Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị xã Sơn Tây: Tồn tại nhiều vi phạm Luật Đê điều

Trung Nguyên| 16/08/2017 07:16

(HNM) - Hệ thống đê điều ở thị xã Sơn Tây hiện tồn tại không ít bất cập và những vụ vi phạm Luật Đê điều với mức độ khác nhau chưa được xử lý. Hiện trạng này là mối hiểm họa khó lường cho hệ thống đê điều đang trong cao điểm mùa mưa lũ.


Tình trạng xâm phạm hành lang an toàn đê điều trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã được cảnh báo từ lâu. Các cuộc ra quân xử lý được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiến hành thường xuyên, nhưng vi phạm vẫn xảy ra. Điển hình là tại khu vực K28+700 đến K30+600 đê hữu Hồng thuộc địa bàn phường Phú Thịnh tồn tại 10 bến bãi tập kết, kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng nhưng đều thiếu giấy phép hoạt động. Hiện ở khu bến bãi này liên tục có nhiều máy xúc, băng tải hoạt động và hàng chục đống cát, sỏi, đá dăm có chiều cao ước chừng từ 2m đến 5m với khối lượng hàng trăm mét khối…

Qua tìm hiểu được biết, cách đây 5 năm, thực hiện chỉ đạo của UBND thị xã Sơn Tây và sở, ngành chức năng về bảo đảm an toàn tuyến kè Sơn Tây và hành lang thoát lũ sông Hồng, bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng trên không được phép hoạt động và UBND phường Phú Thịnh đã chấm dứt hợp đồng cho thuê đất đối với các hộ. Nhưng trên thực tế, các bến bãi vẫn tiếp tục hoạt động trong tình trạng không phép trong nhiều năm qua.

Trước tình trạng này, tháng 1-2016, trên cơ sở thực hiện nội dung Quyết định số 711/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về “Quy hoạch sử dụng cát sỏi trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, UBND thị xã Sơn Tây ban hành Quyết định số 59/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng điểm trung chuyển vật liệu xây dựng tại phường Phú Thịnh. Theo đó, các lô đất được sử dụng làm bãi trung chuyển vật liệu xây dựng sẽ có diện tích từ 1.800m2 đến 2.070m2. Tuy nhiên, do thành phố có sự điều chỉnh quy hoạch, nên quy hoạch bến bãi của thị xã Sơn Tây phải tạm dừng thực hiện. Đây cũng là nguyên nhân khiến những hộ kinh doanh bến bãi ở phường Phú Thịnh, mặc dù bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần, nhưng vẫn không chịu dừng hoạt động với mục đích để đợi quy hoạch.

Điều đáng nói, sai phạm cũ chưa được giải quyết, trên địa bàn thị xã Sơn Tây lại phát sinh vi phạm mới. Đơn cử, Xí nghiệp cảng Đường Lâm vi phạm Luật Đê điều, xây công trình trong khu vực kè Sơn Tây, ở vị trí K27+650. Ngày 19-6-2017, qua kiểm tra tại bờ sông Hồng (thôn Hà Tân, xã Đường Lâm), Hạt Quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ phát hiện Xí nghiệp cảng Đường Lâm đang xây mố kè trên sông, đóng 37 cọc cừ; xây tường đá hộc phía trong hàng cọc cừ, tổng chiều dài 15m, cao 0,7m; bạt mái bờ sông, xây tường bao bằng đá hộc dài 20m, dày 0,5m, cao 0,7m.

Hạt Quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ đã ban hành quyết định tạm đình chỉ hành vi xây dựng công trình không phép, vi phạm pháp luật đê điều đối với Xí nghiệp cảng Đường Lâm. Tuy nhiên, đến ngày 21-6-2017, Hạt Quản lý đê phối hợp với UBND xã Đường Lâm kiểm tra tại khu vực vi phạm, phát hiện Xí nghiệp cảng Đường Lâm vẫn tiếp tục xây dài thêm tường đá hộc và đổ bê tông phía trong tường… Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm Nguyễn Văn Thành: “Công trình xây dựng của Xí nghiệp cảng Đường Lâm chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Theo quy định, mức xử lý vi phạm hành chính đối với vụ việc này vượt quá thẩm quyền của UBND xã. Hiện xã đang hoàn thiện hồ sơ, báo cáo UBND thị xã và các phòng, ban liên quan để giải quyết, xử lý theo thẩm quyền”.

Như vậy, mặc dù tình trạng vi phạm pháp luật đê điều khá phức tạp nhưng việc xử lý chưa dứt điểm của chính quyền địa phương khiến tình trạng càng trở nên nguy hiểm, vì từ đây có thể xảy ra những yếu tố khó lường, nhất là đang trong cao điểm mùa mưa lũ. Để bảo đảm an toàn đê điều, tính mạng, tài sản nhân dân, UBND thị xã Sơn Tây cần kiên quyết xử lý triệt để những trường hợp vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị xã Sơn Tây: Tồn tại nhiều vi phạm Luật Đê điều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.