Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện về những cựu chiến binh “tàn nhưng không phế” (tiếp theo và hết)

Minh Ngọc| 13/07/2017 06:20

(HNM) - Hiện cả nước còn khoảng hơn 300 nghìn liệt sĩ chưa rõ danh tính, hơn 200 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Nhiều cựu chiến binh luôn tâm nguyện có dịp trở lại chiến trường để tri ân, tìm kiếm đồng đội...


Những bước chân không mỏi

Theo lý giải của những cựu chiến binh từng vào sinh ra tử, sự hy sinh, mất mát của họ dù lớn, song đã được bù đắp phần nào bằng cuộc sống trong hòa bình, độc lập, tự do nhờ sự quan tâm, tri ân của toàn xã hội. Những liệt sĩ còn nằm lại chiến trường và gia đình của họ ngày đêm mong ngóng vẫn chưa thấy thông tin về người thân mới là nỗi đau lớn nhất. Với suy nghĩ ấy, nhiều người không quản ngại khó khăn, trở lại chiến trường xưa tìm đồng đội.

Cựu chiến binh Đỗ Trọng Ngô, huyện Hoài Đức (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế với đồng đội. Ảnh: Thái Hiền


Bằng chiếc xe đạp “cà tàng”, ông Tiêu Văn Tấn, trú tại Khu tập thể Binh đoàn 11, phường Khương Đình (Thanh Xuân) đã có hành trình đi tìm đồng đội kéo dài gần 20 năm. Ông Tấn cho biết, ông từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Đường 9, Khe Sanh (Quảng Trị), lập nhiều thành tích và được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Trong một trận đánh giằng co với địch vào năm 1970, ông bị thương, được điều về tuyến sau điều trị. Nhiều năm qua đi, ký ức về những trận chiến đấu, về những đồng đội ngã xuống vẫn hiện hữu trong ông, khiến ông không thể không đi tìm đồng đội. Để tiết kiệm chi phí, ông dùng chiếc xe đạp làm bạn “đồng hành” về chiến trường xưa. Từ năm 1996 đến nay, ông Tiêu Văn Tấn đã tìm kiếm thông tin, góp phần đưa hơn 2 nghìn hài cốt liệt sĩ trở về quê hương.

Tương tự, cựu chiến binh Phạm Song Toàn, xã Nhị Khê (Thường Tín) có hàng chục chuyến đi đến nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh miền Trung tìm thông tin liệt sĩ. Sau khi ghi chép đầy đủ thông tin, ông Toàn gửi thư đến các gia đình liệt sĩ hoặc thông báo tìm thân nhân liệt sĩ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ việc làm ý nghĩa đó, cựu chiến binh Phạm Song Toàn mang lại niềm vui, niềm tin cho hàng nghìn gia đình khắp mọi miền đất nước.

Sau hàng chục năm đi tìm đồng đội, thương binh 4/4 Nguyễn Đức Phổ, trú tại thôn Hạ, xã Phù Lưu Tế (Mỹ Đức), hay thương binh 2/4 Nguyễn Văn Chính trú tại phố Hàng Giấy (Hoàn Kiếm)… đã giúp đưa hàng trăm hài cốt liệt sĩ trở về, hỗ trợ thông tin cho hàng nghìn gia đình, các cơ quan chức năng xác minh danh tính hoặc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. “Lặn lội trên khắp chiến trường, trên mọi nẻo đường để tìm kiếm hài cốt đồng đội, khó khăn không thể kể hết. Song, bước chân đi tìm đồng đội là những bước chân không bao giờ biết mỏi” - ông Nguyễn Đức Phổ tâm sự.

Day dứt chưa nguôi...

Không ngại đạp xe, ăn bánh mì, uống nước lọc, ngủ tại nghĩa trang như các đồng đội, nhưng vì điều kiện khó khăn hoặc chưa có kinh nghiệm, nhiều cựu chiến binh vẫn chưa thực hiện được tâm nguyện.

Thương binh 3/4 Nguyễn Việt Hùng chia sẻ: “Tôi từng là chiến sĩ chiến đấu ở chiến trường phía Nam, là con liệt sĩ, tôi hiểu và đồng cảm với các gia đình có người thân hy sinh. Do điều kiện chưa cho phép nên tôi chưa thể đi tìm đồng đội. Nếu các cơ quan chức năng có sự hỗ trợ nào đó giúp những cựu chiến binh đi tìm mộ liệt sĩ, tôi sẵn sàng lên đường”. Thương binh 3/4 Phạm Khắc Minh, trú tại phường Nguyễn Trãi (Hà Đông) mong muốn các cơ quan chức năng áp dụng rộng rãi hơn phương pháp giám định AND xác định danh tính liệt sĩ.

Thương binh 4/4 Nguyễn Gia Vừa, phường Trung Hòa (Cầu Giấy) đề nghị các cấp, các ngành chức năng xác nhận người có công đúng người, đúng đối tượng, tránh tình trạng làm giả hồ sơ thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, làm mất niềm tin trong nhân dân. Ngược lại, người có công thực sự chưa được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi chỉ vì không lưu giữ được hồ sơ, giấy tờ cần được xem xét, giải quyết.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết, từ năm 2007-2016, Hà Nội đã xác nhận người có công đối với hơn 18,4 nghìn người, trong đó chủ yếu là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…

Theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20-3-2017 của Bộ LĐ-TB&XH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, TP Hà Nội không còn hồ sơ tồn đọng ở cấp thành phố. Song, xét thấy việc giải quyết hồ sơ tồn đọng là cần thiết, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã gửi công văn đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cho phép Hà Nội giải quyết 40 hồ sơ tồn đọng nằm rải rác trong các gia đình theo quy trình của Quyết định số 408. “Việc mở rộng đối tượng giải quyết hồ sơ tồn đọng có thể mất nhiều thời gian, nhưng vì quyền lợi chính đáng của người có công, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội sẽ cố gắng hoàn thành” - ông Khuất Văn Thành khẳng định.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2017, các bộ, ban, ngành, địa phương phấn đấu giải quyết căn bản hồ sơ liệt sĩ, thương binh, người hưởng các tiêu chuẩn như thương binh. “Ngày 18-7 tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trao gần 500 Bằng Tổ quốc ghi công cho các thân nhân liệt sĩ. Tiến độ quy tập hài cốt liệt sĩ, giám định AND xác định danh tính liệt sĩ đang được đẩy nhanh. Các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng cũng đang ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ” - ông Đào Ngọc Dung cho biết thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về những cựu chiến binh “tàn nhưng không phế” (tiếp theo và hết)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.