Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ thống công trình tiêu úng: Bộc lộ nhiều bất cập

Kim Văn| 09/08/2017 06:44

(HNM) - Hà Nội đã dành hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tình hình vi phạm, xuống cấp, bất cập trong quy hoạch và tác động của tự nhiên đối với hệ thống thủy lợi, nhất là công trình tiêu úng đang là những vấn đề đáng lo ngại, cần được các cấp, các ngành quan tâm và tập trung giải quyết.

Mỗi mùa mưa bão, dù các trạm bơm đã hoạt động hết công suất nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước. Ảnh: Bá Hoạt


Còn 9.756 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 hồi trung tuần tháng 7 vừa qua đã khiến nhiều khu vực trên địa bàn thành phố có mưa lớn, dao động từ 200 đến 300mm. Mưa lớn khiến các sông nội địa như Tích, Bùi, Đáy… đạt ngưỡng trên báo động 2, làm ngập hơn 6.000ha lúa, hoa màu. Mặc dù là vùng có địa hình cao, doanh nghiệp thủy lợi chủ động bơm kiệt nước đệm và vận hành 9 trạm bơm tiêu nhưng huyện Ba Vì vẫn bị ngập úng 1.175ha trong nhiều ngày. Theo Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì Đinh Công Hùng, ngoài nguyên nhân mưa lớn, vượt năng lực của hệ thống tiêu úng còn do lòng dẫn bị vi phạm làm giảm khả năng tiêu thoát của sông Tích…

Theo phản ánh của các huyện thuộc vùng tả sông Đáy, nguyên nhân gây ngập úng là do hệ thống trục sông Nhuệ và sông Duy Tiên không đủ khả năng tải nước. Một số nơi năng lực bơm tiêu chưa đáp ứng yêu cầu như các trạm bơm Đông Mỹ, Bộ Đầu, Phương Nhị, Cao Xuân Dương, Phương Trung, Ngọ Hạ, Đoàn Xá. Đối với vùng phía Bắc Hà Nội hạn chế trong công tác tiêu úng chủ yếu là năng lực các công trình có hệ số tiêu thấp; khu vực trũng thấp của ngòi tiêu Lương Phúc, Kim Lũ, Xuân Kỳ (huyện Sóc Sơn) chưa có công trình tiêu động lực; sông Cầu Bây, trục tiêu chính của khu vực Nam Đuống bị bồi lắng thu hẹp làm hạn chế khả năng thoát nước…

Hiện hệ thống tiêu úng khu vực ngoại thành Hà Nội được chia thành 3 vùng: Hữu sông Đáy, tả sông Đáy và vùng phía Bắc Hà Nội. Hệ thống phục vụ tiêu, thoát nước khu vực ngoại thành có 267 trạm bơm chuyên tiêu, 344 trạm bơm tiêu kết hợp tưới và hệ thống kênh mương, công trình trên kênh… Phần lớn các công trình được xây dựng cách đây hàng chục năm, phục vụ mục đích tiêu úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp, với hệ số tiêu từ 4,5 đến 5,5 lít/giây/héc ta. Sau trận ngập lụt lịch sử, từ năm 2008 đến nay, TP Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp, xây mới công trình tiêu úng.

Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, theo đánh giá hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn thành phố trước mùa mưa bão năm 2017 cơ bản bảo đảm tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống lũ lụt và đời sống dân sinh trong điều kiện thời tiết diễn biến bình thường, với lượng mưa dưới 150mm trong 3 ngày. Tuy nhiên, nếu lượng mưa từ 200mm đến 300mm trong 3 ngày, ngoại thành Hà Nội sẽ ngập khoảng 32.345ha.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) Lê Xuân Uyên cho rằng, ngoài tác động của biến đổi khí hậu thì những vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi tại nhiều địa phương đang làm suy giảm năng lực tiêu úng của công trình. Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, hiện trên địa bàn thành phố còn tồn tại 9.756 trường hợp xây dựng vi phạm công trình thủy lợi, trong đó có 1.359 công trình là nhà cấp ba, 2.763 nhà cấp bốn, 243 nhà xưởng…

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Kiểm tra công tác vận hành Trạm bơm tiêu úng Thạch Nham (huyện Thanh Oai).


Hệ thống công trình thủy lợi đóng vai trò rất lớn, không chỉ đối với sản xuất nông nghiệp mà còn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Để nâng cao năng lực tiêu úng nội đồng, theo ông Lê Xuân Uyên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước tiên các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ công trình thủy lợi; đồng thời xử lý dứt điểm các vụ vi phạm tồn đọng, kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới…

Ông Lê Xuân Uyên cho rằng, để làm tốt nhiệm vụ trên, các địa phương, doanh nghiệp thủy lợi thường xuyên theo dõi tình hình mực nước tại các triền sông, diễn biến thời tiết để điều tiết nước tưới, tiêu cho lúa, hoa màu theo hướng linh hoạt, chủ động. Các địa phương quán triệt chỉ đạo lấy phòng là chính, chống phải kịp thời và có hiệu quả, khẩn trương tiêu kiệt nước đệm trên mặt ruộng và trên các tuyến kênh tiêu khi có dự báo bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn.

Các doanh nghiệp thủy lợi đẩy mạnh công tác duy tu duy trì, quản lý vận hành an toàn, khai thác tối đa năng lực của hệ thống công trình thủy lợi hiện có; triển khai sửa chữa các công trình chống úng, bảo dưỡng máy móc, thiết bị; giải tỏa ách tắc dòng chảy trên các sông, trục tiêu, kênh; nạo vét, khơi thông bể hút các trạm bơm tiêu, vận hành thử các trạm bơm tiêu, các cống tiêu; chuẩn bị đủ vật tư, phương tiện, nhân lực đáp ứng yêu cầu xử lý sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”…

Từ thực tế công trình tiêu úng chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, nên việc huy động nguồn lực để đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình tiêu là cần thiết và cấp bách. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, để có nguồn lực triển khai các dự án thủy lợi, TP Hà Nội cần tính toán đến giải pháp xã hội hóa và vay vốn ODA. Trước mắt, thành phố nên bố trí ngân sách đầu tư thay thế các máy bơm đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 1980 trở về trước; đẩy nhanh tiến độ thi công dự án xây dựng Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa; sớm triển khai các dự án xây dựng Trạm bơm Đông Mỹ, Yên Thái, Đào Nguyên…; nạo vét một số tuyến tiêu sông Pheo, đoạn qua huyện Đan Phượng - Bắc Từ Liêm, kênh Cầu Khâu (quận Hà Đông - Thanh Oai)…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống công trình tiêu úng: Bộc lộ nhiều bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.