Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Nâng cao hiệu quả chăm sóc, bảo vệ “lá phổi xanh”

Văn Ngọc Thủy| 21/06/2017 06:43

(HNM) - Hồi sinh những cây trăm tuổi bằng bí quyết riêng hay cắt tỉa cành sâu mục, vén tán, hạ độ cao, thay thế cây không phù hợp... là công việc thường ngày của những người đang gánh trọng trách chăm sóc, giữ gìn “lá phổi xanh” cho thành phố.

Hà Nội đã tăng đầu tư trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ cắt tỉa cây xanh. Ảnh: Thái Hiền



Giữ từng mầm xanh...

Tháng 6, trời nắng như đổ lửa nhưng ở vườn ươm xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, màu xanh tươi mới từ mầm xanh bật ra từ những thân cổ thụ xù xì, bạc phếch khiến nhiều người mát mắt, mát lòng. Hơn 100 cây xanh, trong đó có 34 cây xà cừ cổ thụ, có cây đến cả trăm tuổi, được di chuyển từ đường Kim Mã (phục vụ giải phóng mặt bằng thi công dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội) về "nơi ở mới" này để chăm sóc. Tại đây, các chuyên gia của Công ty Beepro đã sử dụng những phương pháp thảo dược truyền thống kết hợp cùng sự tiến bộ của kỹ thuật vi sinh và hóa chất để giúp cây sinh trưởng, phát triển nhanh. Mỗi cây đều được bọc rơm, bao tải xung quanh để tránh ánh nắng, giúp giữ nước và giảm sự thoát nước từ thân cây… Ông Trần Khánh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Beepro cho biết, đến nay sau 8 tháng đánh chuyển và chăm sóc đặc biệt, tỷ lệ sống sót của các cây lên đến 95%.

Hơn 100 cây xanh này, sau một năm ươm trồng và chăm sóc sẽ được trả lại cho UBND TP Hà Nội để tiếp tục trồng tại những tuyến phố mới. Đây là dự án đầu tiên thành phố thực hiện việc di chuyển cây xanh để giải phóng mặt bằng thay vì chặt bỏ.

Trong công tác chăm sóc, bảo vệ cây hằng ngày trên các tuyến phố, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cũng có những đóng góp không nhỏ. Để bảo đảm cho cây phát triển ổn định, không bị gãy đổ khi gặp thời tiết xấu, công ty đã dựng giá sắt chống đỡ cho hàng loạt cây trên vỉa hè ở nhiều tuyến phố của Hà Nội, như Kim Giang, Khương Đình, Xã Đàn, Đinh Tiên Hoàng...

Ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, công ty phụ trách quản lý cây tại 4 quận nội thành. Để cho cây phát triển ổn định, không bị gãy đổ khi gặp thời tiết xấu, nhất là vào mùa mưa bão, công ty đã dần thay thế các khung chống gỗ bằng sắt. Về lâu dài, công ty sẽ tiếp tục rà soát và dựng chống sắt cho cây xanh ở các tuyến phố khác trên địa bàn quản lý.

Áp dụng các tiến bộ khoa học hiện đại

“Thành phố luôn đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc, quản lý và bảo vệ cây xanh trên địa bàn” - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Hưng với phóng viên Báo Hànộimới. Ông Hưng cho biết, thời gian qua công ty đã được trang bị 12 xe nâng các loại (1 xe 32m; 3 xe 26m; 5 xe 18m; 3 xe 16m); 2 cẩu tự hành sức nâng 10 tấn, tải trọng 27 tấn, 3 cẩu tự hành sức nâng 5 tấn, tải trọng 10 tấn; 4 máy nghiền cành cây các loại để tạo mùn sau quá trình cắt sửa cây và nhiều trang thiết bị phục vụ công tác cắt sửa cây như cưa máy của Đức, kéo cắt các loại, barie, áo phản quang, bộ đàm, kính bảo hộ..., đã tạo ra cuộc "cách mạng" trong công tác cắt sửa cây xanh trên địa bàn thành phố. Đây là thuận lợi lớn của công ty nhưng cũng đòi hỏi sự thay đổi lớn về tư duy, cách làm để đáp ứng nhiệm vụ cắt sửa cây trong tình hình mới.

Trong năm 2016, công ty đã thực hiện cơ giới hóa công tác cắt sửa. Khối lượng thực hiện cắt sửa gần 50.000 cây bóng mát, gấp 10 đến 15 lần các năm trước đây (chỉ từ 3.000 đến 5.000 cây). Từ đầu năm 2017 đến nay, công ty đã cắt sửa hạ độ cao, vén tán, cắt hết các cành khô, cành sâu mục cho hơn 16.000 cây các loại, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cây bị gãy đổ trong mùa mưa bão. Công tác duy trì vườn hoa công viên được đầu tư thêm 1 xe tưới nước, máy cắt cỏ, máy xén hàng rào..., cơ giới hóa, giảm sức lao động, bảo đảm hiệu quả duy trì vườn hoa, công viên trên các địa bàn được giao quản lý.

Nhưng để “lá phổi xanh” của Thủ đô ngày càng khỏe mạnh, việc đầu tư không chỉ dừng lại ở đó.

Chỉ đạo hoạt động của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội trong năm 2017, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu số hóa toàn bộ dữ liệu về cây xanh, để mỗi cây đều có lý lịch rõ ràng về tình trạng sức khỏe như đối với một bệnh nhân; tạo điều kiện quản lý chặt chẽ và đưa ra định hướng phát triển cây xanh đô thị tốt hơn trên toàn thành phố. Chủ tịch UBND thành phố cũng khẳng định, Hà Nội không chạy theo số lượng để sớm hoàn thành mục tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh mà coi trọng về kỹ thuật, bảo đảm cây không gãy đổ mùa mưa bão và có thể tồn tại hàng trăm năm.

Quản lý cây xanh trên hệ thống thông tin địa lý (GIS) cũng là một giải pháp được các chuyên gia nhận định là cần thiết để theo dõi và xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, cắt tỉa, thay thế cây..., lập danh sách chủng loại cây thuộc diện bảo tồn để đề xuất hướng xử lý phù hợp. Giải pháp này cũng giúp việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý, cá nhân được thuận lợi và nhanh chóng hơn. Và khi đó hệ thống cây xanh sẽ được quản lý, chăm sóc tốt hơn, bảo đảm an toàn cho người dân và tạo nét đẹp cảnh quan tốt hơn.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Nâng cao hiệu quả chăm sóc, bảo vệ “lá phổi xanh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.