Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ước đạt hơn 41%

Bạch Thanh| 20/07/2017 16:11

(HNMO) -  Tính đến hết năm 2016, cả nước có 14.377.682ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10.242.141ha, còn lại là rừng trồng.

Bộ NN&PTNT đã thực hiện điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc ở 6.427 xã của 60 tỉnh, thành phố có rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp. Kết quả cho thấy, tính đến hết năm 2016, cả nước có 14.377.682ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10.242.141ha, còn lại là rừng trồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân của sản xuất lâm nghiệp đạt 6,57%/năm (giai đoạn 2013-2016); khai thác rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ, diện tích rừng bị thiệt hại giảm từ 5.546 ha/năm giai đoạn 2006-2010 xuống 2.948 ha/năm giai đoạn 2012-2016. Mỗi năm, cả nước trồng được 225.000ha rừng tập trung, trong đó hơn 90% là rừng sản xuất; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 40,7% năm 2012 lên 41,19% năm 2016, năm 2017 ước đạt 41,45%; diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 225.000ha...

Tuy nhiên, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng vẫn còn bất cập. Nạn phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ còn xảy ra; kết quả trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng thay thế còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch… Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2020, nâng độ che phủ rừng lên 42% trở lên và phấn đấu xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt giá trị từ 8-8,5 tỷ USD...

Gắn quy hoạch rừng với tái cấu trúc ngành Lâm nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, ngành lâm nghiệp phải bảo đảm 3 mục tiêu để phát triển lâm nghiệp bền vững. Đó là: bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên; phát triển rừng để nâng cao độ che phủ rừng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng và các sản phẩm lâm nghiệp; gắn phát triển rừng với phát triển kinh tế để nâng cao cuộc sống người dân, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng.

Để thực hiện 3 mục tiêu trên, ngành lâm nghiệp cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để tạo môi trường pháp lý thuận lợi trong bảo vệ, phát triển rừng; đồng thời, nâng cao chất lượng quản lý, quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp; rà soát đánh giá tổng thể rừng cấp quốc gia, cấp vùng, xác định rõ lâm phận rừng. Bên cạnh đó, ngành cần tăng cường nâng cao năng lực quản lý nhà nước, giám sát thực trạng, diễn biến tài nguyên rừng…

Phó Thủ tướng yêu cầu phải gắn quy hoạch rừng với tái cấu trúc ngành Lâm nghiệp, gắn tái cấu trúc với việc ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển du lịch và tạo động lực, điều kiện để huy động sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong quản lý, bảo vệ, khai thác rừng hiệu quả, bền vững…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ước đạt hơn 41%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.