Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Khó khăn trong kiên cố hóa bờ kênh, rạch

Bài, ảnh: Nguyễn Lê| 19/06/2017 06:26

(HNM) - Thực trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp. Trong khi đó, các dự án kiên cố hóa bờ sông, kênh rạch gặp nhiều khó khăn, chưa được đầu tư thỏa đáng.


Trên cùng một con sông, bờ Bắc đã được xây dựng bờ kè kiên cố nên an toàn, nhưng bờ Nam chưa có bờ kè thì bị sụt lún. Đó là cảnh tương phản tại nhiều con sông, kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh. Điển hình, tại sông Rạch Tôm, đoạn gần cầu Rạch Tôm (huyện Nhà Bè), theo quan sát của phóng viên, tại bờ Nam sông có vết nứt, lún dài khoảng 40m, người dân phải phủ bạt, rào chắn cảnh báo sạt lở để chờ cơ quan chức năng khắc phục. Hoặc ngay tại khu vực trung tâm thành phố, hai bên bờ sông Sài Gòn, đoạn chảy qua quận 1 và quận 2, trong khi bên bờ phía quận 1 không xảy ra sạt lở do đã được kiên cố hóa từ lâu, thì phía bờ quận 2 (Thủ Thiêm) nhiều đoạn chưa được bê tông hóa nên vẫn còn xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương phải gắn biển cảnh báo.

Một điểm sạt lở tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè.
UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo UBND các quận, huyện có kế hoạch di dời ngay các hộ dân sinh sống tại các khu vực sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn. Thành phố cũng hỗ trợ kinh phí di dời theo 3 mức: Di dời trong cùng quận, huyện 20 triệu đồng/hộ; di dời trong thành phố 23 triệu đồng/hộ; di dời ra ngoài thành phố 25 triệu đồng/hộ.

Tính đến cuối tháng 5-2017, trên địa bàn 8 quận, huyện của thành phố có đến 40 điểm sạt lở khu vực bờ sông, kênh rạch. Riêng huyện Nhà Bè chiếm đến 16 điểm, là địa phương có nhiều điểm sạt lở nhất. Các quận 2, Thủ Đức và huyện Cần Giờ, mỗi địa phương có 5 điểm sạt lở. Trong số các điểm sạt lở trên, có tới 23 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm và 16 điểm sạt lở nguy hiểm. Hiện tại, TP Hồ Chí Minh đã bước vào mùa mưa, cùng với triều cường diễn biến phức tạp, dòng chảy mạnh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch là nguy cơ tiềm tàng.

Theo các chuyên gia, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh tuy rất khó lường, nhưng không phải là điều bất thường. Bởi thực tế cho thấy, rất nhiều tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn, nhất là khu vực vùng ven chưa được xây bờ kè kiên cố bằng bê tông. Do thành phố chằng chịt hệ thống sông, kênh rạch nên nguồn kinh phí để kiên cố hóa hành lang các tuyến sông, kênh rạch bằng xây dựng bờ kè không phải nhỏ, trong khi ngân sách thành phố chưa có kế hoạch cụ thể cho các dự án này.

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã phê duyệt kế hoạch đầu tư 33 dự án xây dựng bờ kè tại 35 vị trí sạt lở. Tuy nhiên, các dự án này gặp nhiều khó khăn vì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng do UBND quận, huyện thực hiện chậm và nguồn vốn cũng chưa được bố trí nên công tác thi công bị đình trệ. Sở Giao thông - Vận tải đã kiến nghị UBND thành phố ưu tiên bố trí vốn kịp thời để các đơn vị triển khai xây dựng các dự án trên. Các vị trí sạt lở còn lại thành phố cũng đã có chủ trương xây dựng bờ kè giai đoạn 2017-2018. Riêng tại vị trí sạt lở ở bờ Nam sông Rạch Tôm, ông Bùi Hòa An, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, huyện sẽ có kế hoạch trình UBND thành phố đề xuất xây một đoạn bờ kè bao quanh khu vực cầu Rạch Tôm dài khoảng 500m.

Có thể thấy, nguồn vốn đầu tư là vấn đề khó khăn trong kế hoạch xây dựng, kiên cố hóa hành lang các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Do đó, giải pháp xã hội hóa, kêu gọi nguồn lực từ tư nhân sẽ giúp thành phố giảm bớt gánh nặng về ngân sách. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, khi xem xét cấp phép đầu tư các dự án nhà ở, khu đô thị nằm ven các tuyến sông, kênh rạch, thành phố cần đề ra các yêu cầu mang tính ràng buộc với chủ đầu tư để họ đưa kế hoạch xây dựng bờ kè vào một trong các hạng mục của dự án.

Đồng tình với quan điểm này, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia về quy hoạch đô thị) cho rằng, nếu dự án được quy hoạch thành khu đô thị, khu dân cư nằm ven các tuyến sông, kênh rạch, chủ đầu tư nên có nghĩa vụ xây dựng bờ kè. Còn đối với những dự án riêng lẻ, Nhà nước cần phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện xây dựng đồng bộ hạ tầng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Khó khăn trong kiên cố hóa bờ kênh, rạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.