Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo động lực phát triển Thủ đô

Phong Thu| 15/07/2017 06:43

(HNM) - Sau 13 năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn, phong trào thi đua yêu nước ở TP Hà Nội đã có tiến bộ rõ rệt, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân...


Biểu dương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” là hoạt động ý nghĩa sâu sắc thúc đẩy phong trào thi đua. Ảnh: Nhật Nam



Đổi mới nội dung và hình thức thi đua

Sau khi Luật Thi đua, khen thưởng được ban hành (năm 2004), TP Hà Nội đã nhanh chóng triển khai kế hoạch thực hiện, trong đó đặc biệt chú trọng phát hiện, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống. Nhiều tấm gương tiêu biểu được tôn vinh, sau đó lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, nhân lên nhiều việc làm có ý nghĩa.

Trong những tấm gương tiêu biểu có bà Hồ Hương Nam (sinh năm 1932, ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) và ông Lâm Văn Bảng (sinh năm 1943, ở thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên), vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba (tháng 1-2015). Bà Hồ Hương Nam cho biết: “Khi mở lớp học từ thiện dạy trẻ khuyết tật, tôi không bao giờ nghĩ, việc làm của mình lại được cấp trên chú ý, đánh giá cao như vậy”. Cùng suy nghĩ đó, ông Lâm Văn Bảng, Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày cho biết: “Phần thưởng của Trung ương và thành phố trao tặng vô cùng quý giá. Tôi trân trọng và thầm hứa phải làm tốt hơn nữa việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và tri ân các anh hùng liệt sĩ”.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Phùng Minh Sơn cho biết, bà Hồ Hương Nam và ông Lâm Văn Bảng được trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014 và là 2 cá nhân đầu tiên được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội trình Trung ương xét tặng “Huân chương Lao động hạng Ba” ngay sau khi UBND thành phố ban hành Chương trình hành động 228/CTr-UBND ngày 31-12-2014 về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2015-2020.

“Phát huy truyền thống là địa phương luôn thực hiện tốt phong trào “Người tốt, việc tốt”, thành phố đã bám sát Nghị định 64/2014/NĐ-CP ngày 1-7-2014 để ban hành Chương trình hành động 228/CTr-UBND" - ông Phùng Minh Sơn khẳng định. Trong 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chương trình có hai nội dung mang tính đột phá là: Đổi mới nội dung, hình thức các phong trào thi đua; tập trung làm tốt việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Bên cạnh đó, thực hiện quy định của Luật Thi đua, khen thưởng: “Nguyên tắc thi đua gồm: Tự nguyện, tự giác, công khai, đoàn kết, hợp tác, cùng phát triển”, TP Hà Nội đã đổi mới các hình thức thi đua, đặc biệt là hoạt động của cụm thi đua. Toàn thành phố hiện có 19 cụm thi đua với 172 đầu mối. Hằng năm, các cụm thi đua đều ký giao ước thi đua với nội dung rõ ràng, cụ thể, có tính đột phá nên đã tạo khí thế thực sự.

Các nội dung thi đua luôn được đổi mới và gắn với nhiệm vụ, mục tiêu cấp bách trong từng thời kỳ của thành phố. Tiêu biểu là các phong trào: Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, Bảo đảm an toàn thực phẩm, Người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Năm trật tự và văn minh đô thị, Năm kỷ cương hành chính… "Các phong trào thi đua đều có sự gắn kết chặt chẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của MTTQ, các đoàn thể và sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đây chính là yếu tố quyết định hiệu quả thi đua" - ông Phùng Minh Sơn đúc kết. Qua đó, tại các địa phương, nhiều vấn đề bức xúc từng bước được tháo gỡ như, công tác ngăn ngừa tệ nạn xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… Các phong trào thi đua đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô.

Để hiệu quả hơn

Luật Thi đua, khen thưởng ra đời đánh dấu sự đổi mới cả về nhận thức và hoạt động công tác thi đua, khen thưởng. Song, kết quả đạt được chưa như mong đợi. Nguyên nhân là do, một số nơi chưa chủ động, sáng tạo trong triển khai phong trào thi đua, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng ở cơ sở thường xuyên có sự biến động...

Ông Lâm Văn Bảng - Công dân Thủ đô ưu tú - giới thiệu với khách tham quan, tìm hiểu về Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Ảnh: Bá Hoạt



Theo bà Hoàng Diệu Linh, chuyên viên Phòng Nội vụ, quận Đống Đa: Luật Thi đua, khen thưởng đã được sửa đổi, bổ sung 2 lần (năm 2005, năm 2013) và có 3 nghị định hướng dẫn thi hành (Nghị định 42/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010; Nghị định 39/2012/NĐ-CP ngày 27-4-2012; Nghị định 65/2014/NĐ-CP ngày 1-7-2014). Do đó, cấp có thẩm quyền nên nghiên cứu tích hợp 3 nghị định trên thành một để tiện cho công tác tra cứu, thực hiện.

Ngoài ra, các đơn vị cũng kiến nghị một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung để tạo căn cứ pháp lý trong triển khai thực hiện như: Điều 75 của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP cần bổ sung thêm mức tiền thưởng quy định cho các gia đình được biểu dương, khen thưởng. Bên cạnh đó cần hướng dẫn cụ thể việc cấp lại bằng khen, huân chương, huy chương bị rách nát, mất cho các trường hợp có thành tích trong kháng chiến…

Theo Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Phùng Minh Sơn: “Để chất lượng công tác thi đua, khen thưởng tốt, điều quan trọng là sự quan tâm của người đứng đầu. Thực tế cho thấy, ở đâu lãnh đạo quan tâm thì công tác thi đua, khen thưởng ở đó được triển khai hiệu quả. Việc triển khai thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng trong 13 năm qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo động lực phát triển Thủ đô. Song, để luật thực sự đi vào cuộc sống cũng cần sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với thực tiễn”.

Điểm nổi bật là Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội đã phát động cuộc thi “Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt”. Qua đó đã phát hiện hàng nghìn gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Từ năm 2014 đến năm 2016, tỷ lệ khen thưởng người lao động trực tiếp cao hơn, một số đơn vị đạt trên 80%.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo động lực phát triển Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.