Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng cháy, chữa cháy cho nhà ở riêng lẻ: Nên quy định khi cấp phép xây dựng?

Thanh Hải| 14/09/2017 06:51

(HNM) - Phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư, hiện chưa được quan tâm đúng mức, hầu như phó mặc vào ý thức tự bảo vệ của chủ nhà.

Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Ảnh: Anh Tuấn


Chưa được quan tâm

Thống kê của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho thấy, riêng tháng 7-2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 58 vụ cháy, trong đó, có 3 vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đầu tiên là vụ cháy nhà riêng tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm rạng sáng 13-7, khiến cả gia đình gồm 2 vợ chồng, 2 người con tử vong. Ít ngày sau, rạng sáng 19-7, một vụ cháy nữa xảy ra tại ngõ 41, phố Vọng (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) khiến cụ bà 80 tuổi và người con gái thiệt mạng.

Nghiêm trọng nhất là vụ cháy xảy ra vào sáng 29-7 tại xưởng sản xuất bánh kẹo (Km19, quốc lộ 32, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) làm 8 người thiệt mạng và 2 người bị thương. Điểm chung từ những vụ cháy gây thiệt hại lớn về người, tài sản là công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở do người dân tự xây dựng, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư… gần như chưa được nhìn nhận, quan tâm đúng mức.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, nguyên nhân khiến các nạn nhân tử vong khi xảy ra cháy là do công trình không có lối thoát hiểm. Xưởng sản xuất bị cháy tại huyện Hoài Đức tuy rộng (170m2), mặt tiền khoảng 7m, nhưng chỉ có một lối ra - vào. Xưởng lại được xây tường gạch, lợp mái tôn, với gác xép rộng khoảng 100m2 nên khi xảy ra cháy đã sập rất nhanh do sức nóng, vì thế việc cứu hộ, cứu nạn rất khó khăn. Còn với vụ cháy ở phố Vọng, nhà có diện tích khoảng 60m2, xây 4 tầng. Các tầng 2, 3, 4 hàn "chuồng cọp" bịt kín ban công, nên nạn nhân bị mắc kẹt bên trong không thể thoát ra.

Ông Võ Nguyên Phong, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, hiện theo quy định, chỉ có công trình riêng lẻ làm khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích trên 5.000m3 mới buộc phải có thiết kế phòng cháy, chữa cháy. Cùng với đó là do "đất chật, người đông" nên hầu hết các công trình nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư đều chỉ chú trọng đến tận dụng diện tích cho công năng sử dụng, chưa tính toán đến các yêu cầu kỹ thuật khác.

Cách nào để tự bảo vệ gia đình mình?

Hiện trường vụ cháy xảy ra tại xưởng sản xuất bánh kẹo (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức).


Theo ông Trần Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Đống Đa, hầu như các công trình nhà ở được sử dụng làm cơ sở sản xuất, kinh doanh không chú ý đến các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy: Không có lối thoát nạn, không được trang bị phương tiện, thiết bị báo cháy và chữa cháy, không bố trí đèn chiếu sáng sự cố… Vì vậy, đám cháy không được phát hiện sớm, không được chữa cháy kịp thời gây cháy lan và cháy lớn.

"Việc trang bị kiến thức về phòng cháy, chữa cháy là hết sức quan trọng. Song, hiện nay nếu hỏi đến công dụng của từng loại bình chữa cháy nhiều người cũng không rõ chứ chưa nói tới cách sử dụng. Thậm chí, số điện thoại khẩn cấp cần gọi khi xảy cháy nhiều người còn chưa nhớ. Do vậy, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức của chủ sử dụng công trình. Cùng với đó, nên đưa ra quy định bắt buộc về phòng chống cháy nổ khi cấp phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ" - ông Tuấn đề nghị.

Trên khía cạnh pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là công trình nhà ở được sử dụng làm xưởng sản xuất, kinh doanh đặt tại các khu dân cư chưa được đặt đúng mức một phần xuất phát từ những “lỗ hổng” pháp lý.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam phân tích, khó khăn lớn nhất trong chữa cháy khu vực đô thị cũ là “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, nhà đất liền kề san sát, phương tiện chữa cháy di chuyển khó khăn, nên phòng cháy vô cùng quan trọng và phải đặt lên hàng đầu. Muốn vậy, ngoài ý thức của chủ sử dụng cần có thêm quy định pháp lý.

"Công trình nên có nhiều cửa. Các tầng đều phải có lối mở ra ngoài, không nên chỉ có một lối ra - vào duy nhất như phần lớn nhà ống hiện nay. Nếu sử dụng khung sắt để chống trộm đột nhập, cũng cần để một khoảng đóng mở được. Khi thiết kế, cần có giếng trời tạo thông thoáng trong sinh hoạt hằng ngày nhưng cũng là nơi để khói, hơi độc phát tán khi xảy cháy… Chủ sử dụng nên có sẵn phương án thoát hiểm khi gặp sự cố để có thể tự bảo vệ mình trước khi lực lượng chức năng có mặt" - KTS Phạm Thanh Tùng hiến kế.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã chủ trì họp với các bộ: Công an, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư... thống nhất giải pháp cắt giảm thời gian làm thủ tục cấp phép xây dựng công trình. Trong đó, đáng chú ý là Bộ Công an và Bộ Xây dựng thống nhất nghiên cứu quy chế phối hợp, lồng ghép thủ tục về phòng cháy, chữa cháy công trình với thủ tục thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng cháy, chữa cháy cho nhà ở riêng lẻ: Nên quy định khi cấp phép xây dựng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.