(HNM) - Việc Sở Nội vụ Hà Nội có đến 8 Phó Giám đốc được một số báo

Thắc mắc không chỉ vì ở một sở vốn có chức năng tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ cho UBND thành phố mà lại bố trí vượt quá quy định tới 4 Phó Giám đốc. Có nhà báo còn nói một cách châm biếm: Tưởng ở nơi xa lắc xa lơ mới có chuyện bố trí dư cán bộ, lãnh đạo, ai dè ở nơi chói chang sáng ngời (TP Hà Nội) cũng có việc làm lén (!)

Băn khoăn, khó hiểu chút nữa là Sở Nội vụ TP Hà Nội có tới 8 Phó Giám đốc ngay từ sau Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI, cớ sao bây giờ lại được một số báo "soi"?

Vì thế, trao đổi về việc này không phải chỉ để nói lại với tác giả những bài báo đã đăng mà còn là với đông đảo bạn đọc. Người viết bài này cũng định giật một cái "tít" thật kêu: "Tám Phó Giám đốc thì đã sao?"; song, nghĩ lại tác giả xin lựa cái "tít" bài báo hiền một chút: Soi!

Nhưng nên soi thế nào cho đúng? Câu chuyện "thừa" cán bộ đâu phải chỉ riêng ở Hà Nội. Bởi theo số liệu mới nhất do Bộ Nội vụ cung cấp trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 27-6, thì thời gian qua một số cơ quan, đơn vị có số lượng cấp phó vượt quá quy định như: Sở NN&PTNT Thanh Hóa có 8 Phó Giám đốc, Sở TN&MT Bình Định 6 Phó Giám đốc...

Vậy chuyện của Sở Nội vụ Hà Nội cũng như ở một số địa phương khác trong giai đoạn nhất định vừa qua thật sự có phải là việc làm "vi phạm kỷ cương phép nước" hay không? Nhớ lại, ngay sau Đại hội Đảng bộ các cấp của TP Hà Nội, cũng có không ít nhà báo, đã sốt sắng phỏng vấn, chất vấn: Vì sao có một số đồng chí chưa đến tuổi nghỉ hưu mà đã xin thôi không tiếp tục tham gia cấp ủy? Ý của người hỏi cứ như là những cán bộ này đã bị ép, bị gạt ra khỏi bộ máy. Vẫn câu chuyện cũ, bây giờ đến lượt Sở Nội vụ lại bị “soi”. Nhưng nên “soi” thế nào cho thuyết phục?

Có lẽ cũng nên giải thích cho rõ ngọn nguồn câu chuyện. Bởi có những nhà báo đã viết về những điều mà đôi khi chính bản thân mình cũng không hiểu đến nơi đến chốn.

TP Hà Nội cũng như các địa phương khác trong cả nước, đều phải thực hiện công tác nhân sự theo Chỉ thị số 36-CT/TƯ ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị "Về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng". Một trong các nội dung công việc phải làm, đó là bố trí công tác cho những đồng chí đang tham gia cấp ủy, đang là cán bộ lãnh đạo các cấp trong hệ thống chính trị (Đảng, chính quyền, đoàn thể) nay không đủ tuổi tái cử theo quy định. Không phải chỉ ở cấp tỉnh, thành, quận, huyện, mà cả ở cấp trung ương, một loạt ban Đảng và bộ, ngành cũng đã phải tiếp nhận những đồng chí lãnh đạo từ các địa phương không đủ tuổi tái cử tại chỗ, điều đó dẫn tới cấp phó ở các cơ quan trung ương cũng đều vượt quá quy định.

Việc các cấp ủy đảng có trách nhiệm bố trí công tác cho cán bộ không đủ tuổi tái cử, nhưng còn trong độ tuổi làm việc theo Luật Lao động là việc làm đúng chính sách, đúng pháp luật. Hơn nữa đây còn là vấn đề ứng xử với cán bộ, với con người.

Những người cùng làm việc trong bộ máy các cấp đều trân trọng nhiều đồng chí đã đặt lợi ích chung lên trên, tự mình làm đơn xin nghỉ trước tuổi để nhường chỗ cho người trẻ tham gia công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Một số khác đang là cấp trưởng, đang làm tốt công việc, nhưng vì quy định không được tiếp tục tái cử, cũng sẵn sàng nhận một vị trí công tác mới, mà phần nhiều là ở vị trí thấp hơn, kém thuận lợi hơn. Các đồng chí này, lẽ ra cần được chúng ta chia sẻ, động viên, thậm chí là biểu dương. Họ không làm điều gì đáng bị báo chí "soi" và phê phán.

Các cơ quan tiếp nhận cán bộ cũng vì việc chung, vì quy định mà đã tự nguyện chấp hành, tạo điều kiện cho những đồng chí được luân chuyển yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến, chứ không phải họ cố ý làm sai.

Những người làm công tác tổ chức - cán bộ các cấp thường nói vui: "Những đồng chí còn tuổi công tác nhưng không đủ tuổi tái cử cấp ủy mà phải nghỉ, hoặc phải rời khỏi chức vụ lãnh đạo để làm việc khác, họ chỉ phạm mỗi khuyết điểm, thiếu mỗi một tiêu chuẩn - ấy là bố mẹ sinh ra họ hơi sớm hơn quy định"!

Trả lời báo chí mới đây về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết, trong số 8 Phó Giám đốc thì 3 người đã có Thông báo của Thành ủy và Quyết định của UBND TP Hà Nội cho nghỉ hưu trong 3 - 4 tháng tới. Còn 2 Phó Giám đốc Sở kiêm Trưởng ban Tôn giáo và Trưởng ban Thi đua theo mô hình tổ chức cũ, trong đó Phó Giám đốc kiêm Trưởng ban Tôn giáo và một Phó Giám đốc nữa sẽ nghỉ hưu vào đầu năm 2018. Như vậy, Sở Nội vụ Hà Nội sắp “giải xong bài toán lịch sử” để chỉ còn 4 Phó Giám đốc theo quy định của Chính phủ về tổ chức bộ máy.

Câu chuyện mà một số bài báo "có công phát hiện" Sở Nội vụ TP Hà Nội hiện có tới 8 Phó Giám đốc là đúng thực tế. Nhưng đó là thực tế của một giai đoạn quá độ chứ không phải là lâu dài; và càng không phải việc làm sai của TP Hà Nội. Báo chí có công "soi" việc này, nên chăng là đặt ở mục góp ý cho các chủ trương, quy định về công tác cán bộ của Đảng, để kỳ Đại hội tới đây có thể có những điều chỉnh, sửa chữa cho ngày càng hoàn thiện, đồng bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Soi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.