Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều kinh nghiệm rút ra sau bão số 2

Kim Nhuệ| 18/07/2017 14:39

(HNMO) - Sáng 18-7, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai họp rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, ứng phó bão số 2.


Mặc dù không phải là siêu bão, có sự chỉ đạo ứng phó đồng bộ, kịp thời… nhưng bão số 2 vẫn gây thiệt hại nặng nề. Theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, bão số 2 đã làm 4 người chết, 5 người mất tích, 19 người bị thương. Bão đã khiến 54 ngôi nhà bị sập, đổ hoàn toàn, 4.152 ngôi nhà bị tốc mái, 26 ngôi nhà bị ngập nước, 31 ngôi nhà phải di dời; 53 tàu cá của ngư dân bị chìm, 2 xà lan và 1 tàu lai dắt bị chìm, 7 tàu hàng bị mắc cạn. Về sản xuất nông nghiệp, bão số 2 làm 49.270ha lúa, hoa màu bị ngập; 38.948ha cây trồng lâu năm, cây ăn quả bị gãy, đổ, giảm năng suất; 88.973 cây xanh bị gãy, đổ; 7.320 gia súc bị chết, cuốn trôi. Bên cạnh đó, bão số 2 đã phá hủy, làm hư hỏng 400m kè, 7.415m kênh mương; 391,43ha và 59 ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 2.603 cột điện bị gãy, đổ, 3 trạm biến áp bị hư hỏng…

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, nguyên nhân dẫn đến thiệt hại trên là do thời tiết cực đoan và sự chủ quan của con người. Thực tế, bão số 2 có thời gian lưu trên đất liền tới 5 giờ, gió giật mạnh cấp 8-10 kèm mưa lớn, phổ biến 200-400mm… Nếu lực lượng chức năng cương quyết cưỡng chế phương tiện hoặc thuyền viên tàu VTB26 di chuyển lên bờ thì không xảy ra vụ tai nạn khiến 2 người chết, 4 người mất tích…

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, vụ tàu VTB26 bị chìm gây thiệt hại về người và tài sản là bài học đắt giá trong công tác chỉ đạo ứng phó thiên tai. Qua công tác chỉ đạo ứng phó bão số 2, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra một số vấn đề mà thành viên Ban Chỉ đạo và các địa phương cần rút kinh nghiệm. Đó là: Sắp xếp bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền tại khu vực trú tránh; không để người dân lưu trú trên tàu thuyền, chòi canh nuôi trồng thủy sản; đối với các phương tiện vãng lai, cần quyết liệt di chuyển người lên bờ, khu vực an toàn; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh thiên tai cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc sinh sống ở khu vực miền núi, nơi có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét. Trong công tác phục hồi sản xuất nông nghiệp, các địa phương phải tuân thủ khung thời vụ, bố trí giống, cây trồng để bù vào diện tích bị thiệt hại…

Hiện nay, bão số 2 đã tan nhưng hoàn lưu vẫn gây mưa cho các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Nhiều hồ chứa thủy điện vùng núi phía Bắc như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình… đạt ngưỡng tích nước tối đa. Nếu thời tiết tiếp tục có mưa lớn, dài ngày, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai sẽ phải vận hành quy trình xả liên hồ, dành dung tích đón các đợt lũ mới. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân sinh sống khu vực ven sông, vùng thấp trũng chủ động di dời người và tài sản, không để xảy ra thiệt hại khi các hồ thủy điện mở cửa xả đáy…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều kinh nghiệm rút ra sau bão số 2

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.