Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phổ cập kỹ năng phòng cháy, chữa cháy: Còn khoảng trống lớn

Tiến Thành| 28/09/2017 06:39

(HNM) - Vẫn còn nhiều bất cập trong công tác tuyên truyền phòng ngừa, kỹ năng tự thoát nạn đến người dân, do đó khi xảy ra các vụ cháy dễ gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Phát tờ rơi tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy đến tay người dân.


Nhiều người vẫn thờ ơ

Thực hiện Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 7-4-2017 của UBND TP Hà Nội về tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2021, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy, chữa cháy đến người dân. Đến nay, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố đã tổ chức 2.306 lớp tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho gần 154 nghìn lượt người, với sự tham gia đa dạng của nhiều tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên và phát hơn 130 nghìn tờ rơi tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn đến từng cơ sở, hộ gia đình.

Tuy vậy, nhận thức của người dân khi tham gia các hoạt động tập huấn, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa nghiêm túc. Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương (quận Hà Đông) Dương Ngọc Thỏa cho biết, phường cũng như quận thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn tuyên truyền, nhưng hầu hết những người tham gia đều là cán bộ tổ dân phố và người cao tuổi. Mặc dù buổi tuyên truyền, tập huấn diễn ra vào ngày chủ nhật nhưng lại không thu hút được những người trẻ tuổi. Khi cán bộ tổ dân phố về địa bàn phổ biến đến từng hộ gia đình thì người dân lại có thái độ khá thờ ơ.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 2 cho biết, tại các cuộc tuyên truyền ở cơ sở, người dân thường đến nghe rất ít. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại vì nguy cơ cháy nổ có thể đến với bất cứ gia đình nào. Trong thực tế cuộc sống, các gia đình có thể đầu tư mua sắm đồ dùng trị giá hàng chục triệu đồng phục vụ cuộc sống, sinh hoạt nhưng lại không muốn bỏ tiền ra trang bị bình chữa cháy, hệ thống báo cháy với giá chỉ vài trăm nghìn đồng.

Nguyên nhân của việc này một phần cũng bắt nguồn từ những bất cập trong công tác tập huấn, tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy. Chị Đào Thị Trang (trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cho biết, chị đã tham gia một số buổi tập huấn, tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư cũng như cơ quan công tác và thấy nội dung những buổi này khá giống nhau, dù giữa khu dân cư và doanh nghiệp có những điều kiện khác nhau về phòng cháy, chữa cháy. “Chủ yếu chúng tôi được phổ biến kiến thức qua nói chuyện và tờ rơi về thoát hiểm khi có sự cố, chứ chưa được trực tiếp thực hành các phương án khi có sự cố xảy ra” - chị Trang nói.

Mới đây, rạng sáng 25-9, “bà hỏa” đã ghé qua ngôi nhà 5 tầng kết hợp nơi ở và kinh doanh phụ tùng xe máy tại thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội). Khi phát hiện vụ cháy, người dân đã tri hô, nhưng phải đến gần 30 phút sau những người trong nhà mới biết nhưng cũng không thể tự thoát ra được, phải cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài. Thật đau lòng là vụ hỏa hoạn đã cướp đi hai sinh mạng.

Chưa tạo được chuyển biến tích cực

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố) cho biết: Người dân chưa thông hiểu về kiến thức phòng cháy, chữa cháy và thoát hiểm nên ngay trong công tác khắc phục các vi phạm phòng cháy, chữa cháy tại một số công trình chung cư cao tầng như chung cư Cảnh sát 113 (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), tòa nhà TX 05 (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân),... đã gặp nhiều khó khăn, do một số hộ dân không đồng ý để chủ đầu tư triển khai thực hiện các giải pháp kỹ thuật mà Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy yêu cầu.

Tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã ngày 25-9 vừa qua, UBND TP Hà Nội đánh giá, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy tuy đã được quan tâm, có bước đổi mới song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Nội dung tuyên truyền chưa đến được hết các cơ sở, các khu dân cư, hộ gia đình và từng người dân. Mức độ chuyển biến trong nhận thức của người đứng đầu, các tầng lớp nhân dân về công tác tự phòng ngừa vẫn chưa cao, còn lơ là, chủ quan, chưa chấp hành đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Thời gian tới, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố cùng với chính quyền địa phương, ngành chức năng tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó chú trọng phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn tại các cơ quan, trường học, hộ gia đình; đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến về phòng cháy, chữa cháy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phổ cập kỹ năng phòng cháy, chữa cháy: Còn khoảng trống lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.