

Sau khi nghe báo cáo từ lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đại diện các bộ ngành đã nêu một số vấn đề với mong muốn được có thêm thông tin như việc sắp xếp, tinh giảm bộ máy đơn vị sự nghiệp công; việc cổ phần hoá đơn vị sự nghiệp kinh tế; sắp xếp các điểm trường... trên địa bàn thành phố thời gian qua.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp trả lời và phân công lãnh đạo các sở ngành lần lượt giải đáp, làm rõ các vấn đề mà các thành viên trong đoàn công tác nêu.

Về việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố gắn với tinh giản biên chế, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố đã triển khai toàn diện, mạnh mẽ, tạo ra sự tinh giản nhiều nhất, sắp xếp lớn nhất. Đến giờ phút này đã tạo sự ổn định, thu nhập của người lao động không giảm sút...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Ấn tượng với Hà Nội trong sắp xếp lại tổ chức bộ máy

Phát biểu cuối buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã biểu dương các đơn vị, sở ngành và lãnh đạo TP Hà Nội trong thời gian ngắn đã có báo cáo đầy đủ 26 trang về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cùng các Phó Chủ tịch, giám đốc các sở ngành đã nhiều lượt phát biểu, đưa ra các ý kiến sâu sắc, cung cấp các thông tin mà đoàn công tác cần làm rõ. 

"Thực tế Hà Nội đã làm tốt và có nhiều bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ấn ượng đầu tiên là tổ chức sắp xếp lại bộ máy với cách làm quyết liệt, có bài bản, kế hoạch, lớp lang cụ thể và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, và mong muốn thành phố làm sâu đậm thêm về việc sắp xếp lại trụ sở, nhà đất, hiệu quả các đơn vị sau sắp xếp lại... nhằm giúp Ban chỉ đạo có cơ sở để bổ sung cho Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập 

Phó Thủ tướng cũng nêu, về tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập tại Hà Nội, dù đã được quan tâm thực hiện, nhưng cùng với cả nước nói chung, kết quả còn hạn chế. Hà Nội mới chỉ có 2,96% đơn vị tự chủ được kinh phí thường xuyên.

"Có nhiều loại tự chủ nhưng quan trọng nhất là tự chủ về tài chính. Cùng với lộ trình thực hiện tự chủ về tài chính là tăng cường tự chủ về biên chế, bộ máy, tổ chức, nhân sự; đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công, không có chính sách phân biệt đổi xử giữa công và tư nhưng phải rành mạch công tư" - Phó Thủ tướng lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Giao quyền tự chủ toàn diện về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.