Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý ô nhiễm môi trường cục bộ

Minh Phú| 21/07/2017 07:12

(HNM) - Công tác bảo vệ môi trường đang đứng trước nhiều thách thức, ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới của một số địa phương ở Hà Nội.

Tại cuộc họp giao ban quý II của Ban Chỉ đạo Chương trình 02- CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân" giai đoạn 2016 - 2020, nhiều ý kiến đề nghị sở, ngành liên quan tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ ở khu vực làng nghề, khu xử lý chất thải...



Bà Lê Thị Hải, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn cho biết, Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn rộng 160ha, tiếp nhận khoảng 4.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày đêm. Quá trình quản lý, vận hành của khu xử lý còn một số hạn chế gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nhất là ở 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ. Cùng với đó, phương tiện vận chuyển rác về khu xử lý để rơi vãi, rò rỉ nước rác trên đường, gây bụi bẩn và ô nhiễm không khí. Ngoài ra, chất thải phát sinh từ sản xuất đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, như làng nghề tái chế bao bì Dược Hạ (xã Tiên Dược) gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Tương tự, tại huyện Ứng Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Viễn cho biết, làng nghề tái chế đồng nát ở xã Quảng Phú Cầu gây ô nhiễm kéo dài nhưng chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm. Còn tại huyện Hoài Đức, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Đức Trung, một số dự án xử lý nước thải trên địa bàn đang trong quá trình triển khai hoặc đã đưa vào vận hành nhưng chưa phát huy hết công suất nên chưa xử lý dứt điểm nguồn nước gây ô nhiễm...

Bảo vệ môi trường là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhưng thực trạng ô nhiễm môi trường như kể trên khiến nhiều địa phương lúng túng trong quá trình xử lý. Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn Lê Thị Hải cho biết, để khắc phục, huyện đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẩn trương triển khai đưa trạm quan trắc môi trường tự động (của thành phố) vào hoạt động tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn; công khai kết quả giám sát môi trường để người dân vùng chịu ảnh hưởng được biết; tổ chức lấy mẫu không khí trên tuyến đường 35 và dọc suối Lai Sơn để đánh giá mức độ ô nhiễm. Huyện cũng kiến nghị Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu đơn vị trúng thầu dịch vụ vệ sinh môi trường vận chuyển rác đến Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật không để rơi vãi rác và rò rỉ nước thải trên đường.

Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, UBND huyện Ứng Hòa đề nghị sở, ngành tham mưu thành phố phê duyệt 2 cụm công nghiệp làng nghề để huyện có mặt bằng di chuyển cơ sở sản xuất ra xa khu dân cư và cho phép xây dựng lò đốt rác thải làng nghề tại xã Quảng Phú Cầu; sớm tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển rác thải nông thôn về các khu xử lý của thành phố để giảm áp lực cho huyện Ứng Hòa…

Tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các địa phương để kịp thời giải quyết. Đề cập đến hướng tháo gỡ cho huyện Ứng Hòa, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, khó khăn lớn nhất hiện nay là địa phương này chưa có quy hoạch khu xử lý chất thải rắn làng nghề. Do đó, huyện Ứng Hòa nghiên cứu địa điểm, quy mô đầu tư hệ thống xử lý rác thải làng nghề bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Liên quan đến thu gom, xử lý rác thải làng nghề, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các làng nghề cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác tại nguồn để giảm tối đa lượng rác vận chuyển đem đi xử lý tại các khu xử lý chất thải tập trung của thành phố...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý ô nhiễm môi trường cục bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.