Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả từ tổ tự quản nhà trọ công nhân

Sơn Tùng| 02/07/2017 07:08

(HNM) - Đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp, kinh doanh nhà trọ đã trở thành nghề cho thu nhập khá ở xã Hải Bối (huyện Đông Anh). Để bảo đảm an ninh trật tự, xã thành lập các tổ tự quản nhà trọ công nhân - cách làm này đang phát huy hiệu quả, góp phần duy trì an ninh nông thôn.

Việc thành lập các tổ tự quản nhà trọ công nhân đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở nông thôn.


Hiện toàn xã Hải Bối có gần 300 hộ gia đình có nhà trọ cho thuê, tập trung chủ yếu ở khu dân cư Thăng Long và thôn Cổ Điển. Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối Nguyễn Hữu Thụ cho biết, nếu như năm 2015, tình hình kinh doanh khó khăn, 50% số phòng trọ trên địa bàn xã bỏ trống thì nay đã được lấp đầy. Lượng lao động trong các khu công nghiệp trọ ở xã hiện nay dao động từ 2.500 đến 3.000 người.

Trước đây, tình hình an ninh - trật tự ở các xóm trọ khá phức tạp, thường phát sinh mâu thuẫn trong sinh hoạt; hoặc tình trạng trộm cắp vặt, nhất là nạn mất xe máy, xe đạp. Từ thực tế đó, ngoài lực lượng công an, dân phòng tham gia nòng cốt giữ vững an ninh trật tự tại các khu nhà trọ, xã đã tích cực phối hợp với các lực lượng liên quan thành lập 11 tổ tự quản, tổ trưởng là chủ nhà trọ.

Qua đó, chính quyền địa phương kịp thời giải quyết những bức xúc nảy sinh trong công nhân trọ, quản lý tốt địa bàn, giữ vững an ninh - trật tự xã hội. Sự gắn bó giữa chủ nhà trọ và công nhân, công nhân với công nhân, với chính quyền tốt hơn. Nhờ đó, cơ quan chức năng có thể nắm bắt kịp thời các thông tin về tình hình an ninh trật tự...

Ông Nguyễn Hữu Toán, chủ nhà trọ có 126 phòng cho thuê, đồng thời là tổ trưởng tổ tự quản khu dân cư Thăng Long cho hay: Đời sống công nhân dù đã được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn hết sức khó khăn, do đó họ tằn tiện, tiết kiệm các chi phí từ ăn ở, sinh hoạt… nên nếu kinh doanh phòng giá cao rất khó. Các phòng trọ trên địa bàn xã Hải Bối chỉ dao động ở mức từ 600.000 đến 700.000 đồng/phòng 15m2; phòng 1 triệu đồng/30m2 (đối với các cặp gia đình công nhân có con nhỏ).

Đời sống công nhân khó khăn kéo theo nhiều chuyện vui buồn... Trước kia, người lao động có tâm lý ăn ở tạm bợ, thuê một vài tháng rồi chuyển, mối quan hệ gắn bó với chính quyền, hội, đoàn thể lỏng lẻo. Gần đây, nhờ có tổ tự quản, người lao động đã chủ động hơn trong việc đăng ký tạm trú, tạm vắng, tình trạng mất cắp vặt đã hạn chế, góp phần giữ gìn trật tự an ninh. Sau những ngày lao động vất vả, khu nhà trọ trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng ý nghĩa thông qua các chương trình giao lưu, liên hoan văn nghệ, thể dục, thể thao... Các tổ tự quản đều lập quy ước khu nhà trọ công nhân, nhờ đó người lao động đã gắn bó với nhau hơn, được người dân địa phương ngày càng ủng hộ.

Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, sinh sống tại khu nhà trọ thôn Cổ Điển chia sẻ: Từ khi tham gia tổ tự quản, tôi và anh chị em trong xóm trọ được thường xuyên cập nhật thông tin về chế độ, chính sách liên quan đến người lao động và không còn cảm giác “ngụ cư”. Mọi người đã có ý thức đùm bọc, thương yêu, sẻ chia khó khăn. Khi ốm đau, bệnh tật đều được giúp đỡ tận tình, chu đáo. Các nữ công nhân thuê trọ trên địa bàn được quan tâm chăm sóc sức khỏe, tư vấn về sinh sản, hạnh phúc gia đình như người dân địa phương.

Qua các buổi sinh hoạt, hội phụ nữ xã quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của nữ công nhân để có sự giúp đỡ, động viên kịp thời. Do đó, nhiều năm nay, trên địa bàn xã Hải Bối không xảy ra tình trạng nữ công nhân sinh con ngoài ý muốn, các gia đình công nhân trẻ giảm xô xát... bởi khi phát hiện mâu thuẫn đã được tư vấn, giải quyết, giúp đỡ kịp thời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ tổ tự quản nhà trọ công nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.