Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huy động các nguồn lực tập trung giải quyết ô nhiễm môi trường

Hiền Lương| 24/06/2017 07:40

(HNM) - Tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II-2017, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng đã trình bày toàn văn Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và Dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của UBND thành phố.

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội làm sạch môi trường nước tại hồ Ba Mẫu. Ảnh: Lê Hiếu


Nghị quyết 11-NQ/TU là nghị quyết chuyên đề thứ ba của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa XVI sau hai nghị quyết về phát triển du lịch và công tác giải phóng mặt bằng.

Nghị quyết nêu rõ các mục tiêu cụ thể đối với 4 vấn đề môi trường hiện nay của Hà Nội bao gồm: Chất thải rắn, môi trường nước, môi trường làng nghề và môi trường không khí. Nghị quyết đề ra 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp chủ yếu. Nhiều dự án, chương trình sẽ triển khai như: Dự án Trạm bơm Liên Mạc giai đoạn 1 đã được phê duyệt nhằm điều hòa mực nước giữa sông Hồng và sông Nhuệ, tạo nguồn cấp nước cho sông Tô Lịch; chương trình thu gom và xử lý nước thải của thành phố trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy giai đoạn 2017 - 2020; các chương trình chống ngập, khơi thông dòng chảy tại sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch, sông Tích...

Phát biểu về nội dung này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, ô nhiễm môi trường của Thủ đô đang ở tình trạng cấp bách, đáng báo động. Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết 11-NQ/TU nhằm tập trung quyết tâm chính trị và các nguồn lực để giải quyết ô nhiễm môi trường. Để thực hiện tốt Nghị quyết 11-NQ/TU của Thành ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền phải tập trung thực hiện tốt 4 nhóm giải pháp chủ yếu được nêu trong nghị quyết. Từng cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung vào bảo vệ tầng nước mặt; tiếp tục quản lý tốt các nguồn xả thải, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong xả thải; quản lý chất thải nguy hại, chất thải rắn; giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn...

Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần tăng cường kiểm tra, phân công rõ trách nhiệm, tránh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; đặc biệt chú trọng giải pháp tuyên truyền, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn, cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân Thủ đô đồng lòng ủng hộ thực hiện thắng lợi nghị quyết, xây dựng thành công nếp văn hóa - văn minh đô thị, nếp văn hóa môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động các nguồn lực tập trung giải quyết ô nhiễm môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.