Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội cố gắng đi đầu trong nghiên cứu chuyển đổi mô hình cai nghiện

Phong Thu| 08/08/2017 14:06

(HNMO) - Sáng 8-8, Đoàn giám sát do ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Luật Phòng, chống ma túy và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2016.


Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc.


Báo cáo của UBND TP Hà Nội với Đoàn giám sát cho thấy, tình hình dịch HIV/AIDS ở Hà Nội vẫn đang ở giai đoạn dịch tập trung. Phân bố người nhiễm HIV trên toàn thành phố tập trung ở một số quận nội thành. Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Qua đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được những kết quả nhất định, những hành vi kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV đã giảm đáng kể. Tổng số được tư vấn xét nghiệm tự nguyện là 133.957 lượt (giai đoạn 2005-2010 là 73.216 lượt), phụ nữ có thai được tư vấn xét nghiệm HIV tăng từ 67,952 người năm 2011 lên 134.642 người vào năm 2016.

Theo báo cáo, tội phạm mua bán, vận chuyển và tổ chức sử dụng chất ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2011 đến năm 2016, phát hiện, bắt giữ 7.308 vụ, 9.151 đối tượng, thu giữ gần 300kg ma túy tổng hợp. Từ năm 2011 đến nay không phát sinh tụ điểm ma túy, phát sinh mới 15 điểm. Cơ quan chức năng đấu tranh, triệt xóa, loại được 2 tụ điểm, 37 điểm phức tạp. Đến năm 2016, toàn thành phố còn 6 điểm phức tạp về ma túy. Cuối năm 2011, Hà Nội có 20.852 người nghiện ma túy có trong danh sách quản lý. Đến tháng 11-2016, giảm 8.049 người nghiện; giai đoạn 2011-2016, đã tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cho 315 người. Tính đến cuối tháng 6-2017, toàn thành phố có 18 cơ sở điều trị Methadone với tổng số bệnh nhân đang điều trị là 4.667 người. Các cơ sở cai nghiện bắt buộc của Hà Nội đã tiếp nhận, quản lý và chữa trị cho 9.395 lượt người vào cai nghiện.

Tệ nạn mại dâm ở Hà Nội chủ yếu tồn tại ở 2 hình thức trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và mại dâm tại địa bàn công cộng. Đặc biệt, hình thức mại dâm sử dụng Internet thông qua facebook, zalo... diễn biến phức tạp, rất khó xử lý. Công tác đấu tranh, triệt xóa các vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm được thực hiện thường xuyên. Tổng số vụ bắt giữ là 1.402 vụ, 6.373 đối tượng. Năm 2011, Hà Nội có 33 tụ điểm hoạt động mại dâm, qua các năm đã triệt phá được 27 tụ điểm, hiện còn 6 tụ điểm mại dâm công cộng...

Báo cáo cũng nêu lên những hạn chế, tồn tại như: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống HIV/AIDS ở nhiều nơi vẫn còn mang tính phong trào, các hoạt động truyền thông chưa đi sâu vào những nội dung pháp luật; hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng chưa đảm bảo tính khả thi trong thực tế; việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc còn khó khăn do vướng mắc trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết chưa thống nhất; mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm còn thấp, chưa có tác dụng răn đe…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn nêu một số thực trạng cần có cơ chế để hoạt động hiệu quả. Cụ thể như theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố đã có tới mấy trăm trường hợp ngáo đá. Hiện nay, có nhiều loại ma túy mới nên đôi khi không thể chờ xét nghiệm xem có đúng là đối tượng sử dụng ma túy không rồi mới bắt, mà cần linh hoạt, phản ứng nhanh, bởi chậm trễ là gây nguy hại cho cộng đồng. Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn cho rằng, vấn đề quản lý sau cai nghiện cũng sẽ không hiệu quả nếu giao cho xã, phường, thị trấn bởi cơ quan hành chính nhà nước sẽ không đủ người đảm nhiệm việc này. Vì vậy, cần có cơ chế huy động nhân dân tham gia và phải có kinh phí để bảm đảm hoạt động hiệu quả.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong đánh giá cao việc UBND TP Hà Nội đã nghiên cứu rất kỹ các văn bản liên quan, xây dựng báo cáo khá chi tiết. Thành phố đã có nhiều cố gắng trong hoạt động truyền thông, lồng ghép nhiều nội dung và công tác phối hợp tuyên truyền giữa các đơn vị khá tốt. Cùng đó, thành phố có nhiều biện pháp chỉ đạo, theo dõi, nhận diện các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS. Trong công tác quản lý sau cai nghiện, hỗ trợ nghề đã có những phương pháp mềm dẻo, thân tình.

Trưởng đoàn giám sát nhận định, tình hình ma túy trên địa bàn thành phố có chiều hướng phức tạp, cả về quy mô lẫn tính chất tội phạm. Đặc biệt là xu thế ma túy tổng hợp gia tăng đang là vấn đề thách thức chung. Do đó, trong quá trình chờ điều chỉnh, xây dựng cơ cở pháp luật phù hợp, TP Hà Nội cần phát huy kinh nghiệm trong công tác quản lý đối tượng sau cai, gắn với quản lý cư trú. Đồng chí Đặng Thuần Phong lưu ý, TP Hà Nội tiếp tục nhân rộng các mô hình cai nghiện hiệu quả, cố gắng đi đầu trong nghiên cứu chuyển đổi mô hình cai nghiện. 


Về các kiến nghị của thành phố, đoàn sẽ tiếp thu, báo cáo Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội cố gắng đi đầu trong nghiên cứu chuyển đổi mô hình cai nghiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.