Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi nào quyết liệt, nơi đó khống chế được dịch bệnh

Thu Trang| 20/08/2017 07:37

(HNM) - Ngày 19-8, các đoàn kiểm tra của thành phố tiếp tục kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại một số quận, huyện: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên, Phúc Thọ…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại khu nghĩa trang trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.


Vẫn nặng tính hình thức

Tại buổi kiểm tra trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, quận Cầu Giấy ngày 19-8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý bày tỏ lo lắng trước việc phun thuốc diệt muỗi, diệt bọ gậy tại các khu nhà trọ, các công trường xây dựng vẫn chưa triệt để. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh.

Thống kê đến ngày 18-8, quận Cầu Giấy đã ghi nhận 1.075 ca sốt xuất huyết tại 8 phường. Dù đã triển khai các biện pháp nhưng công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu đất trống, nhiều khu đang giải phóng mặt bằng và thi công các công trình xây dựng, cùng với gần 8 vạn sinh viên, người thuê trọ trên địa bàn khiến nguy cơ dịch lây lan và bùng phát mạnh ở quận. Trong khi đó, nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế, chưa tự giác thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy…

Tương tự, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm cũng ghi nhận 730 ca mắc sốt xuất huyết với 37 ổ dịch, tập trung chủ yếu tại 2 phường Mễ Trì (250 ca) và Trung Văn (227 ca). Lý giải vì sao số ca mắc sốt xuất huyết chủ yếu tập trung tại 2 phường trên, ông Trần Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết là do sự biến động dân cư ở 2 phường rất lớn, số hộ thuê trọ nhiều hơn cả cư dân địa phương. Ban ngày, các hộ thuê trọ đi làm xa, tối, đêm mới về nhà. Vì vậy, việc quản lý dân cư, hướng dẫn phòng, chống dịch gặp khó khăn. Trong khi đó, hoạt động của một số đội xung kích diệt bọ gậy “đi từng ngõ, gõ từng nhà” chưa thật hiệu quả...

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cũng thừa nhận, việc tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy nhiều nơi vẫn còn nặng tính hình thức. Dù cả quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy đã vào cuộc nhưng hiệu quả đem lại chưa cao. Và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ngoài việc thời tiết không ủng hộ, khu vực tập trung nhiều người thuê trọ… cũng có một phần nguyên nhân đến từ công tác triển khai thực hiện. Nếu đội xung kích chỉ lập ra theo kiểu “cho có” mà không hoạt động hiệu quả sẽ không giải quyết tận gốc vấn đề.

“Hiện nay, mỗi đội xung kích chỉ có 2 thành viên, trong đó chủ yếu là cựu chiến binh, phụ nữ lớn tuổi. Như vậy, rất khó để yêu cầu họ đi kiểm tra liên tục nhiều nhà (từ 30 đến 50 nhà), từ tầng này lên tầng khác. Vì vậy, các quận, huyện nên có lực lượng dân phòng, quân đội tham gia vào đội xung kích. Đội này phải “chà đi sát lại” từng hộ gia đình và phải làm thật nghiêm túc thì mới có thể dập được dịch”, ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.

Khó mấy cũng phải làm thật tốt

Cùng ngày, tại buổi kiểm tra trên địa bàn quận Long Biên, Đoàn kiểm tra do Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung làm Trưởng đoàn đánh giá cao sự vào cuộc của UBND quận Long Biên trong công tác chống dịch sốt xuất huyết. Cụ thể, chính quyền đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai có đồng bộ và thực hiện nghiêm túc Văn bản chỉ đạo số 698-CV/TU ngày 31-7-2017 của Thành ủy, Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 11-7-2017 của UBND thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Đồng thời, quận duy trì thực hiện tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy 1 lần/tuần ở các cơ quan, đơn vị, trường học vào chiều thứ sáu và ở cộng đồng vào sáng thứ bảy hằng tuần. Nhờ đó, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn được khống chế. Hiện toàn quận mới ghi nhận hơn 100 bệnh nhân. “Nếu nơi nào cũng làm tốt như quận Long Biên chắc chắn dịch sốt xuất huyết sẽ được đẩy lùi”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.

Phụ trách Đoàn kiểm tra tại huyện Phúc Thọ - nơi ghi nhận hơn 200 trường hợp mắc sốt xuất huyết, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Dung cũng ghi nhận sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của chính quyền nơi đây. Phúc Thọ hiện cũng là một trong những địa phương “mạnh tay”, chi hơn 3 tỷ đồng cho công tác chống dịch sốt xuất huyết.

“Kiểm tra các trường học, hộ dân trên địa bàn xã Tam Hiệp, từng người dân và học sinh được hỏi về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết đều trả lời rõ ràng tên loại muỗi gây bệnh, nơi bọ gậy sinh trưởng và phát triển… Thậm chí, các em học sinh còn trở thành những tuyên truyền viên tích cực ngay tại chính gia đình mình”, ông Nguyễn Văn Dung cho biết.

Qua kiểm tra trên thực tế, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nêu rõ: “Công tác chống dịch dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng phải cố gắng hoàn thành thật tốt và thành phố luôn đồng hành, chia sẻ, tạo mọi điều kiện, cơ chế để các quận, huyện, thị xã có đủ nguồn lực dập dịch sốt xuất huyết trong thời gian sớm nhất”.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cũng nhấn mạnh đến 3 nội dung mà các quận, huyện, thị xã cần tập trung triển khai quyết liệt, đó là: Việc phun thuốc diệt muỗi phải được triển khai dứt điểm tại các khu vực trọng điểm, diệt triệt để bọ gậy và tích cực tổng vệ sinh môi trường ngay trong tuần tới, trước khi học sinh nhập học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nơi nào quyết liệt, nơi đó khống chế được dịch bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.