Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy trách nhiệm xã hội của kiến trúc sư

Mai Hoa| 24/09/2017 08:00

(HNM) - Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với kiến trúc sư Lê Trương về xu hướng kiến trúc hiện đại, những thách thức mà mỗi kiến trúc sư phải đương đầu để sáng tạo và thực hiện trách nhiệm xã hội.

Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với kiến trúc sư Lê Trương về xu hướng kiến trúc hiện đại, những thách thức mà mỗi kiến trúc sư phải đương đầu để sáng tạo và thực hiện trách nhiệm xã hội.


KTS Lê Trương (bìa trái) cùng KTS Hoàng Thúc Hào (bìa phải) tặng sách kiến trúc cho sinh viên.


- Ông có thể chia sẻ đôi điều suy nghĩ về hội thảo "Kiến trúc - Triết lý - Con người - Thiên nhiên"?

- Đây là hội thảo thường niên, được Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức với sự vào cuộc của Tập đoàn Lixil - tập đoàn lớn rất quan tâm tới các hoạt động của giới kiến trúc sư. Chủ đề "Kiến trúc - Triết lý - Con người - Thiên nhiên" thực sự rất có giá trị, ý nghĩa định hướng cho hoạt động của Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong thời gian tới.

- Bài thuyết trình của ông có tiêu đề "Kiến trúc - Thay đổi - Phát triển", dường như tương đối độc lập với chủ đề chính?

- Đề tài mà tôi trình bày có vẻ không bám chủ đề một cách trực tiếp, nhưng thực ra vẫn nằm trong mạch định hướng chung của hội thảo. Bởi với tôi, chỉ riêng từ "kiến trúc" đã bao hàm đầy đủ những điều chúng ta cần nói - về triết lý, con người, thiên nhiên.

Đến với hội thảo, mỗi kiến trúc sư có một cách đặt vấn đề riêng. Tôi muốn chia sẻ công việc kiến trúc và mối liên hệ của nó với tất cả những gì xung quanh, một công việc đòi hỏi kiến trúc sư cần có sự hiểu biết, quan điểm làm nghề rõ ràng, bởi nếu không có triết lý thiết kế kiến trúc hài hòa với cảnh quan, môi trường, thiên nhiên, con người, chúng ta khó có thể thực hiện tốt ý tưởng và hoàn thành trách nhiệm xã hội. Tôi nghĩ, những trải nghiệm của chúng tôi tại "khu phố Pháp" ở Hà Nội sẽ có ích với đồng nghiệp.

- Theo ông, cần thay đổi những yếu tố nào để có được sự phát triển trong hoạt động kiến trúc?

- Thay đổi lớn nhất, cần nhất là về tư duy, nhận thức. Khi tư duy, nhận thức tốt định hình, nó sẽ dẫn dắt chúng ta hành động đúng. Với tôi, phát triển là quá trình thay đổi giúp cuộc sống của chúng ta tốt hơn. Sự phát triển đó cần có sự kết nối với quá khứ. Trong kiến trúc, thay đổi không có nghĩa là từ chối quá khứ, tạo ra cái gì đó hoàn toàn mới, mà phải luôn "đứng trên vai" của ngày hôm qua.

- Bản thân ông từng làm nhiều công trình gắn với các khu vực trung tâm phố cũ của Hà Nội. Trải nghiệm thực tế đó với công việc thiết kế ở những khu vực này như thế nào, thưa ông?

- Kể từ Vành đai 3 trở vào khu vực trung tâm Thủ đô, công ty chúng tôi có gần 60 công trình đã, đang và sẽ thực hiện. Kinh nghiệm thực tế, sự chắt lọc về quan điểm làm nghề sẽ có ích với nhiều người. Ví như khi tôi thực hiện các công trình kiến trúc ở Hà Nội, tôi cần, và phải cảm nhận sâu sắc về phần hồn, sự quyến rũ của Thủ đô ngàn năm tuổi, giàu truyền thống về lịch sử và văn hóa, thể hiện qua các mảng màu kiến trúc có xu hướng thay đổi qua từng thời kỳ. Sứ mệnh của kiến trúc sư là tạo dựng và phát triển mà không làm hỏng thần thái của thành phố, luôn đặt con người vào trong môi trường thiên nhiên với đầy đủ sắc thái văn hóa - xã hội của nó.

- Để sáng tạo, bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giới kiến trúc sư phải đối mặt với những khó khăn nào, thưa ông?

- Có hàng loạt thách thức về quan điểm, quản lý đô thị, thậm chí là nền tảng nhận thức của xã hội... Luôn có khó khăn, trở ngại, đòi hỏi kiến trúc sư phải bình tĩnh, tương tác, thuyết phục và trao đổi để vượt qua. Đơn cử, công ty chúng tôi thực hiện thiết kế một công trình ở khu trung tâm Hà Nội. Chủ đầu tư muốn một công trình đơn giản, an toàn. Nhưng chúng tôi nghĩ không thể lãng phí cơ hội được thực hiện công trình ở một địa điểm đẹp của Hà Nội. Chúng tôi muốn tạo nên nét đặc trưng, điểm nhấn ở công trình đó nên đã đưa ra ý tưởng tạo dựng công trình xanh. Rất nhiều người không đồng tình. Chúng tôi đã kiên trì thuyết phục và cuối cùng được cho phép thực hiện tác phẩm của mình. Có thể nói đó là sự đổi mới hoàn toàn trong tư duy của chủ đầu tư, cho thấy vai trò tư vấn được tôn trọng khi chúng ta thể hiện được trách nhiệm của mình với xã hội.

- Tham gia hoạt động giao lưu cùng đông đảo sinh viên kiến trúc tại hội thảo, ông cảm nhận gì về họ và muốn chia sẻ những thông điệp gì với họ về hành trình làm nghề phía trước?

- Tôi thấy lại tuổi trẻ của mình trong các bạn trẻ, muốn chuyển tới họ thông điệp: Kiến trúc sư Việt Nam vô cùng may mắn bởi có rất nhiều cơ hội quý giá ở phía trước để làm nghề. Các bạn cứ bình tĩnh tiếp cận từng bước, từ đơn giản đến khó. Nếu đam mê và sẵn sàng làm việc, bạn hoàn toàn có cơ hội trong tương lai.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Một vài thông tin về kiến trúc sư Lê Trương

* Là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên được phong danh hiệu Kiến trúc sư ASEAN.

* Giải thưởng “TopBrands 2014” do Tổ chức Global GTA (Vương quốc Anh) và Viện Nghiên cứu kinh tế xét duyệt dưới sự giám sát của Tổ chức Inter Conformity (Đức).

* Công ty TT Associates do kiến trúc sư Lê Trương làm Tổng Giám đốc thuộc tốp 10 công ty kiến trúc hàng đầu tại Việt Nam (do Tổ chức quốc tế BCI ASIA bình chọn).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy trách nhiệm xã hội của kiến trúc sư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.