Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết giảm “gánh nặng”... họp!

Phong Thu| 25/09/2017 06:17

(HNM) - Hội nghị, họp quá nhiều gây lãng phí thời gian, công sức, chi phí và ảnh hưởng đến chất lượng công tác chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức...


Tổ chức họp trực tuyến là giải pháp hiệu quả, cần phát huy, nhân rộng. Ảnh: Nhật Nam


Khổ vì... họp

Họp có vai trò quan trọng đối với những công việc cần sự tham gia của nhiều người, nhiều cơ quan, đơn vị. Thông qua cuộc họp, nhiều vấn đề vướng mắc trong thực tiễn được bàn thảo kỹ, nên giải quyết thấu đáo. Tuy nhiên, số lượng, tần suất họp quá dày lại ảnh hưởng đến chất lượng thực thi công việc của cá nhân, tập thể.

Vừa qua, một số lãnh đạo cấp sở tại TP Hồ Chí Minh phản ánh với Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong về tình trạng lịch họp quá nhiều. 7 tháng năm 2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận 2.114 giấy mời họp từ các cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo sở và lãnh đạo phòng, ban Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng dự hơn 1.500 cuộc họp. Điều này cho thấy, số cuộc họp một đơn vị phải tham gia quá lớn. Nếu cố gắng tham dự đầy đủ theo giấy mời thì phần lớn thời gian làm việc của lãnh đạo sở, ngành là đi họp. Chưa kể, nhiều cuộc họp trùng nhau nên có người phải “chạy sô” tới 3-4 cuộc/ngày.

Đáng nói là, số cuộc họp không tỷ lệ thuận với chất lượng giải quyết công việc, bởi nhiều cuộc họp chỉ nặng về báo cáo. Khi phát biểu, không ít thành viên lại nói nhiều về thành tích hơn là hạn chế, khó khăn, đề xuất phương án giải quyết...

Với những địa phương có địa bàn rộng, mật độ dân số cao như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, để tham dự một cuộc họp, lãnh đạo các quận, huyện phải mất nhiều thời gian để đến địa điểm họp. Ngoài khoảng cách lớn về quãng đường, họ còn thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông...

Một số cán bộ của huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, khi tham dự một cuộc họp tổ chức tại trung tâm thành phố thì phải mất 3-4 giờ đi và về. Chưa kể, nhiều khi trùng lịch, người đứng đầu đơn vị phải phân công cấp phó, thậm chí chuyên viên họp thay. Không ít trường hợp người họp thay chỉ để “có mặt” theo thành phần chứ không tham gia được ý kiến.

Họp nhiều không những không nâng chất lượng giải quyết công việc mà còn choán hết thời gian làm chuyên môn của cán bộ. Ông Lương Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Gia Thụy (quận Long Biên, TP Hà Nội), Trưởng bộ phận “một cửa” UBND phường Gia Thụy cho biết, không chỉ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực phụ trách, ông phải dự nhiều cuộc họp do các cấp, ngành tổ chức. “Với những ngày như vậy, tôi thường phải quay về cơ quan lúc cuối giờ chiều và làm việc tiếp đến 6-7h tối để cố gắng giải quyết hết công việc trong ngày” - ông Lương Thành Trung nói.

Không đủ thời gian hành chính để giải quyết công việc do họp là tình hình chung ở nhiều cơ quan, đơn vị. Việc cán bộ đi họp, không giải quyết ngay được thủ tục hành chính cho người dân trong những tình huống cấp bách cũng đã gây ra những vụ việc đáng tiếc. Bên cạnh đó, nhiều bất cập thuộc các lĩnh vực xây dựng, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự đô thị… cũng chưa được giải quyết kịp thời do thiếu sự sâu sát mà đáng lý có được qua việc khảo sát, kiểm tra thực tế của cán bộ.

Phát huy giải pháp "cải tiến", thay thế

Để lãnh đạo có thời gian đi cơ sở nắm bắt thông tin, gần dân, đối thoại với dân, giúp dân thì nhất thiết phải giảm họp. Một trong những giải pháp cần được phát huy, nhân rộng là tổ chức họp trực tuyến, lồng ghép nhiều nội dung trong một cuộc họp. Bên cạnh đó, cần tiết kiệm thời gian cuộc họp bằng cách gửi tài liệu qua thư điện tử để các đại biểu đọc trước khi cuộc họp diễn ra.

Chủ tịch UBND quận Long Biên (Hà Nội) Vũ Thu Hà cho biết: “Sau mấy năm triển khai, đến nay, cán bộ, công chức, viên chức của quận đã có thói quen nhận và nghiên cứu tài liệu qua internet nên cuộc họp không mất thời gian đọc báo cáo mà dành thời gian bàn sâu việc khắc phục những vấn đề còn hạn chế, vướng mắc”. Hầu hết các cuộc họp của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội hiện nay cũng đã được tiến hành theo cách này.

Vai trò của người chủ trì cuộc họp cũng rất quan trọng. Tại nhiều cuộc họp của UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung thường nhắc lãnh đạo các đơn vị phát biểu thẳng vào vấn đề, chỉ nêu những hạn chế, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị, tránh kể lể thành tích.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam đề xuất: “Để nâng cao chất lượng cuộc họp, rất cần nâng cao chất lượng báo cáo. Bởi, chỉ khi báo cáo được chuẩn bị kỹ lưỡng, số liệu chính xác, có phân tích nguyên nhân, kèm theo đề xuất, kiến nghị cụ thể thì cuộc họp mới giải quyết đúng trọng tâm. Do đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin để chia sẻ dữ liệu chung trong toàn quốc với các hạng mục có thể chia sẻ và dùng chung. Điều này giúp giảm tải lượng lớn báo cáo và bảo đảm sự minh bạch, chính xác”.

Khắc phục những tồn tại đang đặt ra, đầu tháng 9-2017, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Nội vụ tham mưu để giảm số lượng các cuộc họp ở cơ quan hành chính, dành thời gian đi cơ sở. Tại Hà Nội, từ trước đó, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 187/KH-UBND, ngày 14-8-2017, triển khai thực hiện Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc TP Hà Nội. Kế hoạch đề ra yêu cầu giảm tối thiểu 20% báo cáo định kỳ không phù hợp với yêu cầu quản lý, lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lặp, không cần thiết, nhằm giảm gánh nặng hành chính, tiết kiệm chi phí.

Quyết tâm hành động đó của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hướng đi hiệu quả trong việc giảm họp hành, nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước. Cùng với đó, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, áp dụng cơ chế tự chủ để lãnh đạo các đơn vị dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không phải thường xuyên tổ chức các cuộc họp. Được như vậy, lãnh đạo mới có thời gian sâu sát cơ sở, nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết giảm “gánh nặng”... họp!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.