Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng 22-7, Thủy điện Hòa Bình mở thêm cửa xả đáy thứ 3

Đỗ Minh - Kim Nhuệ| 21/07/2017 16:02

(HNMO) - Ngày 21-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về việc xả lũ tại 2 hồ thủy điện Hòa Bình và Sơn La.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra thực tế đê khu vực cầu Đuống (Gia Lâm, Hà Nội).


Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, sau 2 ngày xả đáy 2 hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, tính đến 8 giờ sáng 21-7, mực nước hồ Sơn La xuống chậm khoảng 0,42 mét/ngày; mực nước hồ Hòa Bình còn tăng cao hơn so với trước khi xả do lưu lượng về hồ vẫn lớn hơn tổng lưu lượng xả và phát điện. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, 194 trọng điểm xung yếu về đê điều của 13 tỉnh thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình vẫn an toàn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Do công tác chuẩn bị tốt nên vùng hạ du thiệt hại không đáng kể. Tại tỉnh Hòa Bình, hồ chứa xả lũ làm nước sông Đà lên nhanh, gây thiệt hại 30 lồng cá trắm đen và 6ha lúa mới cấy bị ngập. Hiện nay mực nước hồ Hòa Bình cao hơn quy trình 5,32 mét; Sơn La cao hơn quy trình 3,77 mét. Nước về hồ Hòa Bình vẫn tiếp tục tăng. Đáng lưu ý, đây đang là tâm điểm mùa mưa bão, thời điểm tần suất bão lũ xuất hiện rất nhanh và liên tục. Trong khi đó, trạng thái biến đổi khí hậu cực đoan, dị thường nên rất khó lường. Do đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị, địa phương chuẩn bị nhiều kịch bản, phải tính toán đa chiều (hạn và lũ). Với những diễn biến phức tạp cần phải hành động quyết liệt, đồng bộ, thống nhất, giảm thiểu thiệt hại do bão và những diễn biến bất thường của thiên tai, thời tiết...

Trước những phân tích của các viện, đơn vị thủy lợi, bộ, ngành..., Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường quyết định sẽ mở cửa xả đáy thứ 3 ở Hòa Bình từ 6 giờ sáng 22-7; hồ Sơn La giữ nguyên.


Hồ Hòa Bình xả lũ sáng 19-7. Ảnh: Giang Huy/VnExpress


Về phương án ứng phó của Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, trước đó, Hà Nội đã chuẩn bị các phương án ứng phó với bão và việc xả lũ tại hồ Hòa Bình ngay khi có thông báo. Hiện, các lực lượng của thành phố luôn ứng trực liên tục 24h/24h nhằm kiểm soát và kịp thời xử lý khi mưa, úng ngập xảy ra trên địa bàn Thủ đô...

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Theo dự báo, những ngày tới, lượng mưa khu vực Bắc bộ vẫn tiếp tục diễn ra, mực nước sẽ gia tăng. Nếu không có giải pháp tốt, sẽ ảnh hưởng an toàn hồ đập, nguy cơ thiệt hại lớn. Đồng thời, nếu xả lũ không khoa học thì ảnh hưởng đến hạ du và các công trình, đặc biệt là các công trình thủy điện. Nhiệm vụ quan trọng của các bộ, ngành trong thời gian tới, cần bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, các công trình đê điều, thủy lợi và vùng hạ du; đồng thời tích đủ lượng nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất... trong mùa khô.

Sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đã kiểm tra thực tế đê khu vực cầu Đuống (Gia Lâm, Hà Nội).

11h ngày 21-7, ngay sau khi kết thúc cuộc họp về xả lũ tại 2 hồ thủy điện Hòa Bình và Sơn La do Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có Công điện số 25/CĐ-TW gửi Công ty Thủy điện Hòa Bình.

Công điện nêu rõ: Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hòa Bình mở thêm một cửa xả đáy vào hồi 6h sáng ngày 22-7, liên tục phát tối đa qua 8 tổ máy với tổng lưu lượng khoảng 2.400m3/s. Tùy theo tình hình diễn biến của mưa lũ thượng nguồn, có thể tiếp tục mở thêm các cửa xả đáy để bảo đảm an toàn công trình và hạ du.

Công điện cũng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng lưu, hạ lưu đập, phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình huy động lực lượng, phương tiện bảo đảm an toàn cho người dân và an ninh trật tự khu vực công trình, hạ du hồ thủy điện. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, canh gác tại những khu vực đê xung yếu, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy và các hoạt động sản xuất, khai thác trên sông, ven sông.

Các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan chức năng cần thông tin đến cộng đồng, doanh nghiệp để chủ động ứng phó phù hợp, hiệu quả khi hồ tiếp tục vận hành xả lũ, khi mực nước trên hệ thống các sông sẽ lên nhanh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng 22-7, Thủy điện Hòa Bình mở thêm cửa xả đáy thứ 3

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.