Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ứng phó khi hồ thủy điện xả lũ

Nhóm phóng viên| 19/07/2017 07:06

(HNM) - Ngày 18-7, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã họp rút kinh nghiệm và đánh giá, cơn bão số 2 không lớn nhưng đã gây thiệt hại về người và tài sản, là bài học đắt giá trong công tác chỉ đạo ứng phó thiên tai. Tại Hà Nội, chiều 18-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã trực tiếp kiểm tra việc bảo vệ các trọng điểm, xung yếu đê điều và đôn đốc việc chủ động phòng chống lũ, lụt trên địa bàn thành phố khi hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ...


Thiệt hại nhiều dù bão không lớn

Theo Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, bão số 2 đã làm 9 người chết và mất tích, 19 người bị thương; 54 nhà bị sập, đổ hoàn toàn, 4.152 nhà bị tốc mái; 53 tàu cá, 2 xà lan và 1 tàu lai dắt hải quân bị chìm; tổng diện tích bị ngập là 49.270ha, trong đó có 38.791ha lúa và 10.479ha hoa màu.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho rằng, nguyên nhân thiệt hại do thời tiết cực đoan và cả sự chủ quan của con người...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, cơn bão số 2 không lớn nhưng đã gây thiệt hại về người và tài sản là bài học đắt giá trong công tác chỉ đạo ứng phó thiên tai, cần có sự rút kinh nghiệm về việc bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền tại khu vực trú tránh, quyết liệt di chuyển người đến khu vực an toàn. Đặc biệt là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh thiên tai cho người dân.

Hà Nội chủ động ứng phó

Tại Hà Nội, tổng lượng mưa đo được trong 3 ngày qua tại Vân Hồ là 208,4mm; Mễ Trì 190,8mm; Hoàng Mai 204,6mm... Mưa lớn khiến mực nước các sông ở ngưỡng cao, sông Tô Lịch tại Hoàng Quốc Việt là 4,67m; sông Nhuệ tại Trạm bơm Đồng Bông 1 là 5,54m... Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố cho biết, đến 15h ngày 18-7, trên địa bàn thành phố còn 1.203,6ha lúa, 78ha rau màu bị ngập trắng; 6.050,7ha lúa, 762,5ha rau màu bị sâu nước. Tại huyện Thường Tín có 91 ngôi nhà bị tốc mái.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, chiều 18-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu và lãnh đạo các sở, ngành đã kiểm tra việc bảo vệ các trọng điểm, xung yếu đê điều trên địa bàn thành phố, đôn đốc công tác phòng chống thiên tai.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, vùng núi trung du phía Bắc tiếp tục có mưa vừa, mưa to kéo dài đến ngày 22-7. Khu vực Hà Nội, từ ngày 19 đến ngày 22-7, chiều tối và đêm có mưa, có lúc mưa vừa, mưa to và dông.


Báo cáo với Đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm cho biết, cửa Đuống (thuộc địa bàn xã Xuân Canh) dài gần 2km là một trong những trọng điểm về an toàn đê điều. Huyện đã có phương án riêng để bảo vệ, đã thành lập các đoàn kiểm tra hiện trường, tuyên truyền cho nhân dân 8 xã ven đê sẵn sàng phương án di dời người và tài sản khi mực nước lên cao, đê sông xảy ra sự cố… Tại cầu Đuống, đoạn phường Giang Biên (quận Long Biên) và thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm), Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, do lòng dẫn thu hẹp bởi các mố cầu nên khi mực nước dâng cao tạo dòng chảy xiết, thúc vào bờ tả có thể gây ra sự cố đê điều và nguy hiểm cho các tàu thuyền lưu thông…

Sau khi kiểm tra thực địa, đánh giá tình hình thời tiết còn phức tạp, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện liên quan phải tăng cường tuyên truyền thông tin về việc mở cửa xả đáy của các hồ chứa; thông báo cho nhân dân ở vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng, tránh; tăng cường kiểm tra, kiên quyết sơ tán nhân dân ở những khu vực có nguy cơ bị sạt lở, khu vực bãi nổi giữa sông đến nơi an toàn; thực hiện nghiêm túc phương án “4 tại chỗ” để xử lý kịp thời các sự cố đê điều, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, nhất là khi hồ chứa thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là…

Trưa 18-7, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã ban hành công điện yêu cầu Công ty Thủy điện Hòa Bình mở 2 cửa xả đáy vào 18h ngày 18-7 và 6h ngày 19-7. Trong thời gian xả lũ 8 tổ máy duy trì phát điện tối đa với tổng lưu lượng khoảng 2.400m3/s. Sau Thủy điện Hòa Bình, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đã lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La trước mắt mở 1 cửa xả đáy vào hồi 8h ngày 19-7, liên tục phát tối đa 6/6 tổ máy với tổng lưu lượng khoảng 3.400m3/s vào ban ngày và phát qua các tổ máy với tổng lưu lượng tối thiểu khoảng 1.700m3/s vào ban đêm. Lệnh mở cửa xả lũ ở các nhà máy thủy điện đã được thông báo đến Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình vùng hạ du.

Ngày 18-7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai thành phố đã có Công điện khẩn số 04/CĐ-BCH yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương dọc sông Đà, Đuống và sông Hồng tổ chức ứng trực, thông tin thường xuyên về tình hình xả lũ và mực nước các sông để nhân dân biết và sẵn sàng đối phó; tuyên truyền hướng dẫn kỹ năng phòng tránh lũ; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản; bảo vệ sản xuất...

Được biết, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đang vận hành 100% công suất các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2… và mở đập Thanh Liệt để hỗ trợ giảm mực nước trên sông Nhuệ, đồng thời triển khai 100% lực lượng ứng trực khơi thông dòng chảy, chuẩn bị đối phó với các trận mưa tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó khi hồ thủy điện xả lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.